Hà Nội:
Cận Tết, người giúp việc theo giờ dễ kiếm tiền triệu mỗi ngày
(Dân trí) - Càng giáp Tết, nhu cầu về người giúp việc ở Hà Nội tăng cao. Được trả từ 100.000 - 200.000 đồng/giờ, nhiều lao động ngoại tỉnh có thể kiếm tiền triệu mỗi ngày.
Thu tiền triệu mỗi ngày
Sáng nay, bà Vũ Thu Hằng (quê Hậu Lộc, Thanh Hóa) nhận dọn nhà cho 1 gia đình ở phường Phương Liệt (Thanh Xuân, Hà Nội). Nhiệm vụ của bà là lau dọn sàn nhà, phòng ngủ, cầu thang và dọn dẹp những thứ gia chủ không dùng đến nữa.
"Càng cuối năm, nhiều hộ gia đình bận rộn giải quyết công việc, không có thời gian lo nhà cửa. Vì thế, tôi tranh thủ đăng ký làm thuê theo giờ để cải thiệm thêm thu nhập", bà Hằng chia sẻ.
Nói với PV, bà Vũ Thu Hằng cho biết, những gia đình có nhu cầu thuê đều là những ngôi nhà lớn nên có nhiều thứ phải dọn dẹp. Công việc của bà vì thế có lẽ chỉ hoàn thành đến chiều tối.
"Hôm nay, tôi tính chắc phải đến 17 giờ mới dọn dẹp xong. Công việc tuy khá vất vả nhưng gia chủ hứa trả công 100.000 đồng/giờ. Tính ra, tôi cũng kiếm được khoảng 1 triệu đồng/ngày", bà vui vẻ cho biết.
Bận rộn không kém bà Hằng, chị Nguyễn Thị Toan (quê Hiệp Hòa, Bắc Giang) với những dụng cụ như chổi lau, chổi quét nhà, chất tẩy rửa,… tất bật lau dọn cho 1 ngôi nhà 5 tầng trên phố Đại Từ (Hoàng Mai, Hà Nội).
Theo chị Toan, các hộ gia đình trên địa bàn thành phố có nhu cầu trang hoàng lại căn nhà của mình để chuẩn bị làm lễ cúng ông Công, ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch. Một giờ làm việc cật lực, chị Toan được trả công cao nhất tới 150.000 đồng/giờ.
"Từ ngay tháng trước, tôi đăng tin tìm việc lên mạng xã hội đã có tới chục người gọi điện liên hệ đến giúp việc theo giờ. Tôi chỉ lo không đủ sức khỏe chứ làm thì không xuể hết nhu cầu của khách", chị Toan chia sẻ.
Sắp tới, chị Toan còn nhận thêm cả việc trông trẻ bởi nhiều gia đình có con đã chuyển sang học online ở nhà để phòng chống dịch Covid-19. Tùy theo thỏa thuận từ hai phía, nhưng hứa hẹn thù lao sẽ hậu hĩnh nếu làm thêm ca đêm.
Chỉ dừng việc khi tới ngày 30 Tết
Lên Hà Nội đã nhiều năm nay, bà Vũ Thu Hằng đi buôn bán phế liệu để mưu sinh. Vì đặc thù công việc phải tỉ mẩn đã quen, do vậy bà Hằng cho biết không cảm thấy khó khăn gì mấy khi làm thêm việc dọn nhà hay giúp việc chủ nhà.
"Tôi thấy hai công việc cũng tương tự như nhau. Quan trọng là mình phải thật thà, chịu khó mới lấy được sự uy tín từ người ta", bà Hằng cho hay.
Bà Hằng thường đem theo vài sợi dây chun, vài chiếc túi ni-lông mỗi khi đến nhận việc để tận dụng mua lại những thứ phế liệu mà gia chủ không dùng đến nữa. Đến tối, bà lại đạp xe ra các cơ sở thu mua phế liệu để kiếm thêm tiền cải thiện thu nhập.
Là nhân viên chăm sóc khách hàng ở 1 khách sạn, chị Nguyễn Thị Toan cho biết gần công việc không được ổn định. Năm ngoái, chị đã phải về nhà 1 thời gian vì công ty cho nhân viên nghỉ giãn cách xã hội.
Tháng cuối năm, chị cùng 1 số đồng nghiệp rủ nhau đi làm thêm dịch vụ giúp việc để mong bù đắp lại chi tiêu. Biết tin dịch bệnh bùng phát trở lại gần đây, chị Toan không khỏi lo lắng.
"Năm 2020 đầy khó khăn với những người làm ngành dịch vụ như chúng tôi. Tôi mong Nhà nước sớm có biện pháp thiết thực để dập dịch 1 cách hiệu quả nhất để người lao động đón một mùa xuân yên vui", chị bày tỏ.
Nói về dự định sắp tới, chị Toan cho biết sẽ nhận tăng ca làm thêm trông trẻ buổi tối. Chị chỉ bắt xe khách về quê vào thời điểm 29, 30 Tết - khi nhu cầu khách hàng đã vãn.