Thanh Hóa:
Cận Tết, làng rèn "đỏ lửa" xuyên đêm
(Dân trí) - Khi nhiều người đang chuẩn bị cho Tết Nguyên đán thì những người thợ làng rèn Tiến Lộc (Thanh Hoa) vẫn miệt mài chạy đua với thời gian để cho ra lò các sản phẩm phục vụ khách hàng.
Những ngày này, nhiều lò rèn của làng rèn Tiến Lộc (huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) dường như không nghỉ với những tiếng nện sắt, tiếng búa đập choang choang liên hồi.
Theo người làng rèn, thời điểm Tết đến, các sản phẩm dao chặt và thái được bán chạy hơn cuốc, xẻng...
Ông Kiều Văn Viễn, một người thợ có thâm niên trong làng nghề Tiến Lộc, cho biết: "Từ khi lớn lên, tôi đã thấy dân làng làm nghề này. Cũng không ai rõ nghề có từ bao giờ, người làng làm nghề quanh năm nhưng cứ vào vụ Tết thì tất bật hơn gấp 3-4 ngày thường".
Có ngày, ông Viễn làm hàng trăm con dao cho khách mà vẫn không kịp. Các lò nấu phôi thép gần như đỏ rực cả ngày lẫn đêm để phục vụ các xưởng rèn.
"Gia đình tôi phải tăng cường làm việc với công suất gấp ba gấp bốn ngày thường và kéo dài đến sau Tết, gần như không được nghỉ chút nào, thậm chí có những ngày thức xuyên đêm vì đây là thời điểm nông dân mua sắm nông cụ rất nhiều. Ngay cơ sở của tôi, hàng làm ra có khi không đủ giao nên với những đơn hàng ngắn ngày, số lượng quá lớn, tôi cũng không dám nhận. Bình thường chỉ có 2 vợ chồng làm còn ngày Tết phải thuê người làm, họ nhận hàng về làm rồi mang sản phẩm đến" - ông Viễn nói.
Cũng theo ông Viễn, vụ Tết tuy vất vả, mệt nhọc nhưng đây cũng là thời gian cho người làm nghề thu hoạch cao nhất trong năm, nhiều khách hàng ở xa đặt mua về để bán buôn nên phải cố để cho đủ đơn hàng giao đúng thời gian.
Nếu như những tháng bình thường trong năm, hai vợ chồng ông Viễn làm chỉ thu nhập trung bình 17-20 triệu đồng trừ chi phí nhưng vào tháng Tết thì thu nhập lên đến 40-45 triệu đồng.
Thay vì làm hoàn toàn bằng thủ công, khoảng 10 năm trở lại đây, hầu hết cơ sở rèn đầu tư máy móc vào sản xuất để nâng cao năng suất lao động, bù vào lượng lao động nông thôn thiếu hụt.
Bà Kiều Thị Phương, làng nghề Tiến Lộc cho biết: "Dịp Tết là khoảng thời gian bận rộn nhất, số lượng người đặt rèn các loại dao để sử dụng tăng lên. Vì vậy, hàng ngày những người làm nghề ở đây đều phải bắt đầu công việc từ lúc 4 giờ sáng, kết thúc khi trời tối muộn, thậm chí phải làm cả đêm.
Lò rèn nhà bà Phương liên tục phải thuê nhân công phụ giúp, mỗi ngày công 250.000 đồng-300.000đ tùy theo sản phẩm. Vì làm với quy mô lớn, mỗi vụ Tết gia đình bà thu về hàng trăm triệu đồng, gấp nhiều lần so với những tháng khác trong năm.
Theo những người làm nghề, để ra được một sản phẩm hoàn chỉnh, người thợ rèn phải thực hiện đầy đủ các bước, từ công đoạn ra phôi, đến việc gia công trong lò. Trung bình mỗi ngày sản xuất khoảng 200 sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường như: Cuốc, xẻng, liềm, dao... Để có được sản phẩm tốt nhất, phải rất kỳ công, tỉ mỉ đến từng công đoạn.
Ông Hoàng Trọng Dần, Chủ tịch UBND xã Tiến Lộc cho biết: "Từ xưa, Tiến Lộc đã nổi tiếng với nghề rèn gắn với tên các làng: làng Ngọ, làng Bùi, làng Sơn. Những năm gần đây, nghề rèn đã bắt đầu du nhập vào 2 làng còn lại: Thị Trang và Xuân Hội. Hiện toàn xã có khoảng 1.600 hộ làm nghề rèn, chiếm trên 60% số hộ trong cả xã.
Càng về những ngày giáp Tết, người làm nghề ở đây càng tất bật hơn để kịp cung ứng ra thị trường do số lượng hàng đặt gấp nhiều lần ngày thường. Nghề rèn là một trong những nghề đem lại thu nhập cao cho địa phương, giải quyết cho hàng trăm lao động, đặc biệt là lao động trong độ tuổi ngoài 40 trở lên".
Theo dự kiến, trong thời gian tới, xã Tiến Lộc sẽ xây dựng thêm một cụm công nghiệp làng nghề mới với diện tích khoảng hơn 6ha. Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Tiến Lộc sẽ đưa thương hiệu làng nghề thêm một tầm cao mới, hướng tới xây dựng thương hiệu OCOP nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, tạo ra sức mạnh cạnh tranh trên thị trường.