Đắk Lắk:
Cần nhiều giải pháp giúp người lao động dân tộc thiểu số tìm việc làm
(Dân trí) - Công tác tạo việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số luôn được đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, vẫn nhiều khó khăn trong quá trình tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động thuộc đối tượng này.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Cường, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) Đắk Lắk, cho biết: "Từ năm 2020 đến nay, Trung tâm đã tư vấn và giới thiệu cho hơn 13.000 lượt người lao động dân tộc thiểu số (DTTS), qua đó có 1.422 người tìm được việc làm".
Theo ông Cường, nhiều năm qua, công tác tư vấn, giới thiệu việc làm cho người DTTS được chính quyền các cấp quan tâm. Đồng thời, nhiều chính sách hỗ trợ, đào tạo nghề cho lao động DTTS gắn với giải quyết việc làm đã được triển khai.
Tuy nhiên, đa số người DTTS còn gặp khó khăn khi tiếp cận việc làm, vì: Trình độ chuyên môn, tay nghề thấp; chủ yếu là lao động phổ thông, làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp; người lao động thường có tâm lý ngại xa nhà nên chưa chủ động tìm kiếm việc làm, chưa mạnh dạn, tự tin tham gia phỏng vấn.
"Không ít người lao động DTTS còn chưa quen với tác phong công nghiệp, nhiều trường hợp khi đi xin được việc làm rồi nhưng đến mùa thu hoạch cà phê, hồ tiêu thường xin nghỉ để về nhà thu hái. Do vậy gây khó khăn cho doanh nghiệp và không có sự ổn định", ông Cường cho hay.
Trung tâm DVVL đã tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động để tuyên truyền, tư vấn việc làm cho người lao động DTTS đi lao động trong và ngoại tỉnh.
"Tuy nhiên, do kinh phí hạn chế nên Trung tâm chưa có điều kiện tổ chức nhiều phiên giao dịch đến vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào DTTS", ông Cường thông tin.
Để người lao động DTTS chủ động tìm kiếm việc làm, theo lãnh đạo Trung tâm DVVL cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chính sách việc làm, đào tạo nghề, phát huy được vai trò của già làng, trưởng bản và cán bộ đoàn thể ở cơ sở trong công tác tuyên truyền thông tin liên quan đến việc làm đến người lao động.
Cũng theo Phòng Lao động, Việc làm và Giáo dục nghề nghiệp (Sở LĐ-TB&XH Đắk Lắk), chương trình đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động cũng là một trong những giải pháp tạo việc làm hiệu quả giúp người lao động có thu nhập cao.
"Để tạo điều kiện tốt nhất cho đồng bào DTTS được tiếp cận với chương trình trên, các doanh nghiệp trên địa bàn nên về tận nơi tư vấn, tuyên truyền, đào tạo để giúp người lao động đáp ứng được các chương trình", một lãnh đạo Phòng Lao động, Việc làm và Giáo dục nghề nghiệp thông tin.
Ngoài ra, tỉnh Đắk Lắk cần tập trung phát triển các cụm công nghiệp để kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư lớn, có tiềm lực về tài chính, công nghệ để đầu tư xây dựng nhà máy chế biến, nhà máy sản xuất... nhằm giải quyết việc làm cho lao động địa phương cũng là một trong những giải pháp cần thiết.
Tỉnh Đắk Lắk có 48 dân tộc thiểu số sinh sống, chiếm khoảng 32% tổng dân số toàn tỉnh. Đa phần người dân đều sinh sống chủ yếu bằng nghề nông, ít tiếp cận với các việc làm khác.