1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Cần cân nhắc việc giảm chi phí chi trả trợ cấp thất nghiệp

(Dân trí) - “Việc điều chỉnh giảm mức chi phí chi trả xuống 0,65% sẽ tác động đến bảo đảm kinh phí hoạt động thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ, giải quyết chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và bảo hiểm thất nghiệp”.

Đây là một phần ý kiến của Bộ LĐ-TB&XH góp ý về Dự thảo quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 60/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Công văn do Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Quân ký.

Nguy cơ ảnh hưởng tới thực hiện nhiệm vụ

Trước đó, Dự thảo Quyết định sửa đổi bổ sung Quyết định số 60/2015/QĐ-TTg, Bộ Tài chính đã đưa ra đề xuất điều chỉnh tăng mức chi phí thu BHXH tự nguyện, thu BHYT của người tham gia theo hộ gia đình, của học sinh, sinh viên từ 7% lên tối đa bằng 7,5% số tiền đóng của người tham gia.

Cần cân nhắc việc giảm chi phí chi trả trợ cấp thất nghiệp - 1

Đồng thời, Điểm b khoản 9 Điều 1 Dự thảo cũng quy định điều chỉnh giảm mức chi phí chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp thất nghiệp từ 0,78% xuống 0,65% trên số tiền chi trả.

Góp ý hoàn thiện Dự thảo, đại diện Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, Ban soạn thảo cần cân nhắc kỹ cơ sở đề xuất nêu trên.

“Mức chi phí 7% thu BHXH tự nguyện, thu BHYT của một số đối tượng và mức chi phí 0,78% chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp thất nghiệp quy định tại Quyết định số 60/2015/QĐ-TTg đã được Bộ Tài chính trình Chính phủ. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã có Báo cáo số 03/BC-CP ngày 11/5/2018 trình Ủy ban thường vụ Quốc hội cho phép lấy làm căn cứ để tính toán phương án chi phí quản lý giai đoạn 2019 – 2021 và đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 528/2018/UBTVQH14 ngày 26/5/2018” - trích nội dung trả lời của Bộ LĐ-TB&XH.

Đồng thời, mức chi phí chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp thất nghiệp 0,78% tại Quyết định số 60/2015/QĐ-TTg đã được xây dựng trên cơ sở bảo đảm một phần chi phí chi phí quản lý của ngành BHXH và toàn bộ chi phí thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ, giải quyết chế độ BHTN của ngành LĐ-TB&XH.

Theo Quyết định số 51/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về mức chi phí quản lý BHXH, BHTN, BHYT giai đoạn 2019 -2021, từ năm 2019, mức chi phí chi trả 0,78% còn phải bảo đảm toàn bộ chi phí thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ, giải quyết chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các nhiệm vụ liên quan đến quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của các cơ quan, tổ chức thuộc ngành LĐ-TB&XH.

Do đó, Bộ LĐ-TB&XH nêu quan điểm: “Việc điều chỉnh giảm mức chi phí chi trả xuống 0,65% sẽ có tác động đến bảo đảm kinh phí hoạt động thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ, giải quyết chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và bảo hiểm thất nghiệp của ngành LĐ-TB&XH”.

Bổ sung kinh phí tuyên truyền

Quan điểm của Bộ LĐ-TB&XH cũng nhấn mạnh việc cần bổ sung quy định kinh phí tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHXH cho ngành LĐ-TB&XH trong Dự thảo quyết định.

Cần cân nhắc việc giảm chi phí chi trả trợ cấp thất nghiệp - 2

Theo phân tích của Bộ LĐ-TB&XH, Điểm a khoản 1 Điều 90 Luật Bảo hiểm xã hội đã quy định chi phí quản lý BHXH được sử dụng để tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH.

Ngoài ra theo quy định tại khoản 2 Điều 7, khoản 4 Điều 10 và khoản 3 Điều 12 Luật Bảo hiểm xã hội, một trong các nội dung quản lý nhà nước về BHXH là công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH và trách nhiệm này được giao trực tiếp cho Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH và Ủy ban nhân dân các cấp.

“Tuy nhiên, thực tiễn thời gian qua, kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước dành cho công tác tuyên truyền, phố biến chính sách, pháp luật nói chung và lĩnh vực BHXH nói riêng còn hạn chế là một trong những nguyên nhân dẫn tới kết quả công tác tuyên truyền chưa cao. Điều này đòi hỏi cần có sự quan tâm, phân bổ phù hợp kinh phí từ nguồn chi phí quản lý BHXH cho công tác tuyên truyền của các cơ quan quản lý nhà nước ở các cấp” - Công văn của Bộ LĐ-TB&XH.

Trên cơ sở đó, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, bổ sung quy định kinh phí tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHXH ngoài bố trí cho cơ quan BHXH, có bố trí cho ngành LĐ-TB&XH từ nguồn chi phí quản lý BHXH.

Liên quan đến chi phí quản lý BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH bày tỏ quan điểm: “Theo điểm b khoản 5 Điều 9 Quyết định số 60/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và điểm c khoản 3 Điều 8 Thông tư số 20/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính thì mức chi phí chi trả 0,78% được trích 63% chi cho tổ chức làm đại lý chi trả (chi cho ngành bưu điện), bao gồm cả chi phí chi trả cho người có tài khoản ATM là chưa phù hợp”.

Công văn cũng đề nghị: “Để nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ BHXH, quỹ BHTN, giảm chi phí từ các quỹ này, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị bổ sung quy định cơ quan Bảo hiểm xã hội trực tiếp chi trả cho người có tài khoản ATM. Việc chi trả qua tổ chức làm đại lý chi trả chỉ áp dụng đối với những người không có tài khoản ATM”.

Vân Lê