Gói an sinh 62.000 tỷ đồng:
Cán bộ huyện đảo Phú Quốc “đi từng ngõ, gõ từng nhà” tìm lao động tự do
(Dân trí) - Huyện Phú Quốc đã chi tiền hỗ trợ xong cho nhóm gia đình có công, hộ nghèo, cận nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội. Hiện cán bộ xã, thị trấn “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để rà soát lao động tự do.
Theo báo cáo Phòng LĐ-TB&XH huyện Phú Quốc, tính đến ngày 28/5, 10 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Phú Quốc đã chi xong cho nhóm đối tượng người có công (383 người), hộ nghèo và cận nghèo (760 hộ), đối tượng bảo trợ xã hội (1.102 người).
Chỉ còn hơn 10 trường hợp thuộc đối tượng bảo trợ xã hội chưa nhận tiền do người dân đi chữa bệnh hoặc vắng mặt tại địa phương.
Các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Phú Quốc đang khẩn trương thông báo và tiếp nhận hồ sơ của các nhóm đối tượng còn lại, trong đó nhóm lao động tự do chiếm số đông trên 4.000 người.
Nhóm lao động tự do tập trung ở thị trấn Dương Đông hơn 1.300 người, thị trấn An Thới 1.330 người…
Theo ông Huỳnh Hồng Thái - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Dương Đông, tính đến thời điểm hiện tại, thị trấn đã rà soát xong hơn 1.300 người thuộc nhóm lao động tự do.
Đối tượng nhóm 2 và nhóm 3 trên 330 trường hợp. Nhưng khó khăn và mất nhiều thời gian nhất là xác định nhóm lao động tự do.
Theo ông Thái, để hoàn thành việc thẩm định hồ sơ nhóm lao động tự do, tổ công tác (HĐND, Ủy ban mặt trận, thường trực Ủy ban thị trấn, cán bộ đoàn thể khu phố…) đến gia đình từng người dân xác minh ngành nghề, mức thu nhập.
Để kịp tiến độ, tổ công tác phải tranh thủ làm luôn ngày thứ bảy, chủ nhật, vì nhiều khi đến nhà, người dân đi buôn bán…
Những năm gần đây khi huyện đảo Phú Quốc phát triển, hàng nghìn hộ dân ở đất liền đổ ra Phú Quốc sinh sống, đa phần làm công nhân xây dựng, buôn bán tự do, nhân viên phục vụ tại các nhà hàng, khách sạn…
Nhưng hiện nay, một số lượng lớn người dân làm nghề thợ hồ, phục vụ tại các hàng quán, nghề hớt tóc không thuộc nhóm đối tượng được hưởng gói hỗ trợ của Chính phủ.
Ngoài ra, tại địa bàn huyện Phú Quốc, còn nhiều trường hợp hành nghề lái đò chở khách ở các xã đảo, như: Xã đảo Thổ Chu, Hòn Thơm. Tuy nhiên, nhóm lao động này cũng không thuộc được diện hỗ trợ bị ảnh hưởng dịch Covid-19.
Bà Phạm Thanh Nghĩa - Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Phú Quốc cho biết: "Hiện các xã, thị trấn đang khẩn trương thống kê và rà soát danh sách các nhóm đối tượng còn lại để Phòng thẩm định, kiểm tra trước khi trình UBND huyện phê duyệt danh sách hỗ trợ".
Cũng theo bà Nghĩa, mặc dù công việc nhiều nhưng là chương trình có ý nghĩa cho người dân nên anh em cán bộ từ huyện đến xã động viên nhau, cố gắng hoàn thành nhiệm vụ để tiền hỗ trợ của Chính phủ đến tay người dân trong thời gian sớm nhất.
Nói về khó khăn, bà Nghĩa cho biết, đối với nhóm lao động tự do, số lượng nhiều, nhưng tình hình dịch bệnh tạm ổn nên người dân đã buôn gánh, bán bưng.
Do đó, cán bộ tiếp cận, thẩm tra ngành nghề, thu nhập nhóm đối tượng này là khá vất vả, mất nhiều thời gian. Hơn nữa, nhiều trường hợp không đúng ngành nghề, cán bộ giải thích, người dân không hiểu. Cũng có nhiều trường hợp cho rằng cán bộ làm khó…
Trong khi đó, ngành du lịch ở Phú Quốc phát triển mạnh mẽ nên người dân đất liền đến đây sinh sống khá đông, đa phần làm tạm trú nên việc thông báo, hướng dẫn cho nhóm lao động này khó khăn, vì chỗ ở không cố định.
Mặt khác, nhiều người lao động ở các nơi khác đến thị trấn Dương Đông, An Thới kinh doanh, buôn bán nhưng để được nhận hỗ trợ, nhóm lao động này quay về địa phương xác nhận.
Nguyễn Hành