TPHCM:
Cấm bán vé số từ 1/4, người làm nghề loay hoay tìm kế mưu sinh
(Dân trí) - Từ ngày 1/4, cả nước sẽ dừng phát hành sổ xố kiến thiết trong 15 ngày để chống dịch Covid-19. Tại TPHCM, những người bán vé số bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì mất đi nguồn thu nhập từ công việc này.
Đây là những lao động thuộc khu vực phi chính thức, dễ nhạy cảm và là thường chịu tác động đầu tiên khi có biến động của thị trường.
Nhiều chục ngàn người lao đao
Ngày 31/3, nhiều người bán vé số dạo tại TPHCM đều tranh thủ bán xong trước 14h cùng ngày, phần chưa bán được đem về giao lại vé thừa cho các đại lý cấp 1.
Dù biết chủ trương tạm dừng là đúng, nhằm ngăn chặn dịch Covid-19 đang lan rộng, nhưng vẻ buồn bã và đầy tâm tư vẫn dễ nhận thấy ở nhiều người, từ chủ đại lý đến người bán vé số dạo.
Qua tìm hiểu, những người được PV Dân trí gặp gỡ đều là dân ngoại tỉnh vào TPHCM mưu sinh với từng hoàn cảnh khác nhau, như: Mẹ bán vé số nuôi con học đại học, chị gái bán vé nuôi chồng con bệnh tật ở quê...
Theo bà Nguyễn Thị Liên (47 tuổi, quê Quảng Ngãi) - một người làm nghề nhiều năm ở TPHCM cho biết - công việc chủ yếu của bà là bươn trải khắp thành phố để tìm người có nhu cầu mua xổ số. Tùy từng đại lý, mỗi tờ vé số bán bà Nguyễn Thị Liên được nhận hoa hồng từ 1.000 đồng - 1.200 đồng.
Thu nhập không cao, bà Liên và nhiều người làm nghề bán vé số phải ăn uống dè sẻn để có tiền gửi về quê cho người thân.
"Tôi đi bán vé số để nuôi con gái đang học đại học năm thứ tư. Giờ không cho đi bán thì vẫn ở lại đây với con gái, chứ không về quê. Tình hình này chưa biết kiếm sống như thế nào, giờ đi xin làm việc khác thì cũng khó có người dám nhận" - bà Nguyễn Thị Liên nói.
Bà Nguyễn Thị Liên hy vọng, thời gian ngưng bán chỉ 15 ngày chứ không dài nhiều hơn nữa, vì không có tiền chi tiêu.
"Lúc trước được chủ đại lý cho ở nhờ, nhưng giờ tôi phải trả phí thuê nhà trọ nữa, không bán nên họ cũng không hỗ trợ. Vì họ cũng phải thuê nhà. Tôi cũng xin được ít gạo rồi, giờ thì cơm rau, mắm mấy mẹ con ăn với nhau thôi. Tôi cũng mong được hỗ trợ để mình sống qua ngày chứ khó khăn quá", bà Nguyễn Thị Liên (47 tuổi, quê Quảng Ngãi) chia sẻ thêm.
Không chỉ riêng bà Liên, việc cấm cũng khiến hàng chục ngàn người bán vé số ở TPHCM và các tỉnh thành đều chung một hoàn cảnh.
Họ đều chấp hành lệnh cấm vì lợi ích chung của cộng đồng nhưng cũng mong muốn sớm được bán lại vé số để tự thân làm việc nuôi gia đình.
Nhiều trường hợp khi phải nghỉ việc tạm thời trong 15 ngày tới vẫn phải trả tiền phòng trọ, lo tiền ăn uống mà thu nhập gần như không có.
"Tôi bán ở đại lý, không phải đi dạo, lương 5 triệu/tháng, trong đó chi 2 triệu để trả tiền phòng trọ, còn lại nuôi chồng bệnh và 3 con nhỏ. Giờ mà không được bán thì không biết làm nghề gì kiếm sống nữa...", chị Thu Cúc (quê Tây Ninh) cho hay.
Với các đại lý vé số lớn việc nghỉ 15 ngày có thể ảnh hưởng không lớn nhưng các đại lý nhỏ thì cũng là một bài toán nan giải.
Chị Đào, một chủ đại lý vé số ở quận Tân Bình cho biết: "Tiền thuê nhà và trả lương cho người bán vé số là 30 triệu đồng/tháng. Thời gian qua bán chậm, xin chủ nhà giảm tiền thuê nhà nhưng họ cũng không cho. Mình đành chịu vậy, khó khăn lắm".
Cùng làm nghề bán vé số, chị Đào thương mấy người bán vé số dạo vì họ không có tiền, không có nghề, giờ nghỉ bán vé số thì không có tiền chỉ tiêu và gửi về gia đình nơi quê nhà.
"Tôi cũng chỉ hỗ trợ họ được ít gạo và khoảng 50.000 đồng/người/ngày để họ sống qua ngày thôi", chị Đào (đại lý vé số tại quận Tân Bình) cho biết.
Cần gấp sự hỗ trợ
Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Anh Thắng, Trưởng Văn phòng đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại TP HCM, cho biết: "Cần phải có những chính sách cụ thể để hỗ trợ cho đối tượng lao động khu vực phi chính thức trong bối cảnh bị mất việc làm và thu nhập do dịch Covid-19 gây ra hiện nay".
Theo ông Thắng, trong cả nước, lao động phi chính thức hiện nay chiếm khoảng 57% tổng số lao động phi nông nghiệp, chiếm khoảng 3/4 tổng việc làm trong nền kinh tế và 60% tập trung ở khu vực nông thôn, đa số có thu nhập ở mức thấp so với bình quân thu nhập của khu vực chính thức và không ổn định.
"Ngay cả trước khi xảy ra đại dịch Covid-19, lao động khu vực phi chính thức vốn đã là nhóm dễ bị tổn thương và yếu thế. Khi họ bị mất việc, thu nhập không có, khó khăn sẽ chồng chất thêm khó khăn. Họ không được hưởng gì từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp vì chưa tham gia từ trước và Quỹ hoạt động trên nguyên tắc có đóng - có hưởng", ông Thắng chia sẻ.
Đây là bài toán không đơn giản nhưng rất cần lời giải. "Bởi tất cả xã hội luôn hướng tới mục tiêu "không để ai bị bỏ lại phía sau" và quan trọng hơn là vì sự an toàn và đảm bảo trật tự, trị an cho xã hội", ông Thắng chia sẻ.
Theo quan điểm cá nhân, ông Thắng cho biết, để hỗ trợ nhóm đối tượng này, Chính Phủ cần có giải pháp thiết thực nhằm hỗ trợ người lao động từ nguồn ngân sách.
Đồng thời cần thực hiện chế độ hỗ trợ các hộ kinh doanh, chủ sử dụng lao động phi chính thức được hưởng chính sách vay ưu đãi để trả lương ngừng việc, bao gồm cả cho vay ưu đãi hàng tháng nhằm đảm bảo chi phí sinh hoạt tối thiểu đối với đối tượng này.
"Về lâu dài, chúng ta cần tuyên truyền và đẩy nhanh việc đưa lực lượng lao động này vào khu vực chính thức, phủ rộng chính sách bảo hiểm thất nghiệp song song với chính sách bảo hiểm y tế để mỗi khi có tình huống tương tự người lao động đỡ vất vả hơn", ông Thắng nhấn mạnh.
Xuân Hinh - Phạm Nguyễn