Cách tính thời gian hưởng phụ cấp thâm niên nghề

Ông Nguyễn Sinh Thành (Hà Tĩnh) hỏi, cán bộ làm công tác kiểm tra Đảng được 9 năm 11 tháng 17 ngày, đang hưởng phụ cấp thâm niên 9%.

Nay sau đại hội không tiếp tục làm công tác kiểm tra Đảng nữa, thì thời gian 11 tháng 17 ngày có được tính là 1 năm để được cộng thêm 1% thâm niên nghề không?

Khi chuyển sang làm công tác khác không phải là công tác kiểm tra Đảng và công tác mới không có chế độ phụ cấp thâm niên, thì cán bộ đó có bị cắt phụ cấp thâm niên đang hưởng (9%) không?

Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội trả lời ông Nguyễn Sinh Thành như sau:

Theo Hướng dẫn số 37-HD/BTCTW ngày 25/1/2010 của Ban Tổ chức Trung ương (tình trạng còn hiệu lực) thì, cán bộ, công chức làm công tác kiểm tra Đảng được hưởng phụ cấp thâm niên nghề bao gồm:

Cán bộ, công chức chuyên trách công tác kiểm tra Đảng đã được xếp lương theo chức danh (Chủ nhiệm, Phó chủ nhiệm, Ủy viên Ủy ban kiểm tra chuyên trách) hoặc xếp lương theo ngạch kiểm tra Đảng (kiểm tra viên, kiểm tra viên chính, kiểm tra viên cao cấp) trong các cơ quan Ủy ban kiểm tra từ Trung ương đến cấp huyện và tương đương đang hưởng lương từ ngân sách Nhà nước.

Cán bộ, công chức công tác ở Ủy ban kiểm tra cấp huyện (bao gồm: Huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh) chưa được bổ nhiệm ngạch kiểm tra Đảng nhưng trực tiếp làm công tác kiểm tra Đảng theo quy định của Điều lệ Đảng, hiện hưởng lương công chức loại A0 hoặc công chức loại B (cán sự và tương đương) và đang hưởng phụ cấp trách nhiệm nghề kiểm tra Đảng.

Đối tượng hưởng phụ cấp thâm niên nghề kiểm tra Đảng nêu trên, hiện đang công tác ở cơ quan Ủy ban kiểm tra Đảng các cấp sau 5 năm (đủ 60 tháng) được hưởng phụ cấp thâm niên nghề bằng 5%. Từ năm thứ 6 trở đi, mỗi năm công tác (đủ 12 tháng) được tính thêm 1% .

Cán bộ, công chức công tác ở Ủy ban kiểm tra Đảng các cấp khi được luân chuyển, điều động trong ngành kiểm tra Đảng thì thời gian công tác được tính hưởng phụ cấp thâm niên nghề là liên tục.

Theo Điểm 2.4 Mục 2 của Hướng dẫn này, cách chi trả phụ cấp, nguồn kinh phí và các trường hợp không được tính hưởng phụ cấp thâm niên nghề thực hiện thống nhất theo quy định chung của Chính phủ tại Thông tư liên tịch số 04/2009/TTLT-BNV-BTC ngày 24/12/2009, của liên Bộ Nội vụ - Bộ Tài chính.

Trường hợp ông Nguyễn Sinh Thành hỏi, căn cứ Hướng dẫn nêu trên thì, từ năm thứ 6 trở đi, cứ mỗi năm cán bộ, công chức đủ 12 tháng làm công tác kiểm tra Đảng thì được tính thêm 1% phụ cấp thâm niên. Nếu vào thời điểm thôi làm công tác kiểm tra Đảng theo quyết định của cấp có thẩm quyền, mà chưa đủ 12 tháng thì chưa được cộng thêm 1% phụ cấp thâm niên.

Căn cứ quy định tại Điểm a Khoản 1 và Điểm c Khoản 2 Điều 3 Thông tư Liên tịch số 04/2009/TTLT-BNV-BTC (tình trạng còn hiệu lực) thì, thời gian làm việc được tính hưởng phụ cấp thâm niên nghề được xác định bằng tổng thời gian làm việc được xếp lương theo một trong các ngạch hoặc chức danh của các chuyên ngành hải quan, tòa án, kiểm sát, kiểm toán, thanh tra, thi hành án dân sự, kiểm lâm, kiểm tra Đảng (nếu có thời gian gián đoạn mà thời gian làm việc được tính hưởng phụ cấp thâm niên nghề chưa hưởng trợ cấp BHXH một lần thì được cộng dồn).

Thời gian không được tính hưởng phụ cấp thâm niên nghề là thời gian làm các công việc, xếp lương ngoài các ngạch hoặc chức danh nêu trên.

Nếu cán bộ, công chức sau khi thôi làm công tác kiểm tra Đảng, chuyển sang làm công việc khác, xếp lương theo các ngạch hoặc chức danh khác nhưng không thuộc đối tượng hưởng phụ cấp thâm niên nghề, thì thời gian đó không được tính hưởng phụ cấp thâm niên nghề.

Khi được bầu cử hoặc điều động trở lại làm công tác kiểm tra Đảng các cấp, hoặc khi được luân chuyển, điều động, bổ nhiệm vào các ngạch, chức danh mà pháp luật quy định được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên nghề, thì thời gian làm việc được tính hưởng phụ cấp thâm niên nghề trước đây được cộng dồn để tính hưởng phụ cấp thâm niên nghề. 

Theo Chinhphu.vn

* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.