Cà phê giá cao chưa từng có, nông dân đổ xô mua cây giống
(Dân trí) - Với giá cà phê nhân hơn 120.000 đồng/kg, cao kỷ lục, nông dân tại Đắk Lắk đã ồ ạt tái canh dẫn đến tình trạng cây giống "cháy" hàng, dù giá cây giống cao gấp đôi năm trước.
Cầu vượt cung
Từ cuối năm 2023 đến nay, tại các cơ sở bán cây giống cà phê trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk luôn trong tình trạng khan hiếm nguồn cung do nhu cầu của nông dân trồng mới cà phê tăng cao.
Tại địa bàn xã Hòa Thắng (thành phố Buôn Ma Thuột) là vựa cung cấp cây giống lớn tại tỉnh Đắk Lắk những ngày này tấp nập cảnh mua bán cây giống cà phê.
Lặn lội hơn 50km từ huyện Krông Năng đến thành phố Buôn Ma Thuột mua cà phê giống, ông Nguyễn Anh (47 tuổi) cho biết, năm nay giá cà phê lên cao, gia đình ông mạnh dạn phá đi hơn 1ha cà phê già cỗi, năng suất kém để tái canh.
Dù trên địa bàn huyện cũng có nhiều cơ sở cây giống nhưng ông vẫn quyết định đến tận các vườn ươm có tiếng để mua nhằm đảm bảo chất lượng.
"Tôi dự định mua trên 3.000 cây giống cà phê nhưng đi qua 2 cơ sở gom vẫn chưa đủ số cây muốn mua. Chưa năm nào tôi thấy bà con đi mua giống cà phê nhiều như vậy", ông Nguyễn Anh cho hay.
Cũng lùng mua cà phê giống nhưng không có hàng, ông Ba Năm (51 tuổi, trú huyện Krông Pắk) phàn nàn: "Tháng trước tôi có đặt cọc để mua trên 1.000 cây cà phê giống ghép, chủ cơ sở có nhận cọc rồi, nay đến nhận hàng lại báo chỉ có khoảng 500 cây. Tôi cũng đi mấy cơ sở để mua nhưng họ đều báo hết hàng.
Việc không đủ số cây để tái canh và trồng xen cà phê với vườn sầu riêng sẽ khiến việc chăm sóc phức tạp hơn khi độ tuổi các cây khác nhau trong cùng một vườn".
Chị Hoài Hương (chủ một cơ sở cây giống tại xã Hòa Thắng) cho biết, cây giống cà phê khan hiếm hàng do nhu cầu trồng của người dân tăng đột biến khi giá cà phê cao kỷ lục hơn 120.000 đồng/kg. Do đó, vài tháng qua, nông dân các tỉnh lân cận Đắk Nông, Gia Lai, Lâm Đồng cũng đổ xô đến mua giống dẫn tới cầu vượt cung.
Năm nay, cơ sở chị Hương ươm trên 30.000 cây cà phê giống và khoảng 15.000 cây cà phê ghép nhưng hàng đã được khách đặt hết. "Hiện chúng tôi chỉ chăm sóc cây chờ ngày khách đến nhận hàng đã đặt chứ không có hàng để bán.
Mỗi ngày, hàng chục lượt nông dân đến hỏi mua rồi tiếc nuối khi không có cây giống. Nếu biết trước việc khan hàng ắt hẳn chúng tôi đã ươm gấp đôi số lượng để bán", chị Hương nói.
Được biết, giá cây cà phê giống đang được các cơ sở bán với giá khoảng 4.000 đồng/cây thực sinh (ươm hạt) và khoảng 10.000-15.000 đồng/cây ghép, đều cao gấp đôi so với năm trước.
Nông dân cần cẩn trọng khi mua cà phê giống
Trao đổi với phóng viên Dân trí, Tiến sĩ Phan Việt Hà, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên cho rằng, nhu cầu trồng, tái canh, xen canh cà phê của nông dân hiện tăng cao do giá cà phê cao kỷ lục.
Theo Tiến sĩ Hà, năm nay, Trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ cà phê Ea Kmat của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên chuyên cung cấp hạt giống, cây giống cà phê cho toàn quốc cũng không đủ nguồn cung ứng cho thị trường.
Năm nay, phía Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên cung ứng hơn 1 triệu cây cà phê giống, trên 5 tấn hạt cà phê giống nhưng số lượng đều đã có các đơn vị, cá nhân đặt hàng từ trước.
"Dù nhu cầu người dân cao nhưng phía Viện quán triệt không tăng giá cây giống để tạo điều kiện cho bà con nông dân, giá của giống cà phê đều được niêm yết công khai trên trang web của Viện. Riêng việc các cơ sở cây giống ở ngoài tăng giá là do họ tự tăng, không có cơ sở để tăng như vậy", Tiến sĩ Hà chia sẻ.
Lãnh đạo Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên cũng khuyến cáo nông dân không nên nôn nóng tái canh nếu không tìm được nguồn cây giống có chất lượng. Bởi, nếu nông dân vội vàng chọn phải những cây giống kém chất lượng, qua quá trình chăm sóc, tưới tiêu vất vả mất một vài năm mới biết năng suất kém, lại phải loại bỏ cây sẽ tốn kém gấp bội phần.
"Hiện, duy nhất Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên có Trung tâm cây giống Ea Kmat nhưng ngoài thị trường rất nhiều cơ sở cũng tự treo bảng cây giống Ea Kmat để bán giống nên bà con rất dễ nhầm và mua phải giống không chuẩn", Tiến sĩ Hà nhấn mạnh.
Cũng theo ông Hà, phía Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên là đơn vị đầu tiên của cả nước ươm hạt cà phê giống robusta đạt chuẩn do đã qua quá trình nghiên cứu kỹ lưỡng. Dù nhiều nông dân thu hái hạt cà phê robusta từ cây cà phê mẹ chất lượng để ươm cây con nhưng chưa chắc những cây này đã mang những đặc tính trội của cây mẹ.
Do đó, việc chọn lựa cây giống là một trong những yếu tố quan trọng, then chốt hàng đầu trong việc phát triển cà phê bền vững.
Tỉnh Đắk Lắk được mệnh danh là thủ phủ cà phê của Việt Nam với diện tích trên 210.000ha, sản lượng khoảng 550.000 tấn/năm.
Cà phê của Đắk Lắk đã xuất khẩu sang hơn 100 quốc gia trên toàn thế giới. Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu cà phê Đắk Lắk đạt khoảng 900 triệu USD, chiếm hơn 50% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.