“Cả nước hướng về anh Khải và các liệt sĩ”

(Dân trí) - “Trong những giờ phút này, không chỉ người làm chính sách ngành LĐ-TB&XH mà từng người dân đều xúc động và trân trọng trước sự hy sinh của các anh. Điều này càng có ý nghĩa khi thời điểm 69 năm kỷ niệm Ngày thương binh liệt sĩ đang tới gần”.


Bộ trưởng Đào Ngọc Dung (ngoài cùng, bên trái) chia buồn cùng gia đình phi công Trần Quang Khải.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung (ngoài cùng, bên trái) chia buồn cùng gia đình phi công Trần Quang Khải.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nói trong buổi tới thăm gia đình đại tá, phi công Trần Quang Khải tại thôn Văn 2, xã Tân Dĩnh, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang sáng 22/6.

Chia sẻ nỗi đau của gia đình phi công Trần Quang Khải, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bày tỏ: “Việc đền ơn đáp nghĩa phải được thực hiện xuyên suốt và kịp thời tới những người có công trong quá khứ và hiện tại. Sâu xa hơn nữa, công tác đền ơn đáp nghĩa chính là việc giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn cho thế hệ trẻ của đất nước”.

Thắp nén hương trước bàn thờ phi công Trần Quang Khải, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cam kết sẽ quyết liệt và có trách nhiệm hơn nữa trong công tác thực hiện chính sách người có công. “Trải qua những cuộc chiến vệ quốc vừa qua, cả nước còn hàng ngàn hồ sơ người có công đang chờ xác minh và công nhận, hơn chục ngàn hồ sơ thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đang chờ để xử lý…Chúng ta phải suy nghĩ làm sao để đẩy nhanh công tác giải quyết thực tế này”.


Bố đẻ và vợ phi công Trần Quang Khải (lần lượt từ phải sang trái) tiếp với đoàn công tác Bộ LĐ-TB&XH.

Bố đẻ và vợ phi công Trần Quang Khải (lần lượt từ phải sang trái) tiếp với đoàn công tác Bộ LĐ-TB&XH.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã trao tặng món quà nhỏ trị giá 20 triệu đồng tới gia đình phi công Trần Quang Khải nhằm hỗ trợ việc sửa nhà. Đồng thời, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng trân trọng mời chị Hà tới dự cuộc gặp gỡ người có công tại thành phố Cần Thơ do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức trong tháng 7 tới đây.

Thay mặt gia đình, chị Trần Thị Hà - vợ phi công Trần Quang Khải - bày tỏ sự biết ơn trước sự quan tâm của các cấp chính quyền. “Từ hôm có tin anh mất tới nay, nhiều cơ quan đoàn thể đã tới thăm hỏi và động viên gia đình. Điều này đã phần nào làm ấm lòng gia đình chúng tôi trong nỗi đau này” - chị Trần Thị Hà cho biết.

Trước đó, ngày 14/6, thượng tá, phi công Trần Quang Khải đã hy sinh trong khi thực hiện nhiệm vụ bay huấn luyện máy bay Su-30 MK2 tại vùng trời Thanh Hóa và Nghệ An. Ngày 18/6, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã công bố quyết định thăng quân hàm từ thượng tá lên đại tá cho phi công Trần Quang Khải. Ngày 20/6, UBND TP.Hà Nội đã chỉ đạo Sở GD&ĐT và Sở Nội vụ xem xét và tuyển dụng vợ anh Khải trở thành viên chức trong ngành giáo dục. Đại tá Trần Quang Khải là Phó trung đoàn trưởng kiêm Tham mưu trưởng Trung đoàn 923, Sư đoàn Không quân 371, Quân chủng Phòng không - Không quân.

Được biết, vợ chồng anh Trần Quang Khải đã lấy nhau được 5 năm. Hai anh chị đã có 1 con 4 tuổi và đang ở thuê nhà tại phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội.

Nhớ lại hôm gặp chồng gần đây nhất, chị Hà nghẹn ngào: “Lần cuối cùng, anh Khải liên hệ với tôi là vào khoảng 21h30 chủ nhật tuần trước nữa. Qua điện thoại, anh nói công việc rất bận. Anh nhớ con và nghe cháu hát hết bài này tới bài khác qua điện thoại...”

Ông Trần Văn Phùng, bố đẻ phi công Trần Quang Khải xúc động cho biết: “Cháu ít nói về công việc của mình. Tôi lúc nào cũng khuyên con phải sống và làm việc xứng đáng với truyền thống gia đình. Có một lần, Khải mang về cho tôi xem 1 tờ báo nhắc tới cháu đã đạt thành tích cao trong huấn luyện chiến đấu. Cháu là niềm tự hào của gia đình”.

Hoàng Mạnh

TIN VẮN:

TPHCM: Tổ chức Phiên GDVL lưu động lần 3 với hơn 1000 chỉ tiêu

Theo Trung tâm DVVL TPHCM (Sở LĐ-TB&XH TPHCM), Phiên GDVL lưu động đã được tổ chức vào hồi 8h ngày 25/5 tại Chi nhánh Bảo hiểm thất nghiệp quận 6 (Trung tâm dạy nghề Quận 6, số 743/34 đường Hồng Bàng, Phường 6, Quận 6).

Tham gia Phiên GDVL có 23 đơn vị gồm có 8 doanh nghiệp tham gia trực tiếp, cùng với 15 doanh nghiệp đăng ký trên tham gia tuyển dụng trên Cổng thông tin việc làm thành phố Hồ Chí Minh. Tổng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp là 1.029 vị trí việc làm cụ thể số lượng lao động ở các ngành nghề như sau: Điện, điện tử: 32; kế toán, kiểm toán: 12; kỹ thuật, cơ khí: 42; kinh doanh và quản lý: 230; xây dựng và kiến trúc: 15; tài chính: 64; khách sạn, du lịch và dịch vụ: 54; lao động phổ thông: 393...

Theo Ban tổ chức, Phiên GDVL là cơ hội cho người lao động, đặc biệt là người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, sinh viên - học sinh có nhu cầu tìm việc tiếp cận nhanh chóng với thông tin tuyển dụng của các doanh nghiệp. Ngoài ra, các chuyên viên của TT DVVL còn thực hiện công tác tư vấn, giới thiệu việc làm và hỗ trợ học nghề cho người lao động, ưu tiên cho người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp; hướng dẫn thủ tục đăng ký hồ sơ xin việc.

L.N