Cà Mau tìm việc làm cho hơn 44.000 lao động hồi hương tránh dịch
(Dân trí) - Do dịch Covid-19 nên lao động ngoài tỉnh trở về địa phương khá lớn. Cà Mau đang lên kế hoạch để giải quyết việc làm cho hơn 44.000 lao động.
Theo thống kê của UBND tỉnh Cà Mau, thời gian vừa qua, lao động Cà Mau trở về tỉnh do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 vào khoảng 54.800 người. Hiện nay, hơn 9.200 người đã tìm được việc làm, trong đó có trên 8.400 người làm việc trong tỉnh, còn lại là ngoài tỉnh.
Qua rà soát, toàn tỉnh cần phải giải quyết việc làm cho hơn 44.000 người. Trong đó, số lao động chưa xác định nơi làm việc, cần phải tư vấn định hướng hỗ trợ lao động thông qua thị trường lao động là khoảng 21.300 người; hỗ trợ phát triển kinh tế hộ gia đình, tạo việc làm khoảng 7.900 lao động, dự kiến nhu cầu vay vốn là 5.000 người.
Trong khi đó, theo dự báo của UBND tỉnh Cà Mau, tổng số doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động là 184 doanh nghiệp, cần tuyển hơn 35.500 người, gồm: 17 doanh nghiệp trong tỉnh cần tuyển khoảng 4.400 người, chủ yếu lao động phổ thông. Có 167 doanh nghiệp ngoài tỉnh cần tuyển hơn 31.000 người, tại các tỉnh như Bình Dương, Đồng Nai, Long An…
Trước tình hình trên, UBND tỉnh Cà Mau vừa có kế hoạch kết nối, phục hồi thị trường lao động và hỗ trợ lao động tìm kiếm việc làm sau dịch Covid-19. Những giải pháp mà Cà Mau đã đưa ra là thường xuyên rà soát, cập nhật số lao động bị mất việc, thiếu việc làm, chưa có việc làm, đặc biệt lao động ngoài tỉnh trở về địa phương phòng, tránh dịch Covid-19.
Từ đó, thực hiện các chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm, đào tạo lao động… nhằm hướng đến mục tiêu tạo nguồn lực lao động có kỹ năng tay nghề sẵn sàng cung ứng, đáp ứng theo yêu cầu thị trường lao động.
Tỉnh sẽ tăng cường tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động, đa dạng các hình thức, linh hoạt tư vấn (tư vấn trực tiếp, qua điện thoại, mạng xã hội zalo, facebook) tại các địa phương, mời gọi các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, cơ sở đào tạo có nhu cầu tuyển dụng lao động theo yêu cầu.
Cà Mau cũng kết nối các Trung tâm dịch vụ việc làm, doanh nghiệp tại Đồng Nai, Bình Dương, Long An… tạo điều kiện để lao động đáp ứng nguyện vọng quay lại nơi làm việc ngoài tỉnh, trong đó thống nhất hình thức đưa, đón lao động giữa các địa phương.
Ngoài ra, tùy theo diễn biến tình hình dịch bệnh Covid-19, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, bố trí lao động phù hợp với tình hình sản xuất kinh doanh, hạn chế thấp nhất tình trạng lao động bị ngừng việc, mất việc làm.
Ông Nguyễn Quốc Thanh, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Cà Mau, cho rằng hiện nay các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động vào làm việc là khá lớn. Vì vậy, việc đào tạo lao động cho doanh nghiệp trong bối cảnh sau giãn cách do dịch bệnh Covid-19, cung cấp nguồn nhân lực cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phục hồi sản xuất kinh doanh, góp phần tạo việc làm cho người lao động có thu nhập và ổn định cuộc sống là vấn đề các cấp các ngành, doanh nghiệp và xã hội rất quan tâm.