Cà Mau: Đặt mục tiêu tạo 200.000 việc làm mới giai đoạn 2021-2025

Huỳnh Hải

(Dân trí) - Giai đoạn 2021 - 2025, theo Sở LĐ-TB&XH Ca Mau, tỉnh này phấn đấu bình quân hằng năm giải quyết việc làm cho 40.000 lượt lao động, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1% - 1,5%.

Giải quyết việc làm đạt hơn 100% chỉ tiêu đưa ra

Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH Cà Mau, tỉnh này đã đặt ra chỉ tiêu giải quyết việc làm giai đoạn 2016 - 2020 là 190.000 lao động.

Qua kết quả thực hiện cho thấy, trong 5 năm qua, bình quân hàng năm giải quyết việc làm cho trên 38.000 lao động. Ước đến hết năm 2020, tổng cộng giải quyết việc làm cho trên 195.700 lao động (đạt 103% kế hoạch chỉ tiêu đưa ra).

Cà Mau: Đặt mục tiêu tạo 200.000 việc làm mới giai đoạn 2021-2025 - 1

Người lao động làm thuê ở Cà Mau.

Thông qua các phiên giao dịch việc làm với 4 phiên giao dịch/năm, đã thu hút nhiều doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp có nhu cầu tuyển sinh, tuyển chọn lao động và người lao động có nhu cầu tìm việc tham gia, góp phần rất lớn đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động.

Tính đến hết tháng 9/2020, tổng nguồn vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm đã cho vay hơn 215 tỷ đồng. Bình quân hàng năm có trên 1.000 dự án vay vốn, góp phần duy trì, mở rộng và tạo việc làm mới cho trên 1.500 lao động.

“Việc cho vay vốn được triển khai thực hiện chặt chẽ, kịp thời, đã xuất hiện nhiều điển hình làm kinh tế, góp phần giải quyết việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng thu nhập cho hộ gia đình”, báo cáo của Sở LĐ-TB&XH Cà Mau đánh giá.

Tuy nhiên, đại diện Sở LĐ-TB&XH Cà Mau cho rằng, là địa bàn sông nước, cơ sở hạ tầng, giao thông, thủy lợi, thông tin,…ở các vùng sâu, vùng xa còn khó khăn, làm ảnh hưởng đến phát triển sản xuất, sinh hoạt, đời sống, tiêu thụ sản phẩm, cũng như khả năng tìm việc làm và tự tạo việc làm đối với người lao động.

Còn trong công tác giáo dục nghề nghiệp, giai đoạn qua, chính sách thu hút doanh nghiệp, nhà đầu tư vào lĩnh vực này chưa cao; lực lượng lao động qua đào tạo khá nhiều nhưng chủ yếu ở trình độ sơ cấp nghề và ngành nghề đào tạo chưa gắn với nhu cầu của thị trường, doanh nghiệp.

Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa thực sự năng động, nhạy bén để bắt kịp với những yêu cầu mới về ngành nghề, trình độ đào tạo; chưa quan tâm, hỗ trợ, giới thiệu, tư vấn việc làm cho sinh viên, cũng như chưa chủ động liên kết với doanh nghiệp trong các hoạt động đào tạo và tạo việc làm cho người học sau đào tạo.

Bình quân giảm gần 2% hộ nghèo mỗi năm

Theo Sở LĐ-TB&XH Cà Mau, qua 4 năm triển khai chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, với các cách chính sách bảo hiểm y tế, giáo dục, phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế,… được triển khai đồng bộ, đã góp phần đáng kể vào công tác giảm nghèo của tỉnh.

Nếu đầu năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 - 2020) là 9,94%, thì đến cuối năm 2019 tỷ lệ này còn 2,52% (bình quân giảm 1,9%/năm).

Chỉ tính riêng hộ nghèo dân tộc thiểu số, đầu năm 2016 là 3.526 hộ (chiếm tỷ lệ 29,18% tổng số hộ dân tộc thiểu số), đến cuối năm 2019 còn 1.260 hộ (còn chiếm tỷ lệ 10,23% tổng số hộ dân tộc thiểu số), giảm hơn 18,9%.

Cà Mau: Đặt mục tiêu tạo 200.000 việc làm mới giai đoạn 2021-2025 - 2

Với những đa dạng sinh kế, nhiều người dân ở Cà Mau đã thoát nghèo. (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, các Ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh còn phấn đấu hàng năm giúp đỡ từ 1 - 2 hộ nghèo thoát nghèo; đã trực tiếp giúp 3.870 hộ thoát nghèo.

Ngoài ra, qua triển khai dự án hỗ trợ phát triển sản suất, đa dạng hóa sinh kế với việc chuyển giao khoa học kỹ thuật, phương pháp phát triển sản xuất hiệu quả, đã hỗ trợ cho hơn 5.600 hộ nghèo, cận ngèo và mới thoát nghèo có điều kiện ổn định cuộc sống.

Sở LĐ-TB&XH Cà Mau cũng đưa ra hàng loạt những thuận lợi trong công tác giảm nghèo như có sự quan tâm của các cấp, các ngành, các chương trình giảm nghèo bền vững phù hợp, thực hiện đầy đủ các chính sách, công tác tuyên tuyền nâng cao ý thức người dân vươn lên;…

Tuy nhiên, một số chính sách ban hành còn mang tính ngắn hạn, tình thế nên chưa tập trung đúng mức và giải quyết căn cơ của nghèo đói; có quá nhiều chính sách hỗ trợ trực tiếp đối với hộ, dẫn đến còn biểu hiện trông chờ ỷ lại của người nghèo; những rủi ro bất khả kháng về thời tiết, dịch bệnh, tác động tiêu cực kinh tế thị trường,… là những yếu tố phần nào tác động làm tăng nguy cơ tái nghèo.

Sở LĐ-TB&XH Cà Mau cho biết, mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh này phấn đấu giải quyết việc làm cho 200.000 lao động, bình quân hàng năm là 40.000 lượt lao động.

Phấn đấu đào tạo nghề cho 140.000 lao động; trong đó đào tạo chất lượng tay nghề cao khoảng 13.400 người (có trình độ cao đẳng 10.400 người).

Giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm khoảng từ 1% - 1,5%.