1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Cả làng đào gốc cây mục về đục đẽo, ai ngờ bán giá trăm triệu đồng

Thái Bá

(Dân trí) - Thấy nhiều gốc cây cổ thụ bỏ đi có hình thù kỳ dị, người dân một làng ở Hòa Bình đưa về đục đẽo, chế tạo ra những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, bán với giá cả trăm triệu đồng.

Làng nghề chế tác gỗ lũa Lâm Sơn (huyện Lương Sơn) nổi tiếng ở Hòa Bình từ nhiều năm nay. Nơi đây mỗi năm xuất ra thị trường hàng nghìn tác phẩm điêu khắc gỗ lũa, làm ra từ những gốc cây cổ thụ đã chết, hay những gốc cây mục, mối mọt ăn dở.

Cả làng đào gốc cây mục về đục đẽo, ai ngờ bán giá trăm triệu đồng - 1

Gốc cây củi khô được người dân đưa về để chế tác ra các tác phẩm điêu khắc gỗ độc đáo (Ảnh: Minh Nguyễn).

Những người cao tuổi ở đây cho biết, nghề mộc không phải là nghề truyền thống lâu đời ở địa phương. Năm 1990, một vài hộ dân trong xã thấy nhiều gốc cây có sẵn, hình thù kỳ dị nên mang về rửa sạch rồi đục đẽo theo ý thích, trưng bày trong nhà.

Cũng từ đây, ý tưởng về nghề điêu khắc, chế tác các tác phẩm từ gốc cây, gỗ lũa xuất hiện tại một vài hộ gia đình. Ban đầu, người dân tự đi đào các gốc cây chết ở rừng núi về đục đẽo, tạo ra các tác phẩm đơn thuần rồi đem bán. Sau này, thấy nghề có giá trị cao nên nhiều người làm theo và tay nghề cũng dần nâng lên.

Ông Bùi Anh Quý - Phó Chủ tịch UBND xã Lâm Sơn - chia sẻ, nghề chế tác gỗ lũa đã có mặt tại địa phương đến nay được khoảng 30 năm. Hiện nay trong xã có rất nhiều nghệ nhân tay nghề cao, chế tác ra những tác phẩm có giá trị lớn, tạo nên thương hiệu cho làng nghề.

Cả làng đào gốc cây mục về đục đẽo, ai ngờ bán giá trăm triệu đồng - 2

Các công đoạn chế tác gỗ lũa được nghệ nhân thực hiện cách tỉ mỉ (Ảnh: Minh Nguyễn).

"Từ rất lâu nghề chế tác gỗ lũa đã mang lại thu nhập ổn định cho người dân trong xã. Hiện nghề này phát triển mạnh mẽ nhất ở xóm Đoàn Kết với hơn 40 hộ dân chế tác và buôn bán. Làng nghề phát triển bà con có thu nhập ổn định, số thợ lành nghề cũng tăng lên đến hơn 100 người", ông Quý cho hay.

Anh Cường, chủ một xưởng sản xuất cho biết, từ khi còn bé anh đã thấy ông bà, bố mẹ và mọi trường trong xóm đục đẽo để tạo ra các tác phẩm độc đáo từ những gốc cây, khúc gỗ vô tri. 

"Học xong cấp 3 tôi xin bố mẹ theo học nghề này và làm cho đến bây giờ. Yêu quý nghề, vì thế tôi mong muốn sáng tạo ra được nhiều tác phẩm hơn nữa với những vẻ đẹp độc đáo của gỗ lũa", anh Cường tâm sự.

Cả làng đào gốc cây mục về đục đẽo, ai ngờ bán giá trăm triệu đồng - 3

Người làm nghề chế tác gỗ lũa như "thổi hồn" cho khúc gỗ vô tri (Ảnh: Minh Nguyễn).

Chàng trai trẻ cho biết thêm, khác với tượng gỗ thông thường, mỗi sản phẩm từ gỗ lũa đều có sự khác biệt bởi vẻ đẹp tự nhiên. Gỗ lũa chính là phần lõi gốc của các cây cổ thụ đã bị chết, xung quanh bị mối mọt ăn nhưng phần lõi cây rất cứng.

"Từ phần lõi của gốc cây, theo hình thù có sẵn, người thợ sẽ tạo ra các tác phẩm như: Thần tài, Đạt ma sư tổ, các linh vật, động vật, cây cối, chim muông... Tác phẩm làm ra đẹp mắt, gỗ không bao giờ bị hư hại vì thế có giá trị rất cao về mặt thẩm mỹ và kinh tế", anh Cường tiết lộ.

Những sản phẩm gỗ lũa do người dân làng nghề Lâm Sơn làm ra thường có giá trị từ vài triệu (sản phẩm nhỏ) đến vài chục triệu đồng. Đặc biệt có tác phẩm giá bán lên đến vài trăm triệu đồng.

Cả làng đào gốc cây mục về đục đẽo, ai ngờ bán giá trăm triệu đồng - 4

Tác phẩm gỗ lũa độc đáo được bán với giá lên đến cả trăm triệu đồng (Ảnh: Trần Trọng).

"Tác phẩm có giá trị cao tiền trăm triệu đồng là nhờ vào hình dáng kỳ dị và đặc biệt của phần lũa và chất gỗ", anh Cường cho biết thêm.

Anh Thanh - người tham gia chế tác gỗ lũa - cho hay, để tạo ra một tác phẩm gỗ lũa hoàn chỉnh phải qua nhiều công đoạn. Từ gốc cây, khúc gỗ lũa ban đầu, người thợ sẽ lên ý tưởng, sau đó vẽ phác thảo trên giấy, gắn vào chất liệu gỗ thực tế rồi mới tiến hành khoan, đục đẽo, mài dũa tạo ra tác phẩm ưng ý.

"Người thợ không chỉ cần có năng khiếu hay tay nghề giỏi. Để tạo ra tác phẩm tâm đắc phải có tình yêu đặc biệt với nghề. Khi làm tác phẩm như đang thổi hồn cho nó, từ khúc gỗ vô tri trở nên có hồn hơn, sinh động hơn thì mới thu hút được người xem, thưởng thức rồi mới dám bỏ tiền ra mua về nhà trưng bày", anh Thanh tâm sự.

Cả làng đào gốc cây mục về đục đẽo, ai ngờ bán giá trăm triệu đồng - 5

Chế tác gỗ lũa đem lại thu nhập cao cho người dân vùng cao Hòa Bình (Ảnh: Trần Trọng).

Tại làng nghề gỗ lũa Lâm Sơn, các công đoạn đều yêu cầu người thợ có tay nghề phù hợp. Người có tay nghề cao tạo ra tác phẩm chất lượng cao với mức thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng.

Ngược lại, những người mới học nghề, làm nghề theo hướng phổ thông thì làm các công đoạn đơn giản, mức thu nhập cũng ổn định, tiền công từ 300.000-500.000/ngày.

Phó Chủ tịch UBND xã Lâm Sơn cho biết thêm, từ năm 2017 làng nghề đã được UBND tỉnh công nhận và quyết định thành lập. Thời gian tới chính quyền địa phương cũng đã có hướng quy hoạch phát triển khu sản xuất, trưng bày sản phẩm tập trung để người dân phát triển nghề hơn nữa, giúp phát triển kinh tế địa phương.