Đắk Lắk:

Buôn Ma Thuột cần đẩy nhanh hỗ trợ cho lao động gặp khó do dịch Covid-19

Thúy Diễm

(Dân trí) - Đoàn kiểm tra của Bộ LĐ-TB&XH nhận định việc chi trả hỗ trợ lao động theo Nghị quyết 68 trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) còn chậm và cần phải tăng cường, kịp thời hỗ trợ tới người dân.

Số đối tượng được hỗ trợ còn thấp

Ngày 28/10, Đoàn kiểm tra của Bộ LĐ-TB&XH đã có buổi làm việc với Phòng LĐ-TB&XH TP Buôn Ma Thuột về việc thực hiện hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Phòng LĐ-TB&XH TP Buôn Ma Thuột  báo cáo về kết quả hỗ trợ người lao động trên địa bàn theo Nghị quyết 68 đối với các nhóm đối tượng cụ thể:

Buôn Ma Thuột cần đẩy nhanh hỗ trợ cho lao động gặp khó do dịch Covid-19 - 1

Đoàn kiểm tra của Bộ LĐ-TB&XH kiểm tra công tác thực hiện hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 tại TP Buôn Ma Thuột (Ảnh: Thúy Diễm).

Đối với lao động tự do, dự kiến có khoảng 15.000 người lao động được hỗ trợ và Phòng đã tham mưu UBND thành phố phê duyệt danh sách hỗ trợ trên 6.500 người với số tiền 7,4 tỷ đồng. Tuy nhiên đến nay mới chi trả khoảng 1,4 tỷ đồng đến 1.215 người.

Đối với hỗ trợ lao động thực hiện tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương, dự kiến hỗ trợ 4.500 trường hợp. Phòng đã tiếp nhận 128 hồ sơ của doanh nghiệp với số lao động đề nghị hỗ trợ là 1.420 người, tổng số tiền trên 5,2 tỷ đồng. Đến nay, đã có quyết định phê duyệt hỗ trợ 14 doanh nghiệp nhưng mới có một doanh nghiệp được chi trả với 11 người, tổng số tiền trên 29 triệu đồng.

Đối với hỗ trợ người lao động ngừng việc, dự kiến khoảng 500 người, Phòng đã tiếp nhận hồ sơ của 3 doanh nghiệp với tổng số lao động ngừng việc là 66. UBND thành phố đã lập tờ trình gửi tỉnh xem xét hỗ trợ 3 lao động.

Thành phố dự kiến hỗ trợ trẻ em và người đang điều trị Covid-19, cách ly y tế khoảng 500 người. Hiện tỉnh phê duyệt hỗ trợ cho 195 người (trong đó có 23 trẻ em) với tổng số tiền trên 205 triệu đồng (chiếm 39%).

Buôn Ma Thuột cần đẩy nhanh hỗ trợ cho lao động gặp khó do dịch Covid-19 - 2

Số lượng người được chi trả hỗ trợ từ Nghị quyết 68 tại TP Buôn Ma Thuột chiếm tỷ lệ chưa cao (Ảnh: Nguyễn Hoài).

Riêng đối với hỗ trợ hộ kinh doanh gặp khó khăn dự kiến hỗ trợ 7.870 hộ và hiện UBND thành phố đang làm thủ tục đề nghị hỗ trợ đối với 496 hộ.

Ông Nguyễn Văn Dzi - Trưởng Phòng LĐ-TB&XH TP Buôn Ma Thuột - cho biết, thời gian triển khai thực hiện Nghị quyết 68 trùng với thời gian toàn thành phố thực hiện giãn cách theo CT 16 hết 22 ngày nên chưa triển khai được. Bên cạnh đó, nhóm đối tượng có nhóm lao động tự do rất đông và địa bàn rộng nên gặp không ít khó khăn.

"Phòng cũng triển khai đôn đốc các địa phương cuốn chiếu đến đâu thực hiện đến đó, hồ sơ nào xong phải trình ngay. Tuy nhiên, khi nhận thông tin từ cơ sở, một số đối tượng lại không thuộc nhóm hỗ trợ thì buộc phải trả lại nên cũng kéo thời gian ra", ông Dzi thông tin.

Cũng theo ông Dzi, kinh phí hiện nay của TP Buôn Ma Thuột từ nguồn dự phòng cũng phải cân đối phục vụ chống dịch và đảm bảo hỗ trợ cho người lao động nên cũng có phần chậm nhưng không phải là không có.

Trưởng phòng LĐ-TB&XH TP Buôn Ma Thuột chia sẻ thêm, khối lượng công việc lớn, lượng hồ sơ nhiều… trong khi nhân viên, cán bộ của đơn vị ít nên cũng ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện.

Cần hỗ trợ kịp thời, đúng thời điểm

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Vũ Phạm Dũng Hà - Trưởng phòng Chính sách việc làm, Cục Việc làm, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, tiến độ chi trả hỗ trợ cho lao động theo Nghị quyết 68 của TP Buôn Ma Thuột là chậm so với nhiều địa phương khác. Do đó, cần phải có tăng cường, có sự phối hợp để thực hiện quá trình chi trả kịp thời.

Buôn Ma Thuột cần đẩy nhanh hỗ trợ cho lao động gặp khó do dịch Covid-19 - 3

Ông Vũ Phạm Dũng Hà - Trưởng phòng Chính sách việc làm (Cục Việc làm, Bộ LĐ-TB&XH) đề nghị TP Buôn Ma Thuột đẩy nhanh tiến độ chi trả các gói hỗ trợ.

Ông Hà cũng lưu ý, Phòng LĐ-TB&XH TP Buôn Ma Thuột việc giải quyết hồ sơ, chi trả đến doanh nghiệp hỗ trợ lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương đến nay toàn thành phố đến nay chỉ mới có một đơn vị được nhận hỗ trợ.

"Qua làm việc chủ doanh nghiệp cho biết từ thời điểm làm hồ sơ đến khi được chi trả đã mất khoảng một tháng rưỡi như vậy thì việc thực hiện chi trả rất chậm", ông Hà nêu rõ.

 Đồng thời, Trưởng phòng Chính sách việc làm, Cục Việc làm cũng đề nghị Phòng LĐ-TB&XH cần chú ý chi trả kịp thời đến đối tượng trẻ em và người đang điều trị Covid-19, cách ly y tế. Việc hỗ trợ phải kịp thời, nhất là vào thời điểm khó khăn mới phát huy được ý nghĩa của gói hỗ trợ.

Trước những thực trạng trên, Đoàn kiểm tra của Bộ LĐ-TB&XH đề nghị Phòng LĐ-TB&XH TP Buôn Ma Thuột cần khẩn trương, phối hợp cùng các cấp, ngành vào cuộc để kịp thời chi trả, hỗ trợ tất cả các nhóm đối tượng đúng theo tinh thần của Nghị quyết 68.