1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Bươn chải những gánh hàng rong ngày cuối năm

Kim Sơn

(Dân trí) - Công việc vất vả, không bảo hiểm xã hội và thu nhập thất thường… Đó là thực tế mà những người bán hàng rong ở Hà Nội phải đối mặt.

Bươn chải những gánh hàng rong ngày cuối năm - 1

Một người bán bánh rán rong trên phố Bà Triệu

Trên các con đường, tuyến phố Hà Nội không thiếu những người từ khắp các miền quê tìm về kiếm sống với những công việc tự do. Họ có thể bán hàng rong, bán bánh chưng rán, bánh bò bía, me khô, bán hàng hoa...

Bươn chải

Những ngày cuối năm 2020, khu phố cổ Hà Nội đông hơn mọi ngày. Sau cả tuần làm việc, người dân, sinh viên và trẻ em lại tập trung vui chơi để lấy lại cân bằng trước khi bắt đầu một tuần làm việc mới.

"Đối với những người bán hàng rong như chúng tôi, thì chẳng có ngày nghỉ. Chỉ mong hôm nào cũng đông khách như thế này thôi", ông Nguyễn Văn Hà - chủ của một chiếc xe bò bía tâm sự.

Hôm nay nhiều trẻ con được bố mẹ dẫn đi chơi nên ông Hà bán được khá đắt hàng. Bên cạnh đó, nhiều bạn trẻ cũng rất ưa những món quà vặt này.

Đã gần mười năm nay, từ miền quê Hải Hậu (Nam Định), ông Hà cùng chiếc xe đạp cà tàng lên Thủ đô làm ăn. Ngoài bán bò bía, ông còn bán thêm cả bánh tráng trộn, kẹo bông và vài đồ nhựa cho trẻ con.

Bươn chải những gánh hàng rong ngày cuối năm - 2

Ông Hà gắn bó với chiếc xe đạp bán quà vặt đã gần mười năm nay

"Thời kỳ đầu, tôi định lên làm phụ hồ. Nhưng sức khỏe thấy không ổn, tôi nhờ một người bạn làm cho những thùng đựng bánh rồi từ đấy đi bán hàng rong", người đàn ông 52 tuổi chia sẻ.

Hàng ngày, ông Hà thường dậy từ sớm chuẩn bị các nguyên liệu như: Bột gạo, bột mì, trứng gà, dừa tươi, mè đen. Công việc thường chỉ kết thúc khi trời đã về khuya.

Nhà ngay ở ngoại thành Hà Nội, bà Phạm Thị Khách không phải thuê trọ như ông Hà. Nhưng sáng sớm có khi gà chưa gáy, bà Khách đã phải dậy ra khu vườn nhà hái hoa, rồi chuẩn bị đồ đạc đạp xe hơn 20 cây số vào trung tâm thành phố.

"Nay chủ nhật mà đến trưa vẫn ế chú ạ. Mai mùng 1, tôi mong ngày mai người mua nhiều hơn", bà Khách nói liếng thoắng rồi rời đi vội vã.

Bươn chải những gánh hàng rong ngày cuối năm - 3

Bà Khách với hàng hoa ly, hoa hồng, hoa cúc rong ruổi khắp các con phố cổ Hà Thành

Đang ngồi nghỉ ngơi ở một vỉa hè ở phố Hàng Mắm, thấy chúng tôi, chị Nguyễn Thị Diễm buông chiếc điện thoại, tay vẫy: "Mua cho chị me đi chú ơi. Hơn mười nghìn một cân về nấu canh thoải mái".

Chị Diễm cùng chồng từ Ninh Giang (Hải Dương) lên Hà Nội làm việc tự do. Cuối tuần, rảnh việc chị lại xuống nhà người quen lấy me đêm đi bán, cải thiện nhu nhập. Nhưng từ sáng tới giờ quang gánh hàng me của chị vẫn đầy ắp. Chị bảo phải quẩy gánh lên đi thôi mới mong người ta mua cho.

Mong có một tương lai tươi sáng

Tâm sự với PV, đã nhiều tháng nay, ông Nguyễn Văn Hà chưa về thăm nhà. Gia cảnh khó khăn, đợt dịch Covid-19 vừa rồi ông vẫn bám trụ ở đây xin đi làm thêm nhiều công việc, miễn là kiếm ra tiền.

"Tôi có đứa con gái lớn vừa ra trường, xin được việc rồi. Tôi cho vợ ở nhà trông nom thằng nhỏ. Cố thêm vài năm nữa là nhẹ người", ông chia sẻ.

Ngày thường, ông kiếm được 300-400 nghìn đồng. Trừ tiền trọ, ăn uống dè sẻn, ông gửi về nhà được 7-8 triệu đồng/tháng.

Thời thanh niên, lúc đang đi trên đường, ông bị một người đi xe máy tông trúng khiến ông gãy chân. Từ đấy, mỗi khi thời tiết thất thường, cơ thể lại đau ê ẩm. Ông Hà không thể làm được việc nặng nhọc như xưa nữa.

Bươn chải những gánh hàng rong ngày cuối năm - 4
Gánh hàng me chưa bán được nhiều của chị Diễm

Những người lao động tự do như ông chịu rất nhiều thiệt thòi và rủi ro. Ông Hà nói: "Như tôi đây trước làm thợ xây, giờ làm nghề này làm gì có hợp đồng gì, mà biết hợp đồng với ai. Cứ bán được một cái bánh thì ăn lãi ở cái bánh đó thôi".

Chia sẻ về tương lai, ông Hà cho biết sẽ ở đây bán hàng đến cận Tết. Ông kỳ vọng vào cậu con trai sau này có học hành đàng hoàng để đời cậu bớt khổ như bố mẹ ít chữ, phải đi làm những công việc chân tay khổ cực.

Là gia đình thuần nông, bà Phạm Thị Khách cùng chồng cũng đã phải đi làm bươn trải suốt mấy chục năm qua. Bà nói, 3 năm trước, chồng bà bất ngờ bị căn bệnh tai biến mạch máu não.

"Các con tôi đều dựng vợ gả chồng hết rồi. Nhưng tôi không muốn các con phải gửi tiền về cho bố thuốc thang. Tôi bảo chúng tôi đi bán hàng là nuôi được ông rồi, tiền ấy các con cứ để mua sữa, sách vở cho các cháu", bà Khách tâm sự.

Bản thân cũng bị chứng huyết áp thấp, nên bà nói nhiều khi đi lại nhiều chóng mặt, hoa mắt. Những hôm mệt quá, bà nghỉ ở nhà chăm chồng ốm đau, tranh thủ nuôi thêm con gà, con vịt sau vườn.

Khi được chúng tôi hỏi bà có biết tới chính sách làm bảo hiểm để khi chẳng may có "sự cố lao động" không? Bà Khách chỉ lắc đầu và cười xòa: "Tôi cứ nhong nhong cả ngày thế này. Tối về lại chăm lo cho ông, quan tâm đâu đến được mấy cái ấy".

Tâm sự thêm, bà Khách bảo từ giờ tới Tết mong vườn hoa của bà tươi tốt để mong kiếm được khoản tiền để về gói bánh chưng cho con cháu về sum vầy.