1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Bỏ việc lương gần 30 triệu ở thành phố, về quê làm chủ xưởng may

Đăng Đức

(Dân trí) - Hơn 12 năm làm việc tại TPHCM, với thu nhập ổn định mỗi tháng từ 25-30 triệu đồng, nam thanh niên Quảng Trị quyết chí về quê lập nghiệp, tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương.

Từ công nhân thành ông chủ xưởng may

Hành trình lập nghiệp của anh Lê Bá Đại (SN 1987, trú tại xã Hải An, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) là câu chuyện khá dài, nhưng trong mắt của người dân vùng biển này, anh Đại là tấm gương sáng về ý chí vượt lên mọi khó khăn, giúp không ít thanh niên gắn bó với quê hương.

Do không trụ được với nghề biển nên anh Đại cũng như nhiều thanh niên trong làng tìm đường vào các tỉnh phía Nam mưu sinh hàng chục năm trước. Sau 12 năm gắn bó, làm việc ở TPHCM, anh Đại đưa vợ con hồi hương, quyết chí làm chủ cuộc sống của chính mình.

Bỏ việc lương gần 30 triệu ở thành phố, về quê làm chủ xưởng may - 1

Từ bỏ công việc thu nhập khá cao ở thành phố, anh Đại quyết chí xây dựng cơ sở may ở quê nhà.

Anh Đại nhận thấy nhiều thanh niên ở quê đều vào phía Nam làm việc tại các công ty may mặc, trong khi ở địa phương chưa có cơ sở may nào để thu hút lao động vào làm việc. Qua hơn 10 năm bươn chải ở thành phố, anh Đại tích lũy được ít vốn liếng và kinh nghiệm nên quyết định hướng lập nghiệp là mở xưởng may để tạo việc làm cho thanh niên địa phương.

"Trước đây, tôi làm quản lý tại một công ty may ở TPHCM, được trả mức lương 25-30 triệu đồng/tháng nhưng vẫn không đủ trang trải cuộc sống do các chi phí ở thành phố rất cao. Do đó, tôi có tâm nguyện trở về mở xưởng may tại quê nhà để tạo việc làm cho lao động địa phương và sống gần ba mẹ", anh Đại tâm sự.

Nghĩ là làm, vào cuối năm 2018, anh Lê Bá Đại trở về quê và đầu năm sau thì hợp tác với người bạn cùng quê mở xưởng may tại xã Hải An, huyện Hải Lăng.

Ban đầu anh dự định xây dựng cơ sở với 3 chuyền may, khoảng 100 lao động làm việc. Nhưng dự án chưa hoàn thành thì dịch bệnh nổ ra khiến ý định ban đầu của anh phá sản.

"Thời điểm đầu, 2 anh em tôi đầu tư khoảng 500 triệu đồng để xây dựng nhà xưởng. Sau đó, tôi đầu tư mua hơn 40 máy may nữa. Tổng số tiền đầu tư thời điểm đó gần 1 tỷ đồng. Hơn 10 năm làm công nhân ở phía Nam, tích lũy được bao nhiêu vốn liếng, tôi đều đổ dồn vào xưởng may. Để hoàn thành việc xây dựng nhà xưởng, máy móc, ngoài vốn liếng có được, anh em tôi phải vay ngân hàng đầu tư thêm mới có thể đưa xưởng đi vào hoạt động", anh Đại tiết lộ.

Bỏ việc lương gần 30 triệu ở thành phố, về quê làm chủ xưởng may - 2

Cơ sở may giải quyết việc làm cho hàng chục lao động địa phương.

Theo anh Lê Bá Đại, thời gian đầu xưởng may hoạt động rất tốt, đảm bảo đời sống cho lao động. Thế nhưng vận hành được gần một năm thì dịch Covid-19 lại hoành hành, hoạt động của xưởng may bị chững lại. Giai đoạn này, xưởng may bắt đầu xuất hiện nhiều vấn đề phức tạp hơn, như không đủ đơn hàng đầu vào, nguồn tài chính đảm bảo lương cho công nhân.

"Năm 2020, dịch bệnh bùng phát mạnh hơn nên hoạt động sản xuất của chúng tôi bị ảnh hưởng. Sau nhiều lần đắn đo, tôi đi đến quyết định tạm ngưng hoạt động của xưởng may một thời gian", anh Đại chia sẻ.

Hợp tác để "vươn ra biển lớn"

Hoạt động sản xuất bị ngưng trệ, trong khi phải trả lãi vay và một số chi phí phát sinh khiến anh Đại lâm vào bế tắc. Tuy nhiên, một thời gian sau, cơ hội đã đến. Anh bắt tay hợp tác với công ty Cổ phần may Quảng Trị. Hiện, cơ sở may Hải An do anh làm chủ trở thành chi nhánh sản xuất của doanh nghiệp này.

Bỏ việc lương gần 30 triệu ở thành phố, về quê làm chủ xưởng may - 3

Nếu có tay nghề tốt, công nhân được trả lương cao.

Việc hợp tác với một công ty lớn hơn trong cùng lĩnh vực từng được anh Đại nghĩ đến trước khi lập nghiệp.

"Lúc đó, tôi nghĩ rằng, nếu ngưng hoạt động thêm một thời gian nữa sẽ mất đi cơ hội. Hơn nữa, chưa biết tình hình dịch bệnh sẽ ra sao, có phức tạp hơn trước hay không nên đã quyết định hợp tác với Công ty Cổ phần may Quảng Trị. Đây là công ty lớn ở trên địa bàn nên có nhiều đối tác lớn hơn, nguồn hàng phong phú và đầu ra ổn định. Tôi suy nghĩ, hợp tác với công ty lớn hơn nhằm tạo công ăn việc làm cho lao động quê hương", anh Đại bộc bạch.

Theo anh Đại, Công ty Cổ phần may Quảng Trị sẽ chịu trách nhiệm về đầu vào và đầu ra cho sản phẩm. Việc hợp tác tạo điều kiện giữ chân lao động và cam kết đảm bảo công việc cho lao động địa phương.

Hiện cơ sở may Hải An có hơn 50 lao động làm việc, trong đó có 20 công nhân vừa trở về từ các tỉnh phía Nam trong đợt dịch năm 2021. Công nhân làm việc ở xưởng may có mức lương bình quân từ 4-6 triệu đồng, nếu năng suất cao có thể đạt 7-8 triệu đồng. Ngoài ra, các chế độ khác cũng được công ty đảm bảo.

Bỏ việc lương gần 30 triệu ở thành phố, về quê làm chủ xưởng may - 4

Sau 10 năm làm việc ở phía Nam, chị Dung (áo đen) trở về quê hương.

Chị Võ Thị Thanh Dung (SN 1993, ở thôn Mỹ Thủy, xã Hải An) cho biết: "Làm việc ở xưởng may của anh Hải khá thuận tiện vì ở gần gia đình, con cái, chị có thể nhờ ba mẹ chăm sóc. Ở quê thu nhập ít hơn nhưng không phải lo về nhà ở, chi phí cuộc sống cũng rẻ hơn rất nhiều".

Sau hơn 10 năm làm công nhân may ở Bình Dương, dịch bệnh Covid-19 xảy ra nên từ tháng 8/2021 vợ chồng chị Dung trở về quê. Hiện chị Dung làm việc ở cơ sở may của anh Hải, còn chồng chị quay trở lại nghề biển.

Theo ông Lê Bá Phước - Chủ tịch UBND xã Hải An, huyện Hải Lăng, thời gian qua, do dịch bệnh nên có nhiều lao động từ các tỉnh phía Nam trở về địa phương. Sau khi về quê, UBND xã đã nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của những lao động này để phối hợp với các đơn vị giới thiệu việc làm cho những người trở về.

Bỏ việc lương gần 30 triệu ở thành phố, về quê làm chủ xưởng may - 5

Công nhân được đảm bảo tốt các chế độ và lương thưởng.

"Cơ sở may trên địa bàn xã Hải An và một số công ty may khác đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng chục thanh niên, trong đó có nhiều lao động từ phía Nam hồi hương. Cơ sở may đã góp phần giảm áp lực cho địa phương trong việc giải quyết việc làm, cải thiện đời sống cho người dân", ông Phước khẳng định.

Theo lãnh đạo UBND xã Hải An, thời gian tới, khi các dự án thuộc Khu công nghiệp Đông Nam mở ra, xã sẽ đề xuất mở các lớp đào tạo nghề, tạo cơ hội cho lao động tìm kiếm việc làm.