Bỏ túi không dưới 1 triệu/ngày từ trái giác - "lộc rừng" U Minh Hạ

Đất rừng U Minh Hạ xưa nay vốn nổi danh vì sản vật phong phú. Trước sự phát triển của thị trường, nhiều loại cây và động vật hoang dại đặc trưng của mảnh đất này nay đã trở thành đặc sản; trong đó, trái giác xưa nay vốn chỉ là món ăn quen thuộc của người dân quê thì giờ đây được nhiều người dân sống dưới tán rừng U Minh Hạ coi như “lộc” của rừng ban để cải thiện đời sống kinh tế.

Mùa trái giác chín rộ trên rừng tràm U Minh Hạ thường bắt đầu từ tháng 6 và kết thúc vào cuối năm âm lịch. Vào thời điểm này, nhiều hộ dân ở huyện U Minh tranh thủ đi hái và bán cho các cơ sở thu mua. Qua đó, người hái nhiều mỗi ngày có thể cho thu nhập không dưới 1 triệu đồng còn người hái ít cũng vài trăm ngàn đồng.

Vườn Quốc Gia U Minh Hạ. Ảnh minh họa: Huỳnh Thế Anh/TTXVN
Vườn Quốc Gia U Minh Hạ. Ảnh minh họa: Huỳnh Thế Anh/TTXVN

Anh Nguyễn Văn Miền, ấp 4, xã Khánh Thuận, huyện U Minh cho biết, gia đình anh không có đất sản xuất, công việc hàng ngày là làm thuê nên mỗi khi vào mùa trái giác cả nhà đều đi thu hái. Công việc này đem lại thu nhập từ 200.000 đến 400.000 đồng/ngày. Tính cả mùa mùa trái giác, gia đình anh Miền có thu nhập khoảng 20 triệu đồng.

Các hộ dân sau khi thu hái trái giác hầu hết đều vận chuyển đến cơ sở của ông Danh Riêng (ấp 4, xã Khánh Thuận) bán. Nhờ đầu ra ổn định, cơ sở này đã hoạt động gần 8 năm qua, mỗi năm thu mua hàng chục tấn trái giác. Hiện trái giác không chỉ được các công ty thu mua để làm rượu mà còn làm mứt vì thế nhu cầu về nguyên liệu rất lớn.

Ông Danh Riêng cho biết, trái giác được thu mua sau đó sơ chế và đóng thùng nhựa đậy kín để ủ, được khoảng 10 tấn sẽ vận chuyển đi huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang cung cấp cho Công ty cổ phần Sản xuất thương mại và dịch vụ Sơn Phát chế biến rượu... Hiện, giá trái giác tươi thu mua vào là 8.000 đồng/kg.

Ông Danh Riêng kiểm tra kỹ nguyên liệu trái giác trước khi vận chuyển về công ty sản xuất rượu. Ảnh: Báo Cà Mau
Ông Danh Riêng kiểm tra kỹ nguyên liệu trái giác trước khi vận chuyển về công ty sản xuất rượu. Ảnh: Báo Cà Mau

Chị Nguyễn Thị Út Cà, xã Khánh Thuận chia sẻ, gia đình chị trước nay luôn trong diện khó khăn, từ khi có các cơ sở thu mua, chế biến rượu trái giác, các thành viên trong gia đình đã tranh thủ đi hái trái giác về bán nên có thêm thu nhập.

"Sau giờ đi làm thuê, mỗi ngày, vợ chồng tôi đều tranh thủ vào các bìa rừng, dọc theo các con kênh để hái trái giác. Mỗi ngày như vậy đều hái được từ 20 - 30 kg trái giác, cho thu nhập khoảng 200.000 đồng”, chị Út Cà phấn khởi khoe.

Với gần 7 năm “thâm niên” hái trái giác, mỗi ngày vợ chồng anh Nguyễn Văn Đà, xã Khánh Thuận hái bình quân hơn 100kg, kiếm được khoảng 1 triệu đồng. Mùa trái giác năm trước, gia đình anh Đà có thu nhập hơn 40 triệu đồng từ nghề này.

Bỏ túi không dưới 1 triệu/ngày từ trái giác - "lộc rừng" U Minh Hạ - 3

Trái giác tròn, hơi dẹp, nhỏ và đơm thành từng chùm. Khi còn non, trái nhỏ như hạt đậu xanh. Càng lớn trái càng có màu xanh đậm đà và bóng bẩy. Trái chín chuyển sang màu đen thẫm, thịt trái màu tím như trái mồng tơi chín. Trái giác non có vị chua chát, nhưng càng lớn vị càng thay đổi, từ chua thanh đến chua ngọt. Ảnh minh họa

Theo ông Danh Riêng, những người đi hái trái giác bán cho cơ sở ông đa phần là các hộ nghèo và cận nghèo ở các vùng lân cận. Thu nhập từ hái trái giác đã giúp nhiều hộ có tiền trang trải cuộc sống, cho con cái đi học…

"Nghề hái trái giác mỗi năm cho thu nhập không dưới 20 triệu đồng/hộ, đây là mức thu nhập ước mơ, nhất là đối với những hộ không có tư liệu sản xuất", ông Danh Riêng chia sẻ.

Được biết, tới đây, Công ty cổ phần Sản xuất thương mại và dịch vụ Sơn Phát sẽ phối hợp với huyện U Minh thành lập nhà máy sơ chế trái giác tại xã Nguyễn Phích. Đồng thời, hiện trên địa bàn huyện U Minh còn có Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại - Dịch vụ - Du lịch sinh thái Huỳnh Quốc Sơn cũng thu mua trái giác để sản xuất rượu với quy mô lớn.

Hy vọng, với những tín hiệu vui này sẽ góp phần giải quyết việc làm, từng bước xóa đói giảm nghèo cho nhiều hộ dân sống dưới tán rừng U Minh Hạ.

Theo Danviet/TTXVN