36,1 % người lao động muốn làm thêm để đủ sống chứ phải không làm giàu
(Dân trí) - "Khảo sát trên 2.550 người lao động thuộc 8 nhóm lao động cho thấy: Số người “muốn” làm thêm giờ chiếm 36,1%, nhóm từ chối làm thêm giờ chiếm 48,9 %. Kết quả cũng cho thấy, người lao động buộc phải chấp nhận làm thêm để có thu nhập đủ sống chứ không có kỳ vọng là giàu”
TS Vũ Minh Tiến - Viện Phó Viện Công nhân công đoàn (Tổng LĐLĐ VN), trao đổi tại Hội thảo về điều kiện lao động, thời gian làm việc nghỉ ngơi và năng suất lao động. Chương trình do Tổng LĐLĐ VN tổ chức sáng 23/5 tại Hà Nội.
Lương thấp phải làm thêm
Chia sẻ kết quả được Tổng LĐLĐ VN tiến hành trong tháng 3-4/2017, TS Vũ Minh Tiến cho biết: Cuộc khảo sát thực hiện tại 14 tỉnh và 3 ngành/Tổng công ty (Công thường, nông nghiệp và than khoáng sản).
Dẫn chứng giữa tương quan giữa câu chuyện lương thấp phải làm thêm giờ, đại diện Viện Công nhân công đoàn tại Hội thảo cho biết: Trong 8 lĩnh vực (nông, lâm, thuỷ sản; khai khoáng; dệt may, da giày; điện, điện tử; gỗ, hoá chất; công nghiệp chế biến; xây dựng, vận tải) thuộc 3 ngành/Tổng công ty được điều tra, chỉ có người lao động ngành khai khoáng có số tiền lương làm thêm trung bình thấp nhất là 257.383 đồng. Đổi lại, mức lương cơ bản của người lao động trong nhóm này đạt mức cao nhất là 5.205.695 đồng.
Trong khi đó, người lao động ngành điện, điện tử có mức lương cơ bản thấp thứ 2/8 là 4.214.867 đồng/tháng lại có số tiền lương làm thêm tới 1.309.973 đồng.
PGS-TS Nguyễn Ngọc Ngà - Hội Y học lao động Việt Nam, cho biết: Nhiều nghiên cứu cho thấy giờ làm việc chuẩn là khoảng 40 giờ/tuần và 8 giờ/ngày. Nhóm làm việc trên 55 giờ/tuần có nguy cơ khó ngủ, đặc biệt người lao động làm việc trên 11 giờ/ngày có nguy cơ kém ngủ gia tăng.
“Tính trung bình cộng khoản lương cơ bản và tiền làm thêm lại ở 2 so sánh trên, chúng ta đều nhận thấy mức tổng thu nhập ở 2 lĩnh vực cũng ngang nhau: Ngành khai khoáng đạt hơn 5.460.000 đồng, ngành điện -điện tử là 5.523.000 đồng. Lương thấp đòi hỏi người lao động có xu hướng buộc phải chấp nhận làm thêm nhiều hơn” - ông Vũ Minh Tiến nói.
Chính vì vậy, nhóm lao động ngành điện - điện tử có lương cơ bản thấp nên có tới 48,5 5 trả lời có khi được hỏi có “muốn” làm thêm không? Trong khi đó, nhóm khai khoáng chỉ có 9,7%.
Ông Vũ Minh Tiến kết luận: “Đa số người lao động đều mong muốn giữ nguyên quy định làm thêm giờ như hiện nay. Nhưng một số buộc phải làm thêm giờ chỉ để đủ sống, chứ không phải để làm giàu”.
Giảm tuổi thọ, mắc bệnh nghề nghiệp
Để hạn chế tình trạng lạm dụng thời gian làm thêm, TS Vũ Minh Tiến cho rằng, việc cải tiến kỹ thuật để tăng năng năng suất lao động là cách làm bền vững.
Bên cạnh đó, TS Vũ Minh Tiến lo ngại về thực tế đang cản trở giữa mong muốn và thực tế làm thêm. "Thay vì chọn bài toán thay đổi công nghệ, đầu tư mở rộng xưởng sẽ tốn kém thì doanh nghiệp chọn cách tăng thời gian làm thêm. Bởi việc làm thêm giờ sẽ đỡ tốn kém chi phí hơn so với 2 phương án trên".
Đồng quan điểm về thực trạng câu chuyện làm thêm, ông Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN - lo ngại: “Tăng thời gian làm thêm ảnh hưởng tới cuộc sống người lao động, khiến không có thời gian phục hồi sức lao động và giảm tuổi thọ”.
Ông Mai Đức Chính phân tích, tình trạng làm việc theo tính chất dây chuyền hiện nay với điều kiện lao động không đảm bảo, tăng thời gian làm thêm giờ khiến nhiều người lao động làm việc căng thẳng, mệt mỏi và suy giảm sức khoẻ. “Từ đó làm giảm sự chú ý, giảm năng suất lao động, tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, đau mỏi cơ xương khớp, đau đầu…”.
Ông Mai Đức Chính cảnh báo, hiện nay nhiều doanh nghiệp chạy theo lợi nhuận, tăng thời gian làm thêm vượt quá số giờ theo quy định khá phổ biến. Cùng với điều kiện làm việc không đảm bảo, tư thế làm việc không thoải mái, gò bó dẫn đến sức khoẻ người lao động giảm sút.
Vị Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN cũng lo ngại tình trạng, nhiều doanh nghiệp chưa coi trọng đầu tư đổi mới công nghệ mà còn sử dụng nhiều máy, thiết bị lạc hậu, thiếu an toàn với các cơ sở hạ tầng, thiết bị lao động và điều kiện sản xuất không đồng bộ tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp.
Theo ông Mai Đức Chính: Bộ Luật Lao động quy định số giờ làm thêm của người lao động không vượt quá 50 % số giờ làm việc trong ngày bình thường, trường hợp áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong ngày, không quá 30 giờ trong 1 tháng và tổng số không quá 200 giờ/năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định được làm thêm 300 giờ/năm.
Hoàng Mạnh