Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: “Trên 4.600 thương binh, liệt sĩ được công nhận nhờ Quyết định 408…”

(Dân trí) - “Trong gần 3 năm triển khai, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với các cấp, ngành đã rà soát, xem xét và giải quyết trên 6.000 hồ sơ tồn đọng, qua đó đã xác nhận trên 2.000 liệt sĩ và trên 2.600 thương binh. Những hồ sơ không đủ điều kiện đã được kết luận và giải thích cho từng đối tượng…”.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: “Trên 4.600 thương binh, liệt sĩ được công nhận nhờ Quyết định 408…” - 1

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm hỏi, động viên các thương binh nặng nhân Kỷ niệm 72 năm Ngày thương binh liệt sĩ.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nhận định về công tác tập trung giải quyết hồ sơ người có công tồn đọng trước tháng 7/2013.

Theo đó, trước thực tế có nhiều trường hợp hồ sơ được đề nghị công nhận đã lập trước ngày 1/7/2013 theo đúng quy định tại từng thời điểm nhưng còn thiếu giấy tờ, thủ tục hoặc hồ sơ đã được thiết lập đầy đủ nhưng do thay đổi chính sách nên chưa được cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

Bộ LĐ-TB&XH đã mạnh dạn xin ý kiến Ban Bí thư và Quốc hội về hướng xử lý những trường hợp này.

Trên cơ sở đó, thực hiện Chỉ thị số 14- CT/TW ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư và Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Thông báo số 607/TB-TTKQH ngày 08/5/2017 và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhằm tập trung giải quyết căn bản hồ sơ đề nghị công nhận là liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành Quyết định 408/QĐ - LĐTBXH ngày 20/3/2017 về Quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công.

Kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2019), thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có đánh giá, ghi nhận Bộ LĐ-TB&XH những năm vừa qua đã có nhiều nỗ lực, đổi mới, sáng tạo trong phối hợp chặt chẽ với các bộ, các ngành, các địa phương triển khai các hoạt động kỷ niệm Ngày Thương binh liệt sĩ.

Đây là một quyết định then chốt, làm cơ sở pháp lý để từng bước giải quyết hồ sơ tồn đọng người có công. Sau 3 năm triển khai Quyết định 408/QĐ - LĐTBXH, trên 4.600 liệt sĩ và thương binh đã được xác nhận.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: “Đến nay, hồ sơ tồn đọng ở cấp huyện, cấp xã và trong nhân dân đang được Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục xem xét, bao gồm 725 hồ sơ, gồm: 323 liệt sĩ, 402 thương binh. Dự kiến giải quyết xong trong năm 2019…”.

Về triển khai chính sách Hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở, thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ, sau khi phối hợp với các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố rà soát nhà ở người có công cần tu sửa, sửa chữa, Bộ LĐ-TB&XH tham mưu Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, đồng ý bố trí nguồn vốn giải quyết nhà ở người có công bị xuống cấp, dột nát.

Tại phiên họp Chính phủ ngày 4/7/2017, Chính phủ đã thống nhất bổ sung 8.140 tỷ đồng hỗ trợ 313.707 hộ (tổng cộng cả 2 đợt là trên 11.000 tỷ đồng hỗ trợ cho trên 410.000 hộ).

Thống kê sau hơn 2 năm triển khai, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH cho biết: “Toàn quốc đã hoàn thành việc hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở cho gần 300.000 hộ gia đình chính sách người có công”.

Dịp cả nước kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947- 27/7/2017), toàn ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã có nhiều hoạt động trọng thể, thiết thực thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách thương binh, liệt sĩ và người có công cả nước, đầu tư tu bổ hàng trăm đền, đài tưởng niệm, nghĩa trang liệt sĩ.

Trong việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công, Bộ cũng đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; phát huy vai trò của cấp ủy, sự tham gia của các đoàn thể trong phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp tiêu cực, trục lợi chính sách ưu đãi người có công.

Bộ đang tập trung nghiên cứu, sửa đổi toàn diện dự án Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, nhằm tiếp tục thể chế hóa đầy đủ, kịp thời quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước đồng thời tạo cơ sở pháp lý chặt chẽ, minh bạch. Dự kiến, Pháp lệnh sửa đổi sẽ được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, ban hành vào cuối năm 2019.

Tỷ lệ lao động đào tạo năm 2019 dự kiến đạt 61,2 %

Theo lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, tỷ lệ lao động qua đào tạo cả nước đã tăng từ 53% năm 2016 lên 58,6% năm 2018 và dự kiến đến năm 2019 đạt 61,2%. Tỷ lệ thất nghiệp thiếu việc làm có xu hướng giảm dần qua các năm. Thu nhập, tiền lương được cải thiện, năng suất lao động và tính cạnh tranh của lực lượng lao động được nâng lên.

Với mục tiêu "Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp", được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH đã chủ động chỉ đạo triển khai quyết liệt công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: “Đến nay, Bộ đã ban hành đầy đủ, đúng tiến độ 63 văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện công tác giáo dục nghề nghiệp (GDNN). Hoàn thành rà soát, quy hoạch lại mạng lưới cơ sở GDNN để định hướng phát triển nguồn nhân lực cho giai đoạn tới theo yêu cầu của Nghị quyết số 19-NQ/TW.

Thực hiện việc rà soát, sắp xếp lại các cơ sở GDNN tại các bộ, ngành và địa phương toàn quốc, trong 2 năm 2018 - 2019 đã giảm được 100 trường công lập, đạt tỷ lệ 16%, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết số 19-NQ/TW…”.

Hoàng Mạnh