1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: "Thị trường lao động phục hồi rất nhanh chóng"

Quang Phong

(Dân trí) - Phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu điều đáng mừng hiện nay là thị trường lao động phục hồi rất nhanh chóng, đời sống của người lao động được tăng lên.

Ngày 4/4, phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2022, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, ông rất ấn tượng với sự ổn định của kinh tế vĩ mô, đây là điều cần thiết và quan trọng nhất của nền kinh tế. Bộ trưởng cũng đánh giá cao sự tăng trưởng của nền kinh tế, trong đó là sự khởi sắc của sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp nặng, công nghiệp chế tạo. Sản xuất nông nghiệp thuận lợi hơn, nhất là cây trồng và phục hồi chăn nuôi.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Thị trường lao động phục hồi rất nhanh chóng - 1

Toàn cảnh phiên họp Chính phủ sáng nay, 4/4.

Về an sinh xã hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu khái quát chung đó là các chính sách an sinh được triển khai rất tích cực, chủ động, có hiệu quả và phần nào đó cũng rất tiết kiệm. Cụ thể, đến cuối tháng 3/2022, thực hiện các nghị quyết số 68/NQ-CP, 116/NQ-CP và 126/NQ-CP của Chính phủ, Trung ương và các địa phương đã dành tổng kinh phí 80.397 tỷ đồng thực hiện các chính sách hỗ trợ trên 728 nghìn lượt người sử dụng lao động và trên 49 triệu lượt người lao động và các đối tượng khác. Riêng gói hỗ trợ cho vay vốn trả lương ngừng việc và phục hồi sản xuất, đến ngày 25/3/2022 đã giải ngân được 4.633 tỷ đồng (đạt 62% kế hoạch).

Tại phiên họp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin, Thường vụ Quốc hội đã đồng ý nới trần làm thêm của người lao động trong tháng và trong năm. Cụ thể, người lao động được làm thêm từ 40 giờ/tháng lên 60 giờ/tháng và 200 giờ trong một năm lên 300 giờ. Việc này dựa trên cơ sở thỏa thuận giữa người lao động với người sử dụng lao động và đảm bảo cơ chế, chính sách. Trừ các đối tượng không được làm thêm đó là người tàn tật, phụ nữ mang thai, trẻ em từ 15 - 18 tuổi… "Đây là chính sách rất phù hợp tình hình hiện nay, nhằm tháo gỡ khó khăn cho người lao động và người sử dụng lao động", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ.

Đối với gói phục hồi theo NQ 43/2022 của Quốc hội và NQ số 11/NQ-CP của Chính phủ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã cùng chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai rất nhanh chính sách này. Đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 08/2022 hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho người lao động để phục hồi sản xuất, góp phần giữ chân người lao động và hỗ trợ người lao động quay trở lại. Từ ngày 1/4, các đơn vị đã tập trung triển khai gói hỗ trợ có quy mô 6.600 tỷ đồng này.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, điều đáng mừng hiện nay là thị trường lao động phục hồi rất nhanh chóng. Cụ thể, cho đến hết Quý I/2022, tỷ lệ thất nghiệp là 2,46%; thiếu việc làm tạm thời ở khu vực đô thị, thành thị là 3,01%. Bộ trưởng cho biết, so với mặt bằng chung trong khu vực, đây là tỷ lệ tốt.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Thị trường lao động phục hồi rất nhanh chóng - 2

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, điều đáng mừng hiện nay là thị trường lao động phục hồi rất nhanh chóng.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng cho biết, trong Quý I/2022, dù có nhiều khó khăn nhưng thu nhập bình quân của người lao động là 7,3 triệu đồng. "So với mức bình quân lương tối thiểu vùng là 3,7 triệu đồng và 4,5 triệu đồng là cao gấp đôi. Với sự phục hồi việc làm như vậy, đời sống của công nhân, người lao động đã được tăng lên", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Tại phiên họp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị Chính phủ quan tâm hơn đến doanh nghiệp vừa và nhỏ. Vì theo Bộ trưởng, đây là lực lượng làm ra sản phẩm rất lớn, giải quyết nhiều việc làm, nhưng khó khăn, thách thức với họ cũng rất lớn.

Người đứng đầu ngành Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đề nghị Chính phủ cho cơ quan này cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và một số Bộ ngành khác tổ chức diễn đàn với quy mô quốc gia về lao động, việc làm trong Quý II/2022; từ đó giải quyết những vấn đề căn cơ về chính sách, về lực lượng lao động, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Đồng thời tránh tình trạng chắp nối như hiện nay, dẫn tới hiệu quả lao động không cao.

"Chúng tôi coi đây là vấn đề rất lớn và mong rằng Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ quan tâm và nếu được vào khoảng tháng 6, tháng 7 chúng ta làm diễn đàn này", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, công tác an sinh xã hội được các cấp từ trung ương đến địa phương quan tâm thực hiện. Theo báo cáo của các địa phương, giá trị quà tặng cho các đối tượng bảo trợ xã hội từ nguồn ngân sách và xã hội hóa là gần 1.000 tỷ đồng; trị giá tiền, quà thăm hỏi và các hỗ trợ cho hộ nghèo là gần 1,3 nghìn tỷ đồng.

Ngoài ra, có hơn 25,5 triệu thẻ bảo hiểm y tế/sổ/thẻ khám chữa bệnh miễn phí được phát, tặng cho các đối tượng chính sách trên địa bàn cả nước. Để đảm bảo người dân không bị ảnh hưởng do thiếu đói giáp hạt, ngày 15/3, Thủ tướng đã ban hành Quyết định 340 cấp xuất hơn 1.000 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho tỉnh Sơn La và tỉnh Điện Biên.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Thị trường lao động phục hồi rất nhanh chóng - 3

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tại phiên họp.

Về lao động - việc làm, đã triển khai Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030, Chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động, tập trung vào các hoạt động hỗ trợ người lao động quay trở lại nơi làm việc, cho vay giải quyết việc làm, hỗ trợ phát triển thị trường lao động. Qua tổng hợp báo cáo của các địa phương, thị trường lao động được phục hồi, số lao động quay trở lại làm việc sau tết chiếm tỷ lệ cao, nhiều tỉnh đạt trên 90%.

Chính sách thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 giúp cho thị trường lao động quý I/2022 có nhiều tín hiệu khởi sắc. Lực lượng lao động, số người có việc làm và thu nhập bình quân tháng của người lao động tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động đều giảm so với quý trước, tuy vẫn cao hơn so với cùng kỳ năm trước nhưng mức độ giảm dần.

Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Chính phủ đã bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết của Quốc hội, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp một cách tích cực, quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả. Nhờ đó, hầu hết các lĩnh vực đạt được những chuyển biến rất tích cực, phục hồi mạnh mẽ.

GDP quý I tăng 5,03%, cao hơn tốc độ tăng năm 2021 (4,72%) và năm 2020 (3,66%), dần tiệm cận năm 2019 (6,85%). Trong bối cảnh sức ép lạm phát trong và ngoài nước rất lớn, kinh tế vĩ mô ổn định; chính sách tài khóa, tiền tệ được phối hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả; dự trữ ngoại tệ tăng; lãi suất giảm nhưng tín dụng tăng trưởng; phí và lệ phí giảm nhưng thu ngân sách tăng. Các cân đối lớn được bảo đảm (thu đủ chi và vượt dự toán 33%; xuất đủ nhập và xuất siêu 809 triệu USD; cân đối lớn về điện được bảo đảm; lương thực, thực phẩm cơ bản ổn định và có xuất khẩu tăng trưởng khá; thị trường lao động phục hồi rất nhanh và đã cơ bản phục hồi).

"Công tác an sinh xã hội được triển khai nhanh, làm ngày càng tốt hơn, độ bao phủ an sinh ngày càng lớn, bảo đảm không có ai thiếu ăn, thiếu mặc, nhất là trong dịp giáp hạt, dịp Tết" - Thủ tướng nhấn mạnh và cho biết lòng tin của người dân và doanh nghiệp với Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các cấp chính quyền tăng lên; bạn bè, đối tác quốc tế, nhà đầu tư đồng tình, ủng hộ, chia sẻ, đánh giá tích cực về Việt Nam…