1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: “Nghịch lý thiếu cả thầy lẫn thợ”

(Dân trí) - “Lực lượng thanh niên tham gia vào thị trường lao động đã giảm từ 1,2 triệu xuống còn 400.000 người/năm, hơn 23 % lực lượng lao động có bằng cấp hoặc chứng chỉ, số lượng thanh thiếu niên nghiện ma tuý lên tới hàng trăm ngàn người, thiếu cả thầy lẫn thợ trong đào tạo nhân lực…”.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ những trăn trở về tình hình thanh niên

Đây là những trăn trở của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung tại buổi làm việc với Uỷ ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam, chiều 17/12 tại Hà Nội.

Lao động trẻ giảm nhanh

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã đánh giá cao vai trò tham gia của thanh niên trong nhiều lĩnh vực của xã hội.

Tuy nhiên, với tư cách là cơ quan được Chính phủ giao quản lý nhiều lĩnh vực có liên quan tới thanh niên, người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH cũng thẳng thắn bày tỏ những lo lắng.

“Số lượng thanh niên tham gia vào thị trường lao động ngày càng giảm. Nếu như đầu năm 2011, Việt Nam có khoảng 1,2 triệu người tham gia thị trường lao động thì tới nay chỉ còn khoảng 400.000 người” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: “Nghịch lý thiếu cả thầy lẫn thợ” - 1

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung

Trong khi đó, khu vực nông thôn đang gặp tình trạng thiếu nam thanh niên. Sự phát triển về thể chất và tầm vóc của thanh niên còn chậm so với một số quy định về chiều cao thể trạng của thanh niên.

Lao động có bằng cấp, chứng chỉ chiếm khoảng 23,5 % lực lượng lao động. Thị trường đang thiếu kỹ sư, công nhân có trình độ cao.

Thiếu cả thầy và thợ

“Cơ cấu nhân lực Việt Nam còn bất hợp lý. Nếu như mô hình nhân lực hợp lý phải phát triển theo hình quả trứng hay củ khoai tây, nhưng chúng ta đang là đồng hồ cát. Chúng ta đang thiếu cả thầy thiếu thợ chứ không phải là thừa thầy thiếu thợ” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận định.

Một nghịch lý được Bộ trưởng nêu ra: “Tỷ lệ thất nghiệp chung của cả nước thuộc loại thấp so với thế giới. Nhưng tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên vẫn còn cao”.

Tình trạng thanh niên nghiện ma tuý, vi phạm pháp luật do vướng vào ma tuý chưa có dấu hiệu giảm rõ rệt. Đồng thời, tình trạng xâm hại bạo lực, tình dục đối với trẻ em còn nhức nhối trong xã hội. Số trẻ em và thanh niên tự kỷ có dấu hiệu gia tăng.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: “Thống kê sơ bộ cho thấy, cả nước hiện có 240.000 người nghiện. Trong 39.000 thanh niên cai tại các cơ sở cai nghiện bắt buộc, có 43 % có tiền án hình sự và trên 80 % người nghiện ma túy tổng hợp không có khả năng điều khiển hành vi…”.

Cần nhiều giải pháp

Cũng tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng chia sẻ nhiều kết quả khả quan trong công tác quản lý của Bộ LĐ-TB&XH có liên quan tới thanh niên.

Trong xây dựng thể chế, Bộ LĐ-TB&XH đã tham mưu cho Chính phủ xây dựng nhiều chính sách cho thanh niên được cụ thể hoá tại Bộ Luật Lao động 2019.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: “Nghịch lý thiếu cả thầy lẫn thợ” - 2

Buổi làm việc với Uỷ ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam

Trước đó, Luật Giáo dục nghề nghiệp cũng đã “cởi trói” nhiều cơ chế trong tuyển sinh đa dạng, phân luồng, mô hình đào tạo 9 + cho thanh thiếu niên. Đồng thời, Luật Việc làm cũng đã tạo “sân chơi” cho lao động trẻ tham gia thị trường lao động. Đặc biệt là chính sách bảo hiểm thất nghiệp được triển khai nhằm sớm đưa thanh niên mất việc làm sớm quay trở lại thị trường.

“Ở đầu nhiệm kỳ làm bộ trưởng, tôi còn nhớ con số cử nhân, kỹ sư thất nghiệp là 242.000 người, tỷ lệ lao động nông nghiệp là 42 % lao động nông nghiệp. Tới nay, với những chuyển biến tổng thể, con số thất nghiệp như trên chỉ còn hơn 90.000 người và tỷ lệ lao động nông nghiệp chỉ còn 35,2%” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

Bên cạnh đó, nhiều chương trình xuất khẩu lao động hướng tới thanh niên đặc thù như: Chương trình  “Hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh XKLĐ góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009-2020, chương trình đào tạo điều dưỡng viên của CHLB Đức, chương trình IM Japan miễn phí dành riêng cho người lao động…

Những nỗ lực xây dựng thể chế, điều chỉnh chính sách thị trường lao động sau nhiều năm đã có những kết quả tích cực.

Tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam hiện ở mức 2,2 %, thuộc nhóm 10 nước thấp nhất thế giới. Đặc biệt trong quý 3/2019, tỷ lệ thất nghiệp chỉ có 1,98 %.

Công tác giáo dục nghề nghiệp đã có nhiều biến chuyển, thay đổi tới nhận thức của người học về nghề nghiệp và việc làm.

"Ví dụ như trước tác động của công nghệ 4.0, mặt trái của mạng xã hội mà thanh niên phải tiếp cận hàng ngày, chúng ta cần nghiên cứu khả năng giúp thanh niên tiếp thu điểm tốt và “đề kháng” với những tiêu cực" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung gợi ý.

Bộ trưởng cũng đặt ra vấn đề cần có thêm nhiều giải pháp trong công tác quản lý nhà nước về thanh niên: “Trong quá trình nghiên cứu sửa đổi Luật Thanh niên tới đây, chúng ta nên tổng kết các vấn đề có tầm chiến lược nêu trên về thanh niên. Trong đó nên tập trung một số vấn đề có tính chất bức thiết và căn bản, tránh tràn lan”.

Gợi ý về giải pháp trong quản lý nhà nước về thanh niên, Bộ trưởng cho rằng các cơ quan nhà nước cần tạo môi trường cho thanh niên phát triển trong quá trình học tập, vui chơi lành mạnh và tiếp cận các vấn đề mới.

Bên cạnh đó, công tác xây dựng và phát triển thị trường lao động đồng bộ và lành mạnh cần triển khai hiệu quả hơn với thanh niên. Bộ trưởng cho biết, tới đây, Bộ sẽ nghiên cứu thêm nhiều giải pháp về gắn kết, tạo “sân chơi” lành mạnh về lĩnh vực việc làm, giáo dục nghề nghiệp cho người lao động, trong đó có lao động trẻ…

Hoàng Mạnh