Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: “DN ngoài quốc doanh chiếm tới 65 % số nợ BHXH”

(Dân trí) - “Thống kê của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, số nợ BHXH bắt buộc tính lãi là 5.737 tỷ đồng trong năm 2017, chiếm 2,9% số phải thu. Tỷ lệ nợ BHXH bắt buộc giảm so với năm 2016 khoảng 0,8%. Việc nợ đóng BHXH ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền lợi hợp pháp của hàng trăm ngàn lao động”.


Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn trước Quốc hội.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn trước Quốc hội.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung vừa có văn bản trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Trần Đình Gia, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh về tình trạng doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), ảnh hưởng tới quyền lợi hợp pháp của người lao động và cũng như các giải pháp khắc phục tình trạng này.

Theo đó, “…Có tình trạng một tập đoàn, một doanh nghiệp lớn của nhà nước nhưng tuyển dụng lao động bằng hình thức tuyển cộng tác viên, hợp đồng 3 tháng, 6 tháng, 11 tháng, nhưng các cháu phải làm việc liên tục và từ năm 2015 đến nay không được đóng bảo hiểm. Tôi được biết tình trạng này ở các doanh nghiệp diễn ra rất phổ biến…” - trích ý kiến chất vấn của đại biểu Trần Đình Gia.

Nhận định của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, thời gian qua Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã có nhiều giải pháp thực hiện nhằm hạn chế tình trạng trốn đóng, chậm đóng BHXH.

Tuy nhiên, tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH vẫn còn xảy ra ở nhiều doanh nghiệp, địa phương như nhận định của Đại biểu Quốc hội.

Số liệu thống kê của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, tính đến hết năm 2017, số nợ BHXH bắt buộc phải tính lãi là 5.737 tỷ đồng, chiếm 2,9% so với số phải thu. Tỷ lệ nợ BHXH bắt buộc giảm so với năm 2016 khoảng 0,8%.

"Một số quy định mới trong Luật BHXH nhằm phát triển đổi tượng và tăng cường chính sách BHXH, như: Bổ sung đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng; quy định cơ quan BHXH được thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH; tăng mức lãi đối với số tiền chậm đóng BHXH lên bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng;..." - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

Phân tích cơ cấu số nợ BHXH phân chia theo loại hình doanh nghiệp cho thấy, số nợ BHXH bắt buộc vẫn tập trung nhiều ở khu vực doanh nghiệp nhà nước (6,3%) và doanh nghiệp ngoài quốc doanh (6,02%). Trong đó, các doanh nghiệp ngoài quốc doanh chiếm tỷ trọng nợ cao nhất với số tiền nợ là 3.712 tỷ đồng (chiếm 65% tổng số nợ).

Qua kết quả thanh tra, kiểm tra của các cơ quan có thẩm quyền cho thấy, tình trạng trốn đóng BHXH bắt buộc còn diễn ra ở nhiều doanh nghiệp.

Đơn cử là việc nhiều doanh nghiệp đã cố tình giao kết các hợp đồng không đúng quy định nhằm trốn tránh đóng BHXH, như: Giao kết hợp đồng cộng tác viên, hợp đồng đại lý, hợp đồng đào tạo... đối với người lao động làm những công việc phải giao kết hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật lao động.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, để khắc phục, hạn chế tình trạng nêu trên nhằm đảm bảo quyền lợi về BHXH của người lao động, Luật BHXH năm 2014 đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung nhằm tăng tính tuân thủ pháp luật, hạn chế tình trạng trốn đóng, chậm đóng BHXH.

Đặc biệt, Bộ luật Hình sự (sửa đổi) đã bổ sung tội trốn đóng BHXH. Bên cạnh đó, ngày 26/12/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 34/CT-TTg về tăng cường thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp phát triển đối tượng tham gia BHXH.

Trong Chỉ thị số 34/CT-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương thực hiện các giải pháp quản lý, xác định số doanh nghiệp, người lao động đang làm việc thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc để đôn đốc, yêu cầu đơn vị, doanh nghiệp tham gia BHXH bắt buộc đầy đủ cho người lao động; tập trung thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm đối với các đơn vị, doanh nghiệp cố tình trốn đóng, chậm đóng BHXH…

Thực hiện quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian qua, Bộ LĐ-TB&XH đã có nhiều văn bản gửi các địa phương, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị đôn đốc, chỉ đạo hiện nghiêm các quy định của Luật BHXH; trong đó tập trung các hoạt động nhằm hạn chế tình trạng trốn đóng, chậm đóng BHXH, trước hết tập trung kiểm tra, thanh tra các doanh nghiệp trốn đóng, chậm đóng BHXH, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm.

Nhiều giải pháp nhằm thực hiện Chỉ thị số 34/CT-TTg,

Theo Bộ LĐ-TB&XH, nhiều giải pháp thời gian tới được chú trọng nhằm giảm tình trạng nợ, trốn đóng BHXH, như:

Phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành, địa phương trong đôn đốc, chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm quy định của Luật bảo hiểm xã hội.

Kết nối và chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan liên quan (cơ quan lao động, bảo hiểm xã hội, thuế, kế hoạch đầu tư) để quản lý, nắm bắt chính xác số doanh nghiệp, người lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc để đôn đốc, yêu cầu buộc doanh nghiệp tham gia đầy đủ cho người lao động.

Đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, đặc biệt là thanh tra chuyên ngành đóng BHXH của cơ quan BHXH, trước hết tập trung kiểm tra, thanh tra các doanh nghiệp trốn đóng, chậm đóng BHXH, xử lý nghiêm các doanh nghiệp cố tình vi phạm.

Tiếp tục tăng cường tuyên truyền cho người sử dụng lao động và người lao động về quyền, trách nhiệm tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của Luật BHXH.

Cơ quan BHXH chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng đề nghị thực hiện khởi tố một số doanh nghiệp cố tình trốn đóng BHXH theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 để răn đe đối với các doanh nghiệp khác.

Hoàng Mạnh