1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Đẩy mạnh giáo dục nghề nghiệp giúp tăng năng suất lao động

(Dân trí) - “Lao động ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tới 38,6%, chủ yếu là giản đơn, việc làm không ổn định. Nhóm này chỉ tạo ra 15,34% GDP, dẫn đến năng suất lao động thấp. Từ góc độ của ngành LĐ-TB&XH, việc đẩy mạnh giáo dục nghề nghiệp được coi là giải pháp nhằm tăng năng suất lao động“.


Bộ trưởng Đào Ngọc Dung

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Trần Kim Yến (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh) về thực trạng chất lượng nhân lực đại học, cao đẳng chưa cao cũng nhưng các giải pháp nhằm nâng cao năng suất lao động.

Theo đó, đại biểu Trần Kim Yến đặt vấn đề:

Trong nhiều báo cáo, chúng ta hay đánh giá năng suất lao động của người Việt Nam chưa cao, thậm chí là thấp hơn một số nước trong khu vực.

Báo cáo của Bộ cũng nêu chất lượng của các trường đại học, cao đẳng chưa cao và không đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp; chất lượng đào tạo của cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn thấp, thực hiện phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông chưa hiệu quả; doanh nghiệp chỉ muốn tuyển dụng lao động không qua đào tạo.

Như vậy, trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các Bộ, ngành khác như thế nào để nâng cao năng suất lao động, chứ không thể dựa vào sự nỗ lực tự bơi hay năng khiếu của người lao động”.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã có những phân tích cụ thể như sau:

Điều gì khiến năng suất lao động thấp?

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, qua nghiên cứu, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng nguyên nhân khiến năng suất lao động của Việt Nam thấp so với các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới, bởi nhiều nguyên nhân:

Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Việt Nam tuy theo hướng tích cực nhưng còn chậm, khoảng cách khá xa so với yêu cầu của một nước công nghiệp. Các ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, nhất là những ngành dịch vụ mang tính chất “động lực” của nền kinh tế như tài chính, tín dụng còn chiếm tỷ lệ thấp so với các nước trong khu vực.

So với các nước trong khu vực, tỷ trọng lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản của nước ta còn khá cao, đến hết tháng 4/2018 là 38,6% lao động của cả nước.

Mặt khác, phần lớn lao động làm việc trong khu vực này là lao động giản đơn, có tính thời vụ, việc làm không ổn định nên giá trị khu vực này tạo ra không cao, dẫn đến năng suất lao động thấp (chỉ tạo ra 15,34% GDP).

Lao động làm việc trong khu vực phi chính thức chiếm một tỷ lệ lớn (khoảng 70%) là một trong những yếu tố chủ yếu làm cho năng suất lao động của nền kinh tế thấp.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, để nâng cao năng suất lao động thì cần phải giải quyết đồng bộ các bất cập hiện nay trên cơ sở sự tham gia của nhiều cơ quan, từ trung ương đến địa phương, bao gồm cả nhiệm vụ của Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của nước ta hiện nay chủ yếu là hoạt động sơ chế, gia công có hàm lượng giá trị kết tinh trong sản phẩm thấp. Mặt khác, ngành công nghiệp chủ yếu sử dụng công nghệ sản xuất ở mức thấp và trung bình (chiếm tới trên 80% số doanh nghiệp) dẫn đến năng suất lao động thấp.

Chất lượng lao động, cơ cấu nhân lực và hiệu quả sử dụng lao động qua đào tạo thấp. Đây là rào cản lớn cho việc cải thiện năng suất lao động.

Trình độ tổ chức, quản lý trong sản xuất kinh doanh và hiệu quả sử dụng các nguồn lực còn thấp cũng là yếu tố làm năng suất lao động thấp.

Đẩy mạnh giáo dục nghề nghiệp

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về chất lượng và hiệu quả giáo dục nghề nghiệp cũng chính là cách nhằm nâng cao năng suất lao động.

Để thực hiện điều này, Bộ LĐ-TB&XH đã và đang triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, cụ thể là:

Chuẩn hóa các điều kiện bảo đảm chất lượng nhất là các điều kiện về chương trình, về nhà giáo, cán bộ quản lý; về cơ sở vật chất, thiết bị phù hợp với đặc thù Việt Nam và tiếp cận các chuẩn khu vực ASEAN-4 và các nước phát triển trong nhóm G20.

Gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động, việc làm bền vững và tăng cường sự tham gia của hiệp hội nghề nghiệp, doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp; nâng cao chất lượng hoạt động dự báo ngắn hạn, trung hạn và dài hạn về nhu cầu nguồn nhân lực, việc làm và nhu cầu đào tạo.

Trao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp gắn với trách nhiệm giải trình, cơ chế đánh giá độc lập, sự kiểm soát của nhà nước, giám sát của xã hội;

Đổi mới và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, trong đó tập trung hoàn thiện đồng bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục nghề nghiệp; xây dựng các chiến lược, chương trình, đề án phát triển giáo dục nghề nghiệp;

Hoàn thiện quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp, theo đó rà soát, sắp xếp cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng chuẩn hóa, giảm đầu mối, tăng quy mô tuyển sinh và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động;

Phát triển hệ thống quản lý và bảo đảm chất lượng giáo dục nghề nghiệp, triển khai mô hình quản lý/quản trị nhà trường theo hướng hiện đại, tinh gọn, chuyên nghiệp, ứng dụng công nghệ thông tin; nâng cao năng lực đội ngũ về quản lý và bảo đảm chất lượng;

Phát triển hệ thống đánh giá và cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia cho người lao động;

Tăng cường công tác truyền thông, hướng nghiệp, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế.

Chất lượng giáo dục nghề nghiệp đã có những bước cải thiện đáng kể.

Nhận định về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp thời gian qua, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng: Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, địa phương, Bộ LĐ-TB&XH đã có nhiều nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục nghề nghiệp.

Giáo dục nghề nghiệp có bước chuyển biến tích cực, đào tạo nghề cơ bản đã gắn với sử dụng lao động; kỹ năng nghề của học sinh tốt nghiệp các trường nghề đã được nâng lên; tỷ lệ học sinh, sinh viên tốt nghiệp trình độ cao đẳng và trung cấp có việc làm ngay sau tốt nghiệp bình quân hàng năm đều đạt trên 70%.

"Theo đánh giá của các doanh nghiệp cho thấy 80% - 85% số lao động qua đào tạo được sử dụng đúng trình độ đào tạo, 30% có kỹ năng nghề từ khá trở lên. Đặc biệt, lao động kỹ thuật Việt Nam qua giáo dục nghề nghiệp đã đảm đương được nhiều vị trí công việc quan trọng mà trước đây phải thuê lao động nước ngoài“ - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Hoàng Mạnh