Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: “Công việc càng khó, càng đòi hỏi quyết tâm và cách làm sáng tạo”
(Dân trí) - Nhân dịp năm mới 2017, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung có cuộc trao đổi với PV Báo Dân trí về công tác triển khai chính sách lao động, người có công và xã hội; về những dự định trong năm 2017- năm có nhiều hoạt động lớn của ngành, trong đó có sự kiện cả nước hướng tới Kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947- 27/7/2017)...
Giải quyết chính sách người có công - cần sự đột phá căn bản
Thưa Bộ trưởng, trong thực hiện chính sách người có công, việc triển khai xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin được toàn xã hội quan tâm. Được biết, Bộ LĐ-TB&XH có một Đề án riêng về vấn đề này. Vậy tới nay, việc triển khai đạt được kết quả ra sao?
- Thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công, thân nhân liệt sĩ và công tác mộ - nghĩa trang liệt sĩ luôn nhận được sự quan tâm hàng đầu của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Tuy nhiên, trước đây do chiến tranh kéo dài, việc tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ gặp rất nhiều khó khăn.
Trước tình hình đó, năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin (gọi tắt là Đề án 150), giao Bộ LĐ-TB&XH là cơ quan thường trực. Sau hơn 3 năm triển khai, Cơ quan thường trực Đề án 150 đã phối hợp với nhiều đơn vị giám định gen của các liệt sĩ; phối hợp với Chương trình” Trở về từ ký ức” của Đài Truyền hình Việt Nam để xác định thông tin hài cốt liệt sĩ bằng phương pháp thực chứng.
Bằng phương pháp thực chứng, 2.209 trường hợp đã được xác minh, với phương pháp giám định ADN, Đề án 150 đã thực hiện lấy 12.164 mẫu hài cốt liệt sĩ và 3.661 mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ để tiến hành phân tích.
Từ kết quả trên, ngành LĐ-TB&XH đã tổ chức công bố, thông báo, báo tin mộ liệt sĩ tới thân nhân của 3.423 liệt sĩ. Ngoài ra, Đề án còn xây dựng ngân hàng gen hài cốt liệt sĩ và thân nhân để phục vụ so sánh, đối chiếu xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin.
Đến nay, công việc đang được triển khai thuận lợi theo đúng đề án Chính phủ đã phê duyệt...
Năm 2016, trong các chuyến công tác tại các địa phương, Bộ trưởng từng bày tỏ trăn trở trước thực tế: Còn nhiều đối tượng tham gia kháng chiến lẽ ra được hưởng các chính sách ưu đãi người có công, nhưng vì lý do cả khách quan và chủ quan, nên vẫn phải chờ. Vậy, Bộ trưởng có thể chia sẻ những đề xuất gì có tính chất đột phá để giải quyết tình trạng này?
- Cả nước hiện có khoảng 8,8 triệu người hưởng chính sách có công với cách mạng. Qua đợt tổng rà soát việc thực hiện chính sách pháp luật về người có công với cách mạng trong 2 năm 2014-2015, các cơ quan chức năng phát hiện còn khoảng 0,4 % trường hợp nợ đọng chưa giải quyết, chủ yếu thuộc về đối tượng nhiễm chất độc da cam và gia đình liệt sĩ, thương binh không còn hoặc thất lạc hồ sơ, chờ giải quyết.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: “Báo Dân trí luôn thông tin nhanh nhạy, sắc sảo việc triển khai thực hiện các chính sách pháp luật lao động, người có công và xã hội, được bạn đọc và xã hội đón nhận. Tôi đánh giá cao và cảm ơn việc tuyên truyền của Báo Dân trí. Trong năm 2017 và các năm tiếp theo, mong Báo Dân trí tiếp tục gắn bó và đồng hành, chia sẻ với các nhiệm vụ ngành LĐ-TB&XH...”
Vấn đề xác nhận đối tượng người có công thiếu thông tin để được công nhận đã và đang là điều day dứt, trăn trở với những người làm chính sách thương binh liệt sĩ nhiều năm nay.
Hiện có nhiều hồ sơ cựu thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đang chờ xử lý, hàng ngàn hồ sơ người có công với cách mạng cũng chờ xác minh và công nhận.
Sau những chuyến công tác nắm tình hình, chúng tôi đã chủ động áp dụng hướng xử lý đề nghị công nhận người có công, nhất là hồ sơ thương binh, liệt sĩ còn tồn đọng theo “quy trình thí điểm giải quyết theo từng tình huống”.
Nếu không làm thế, không biết đến bao giờ chúng ta mới có thể giải quyết được những trường hợp tồn đọng kéo dài hàng vài chục năm qua.
Bộ LĐ-TB&XH đang triển khai thí điểm ở 5 tỉnh: Bắc Kạn, Lai Châu, Thái Bình, Đà Nẵng và Long An, theo quy trình rút gọn và xử lý các trường hợp cá biệt trên cơ sở các quy định hiện hành, trong đó đề cao sự giám sát của nhân dân, sự vào cuộc của các cơ quan báo chí truyền thông.
Theo đó, những trường hợp không đủ giấy tờ hoặc mất giấy tờ, các địa phương giải quyết bằng cách công khai về chủ trương chính sách trong việc xử lý, lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân.
Đặc biệt là ý kiến của các bậc lão thành cách mạng, các cựu chiến binh, người hoạt động cùng thời kỳ với người được xem xét hồ sơ, công khai lấy ý kiến trong chi bộ Đảng, các hội đồng, xác nhận người có công từ cấp cơ sở tới cấp tỉnh, thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương.
Sau một thời gian nhất định, nếu người dân không có đơn từ khiếu nại, thì trình Bộ LĐ-TB&XH cho ý kiến và tiến hành xem xét công nhận...
Đến nay, các địa phương làm điểm đã hoàn thành việc xem xét. Bộ LĐ-TB&XH sẽ kết luận trước Tết Nguyên đán Đinh Dậu và rút kinh nghiệm mở rộng ở các địa phương trong cả nước.
Đề xuất giảm gánh nặng cho doanh nghiệp, tạo nguồn việc làm
Trong năm 2017, Bộ LĐ -TB&XH tham mưu Chính phủ xem xét, thảo luận trình Quốc hội dự thảo Bộ luật Lao động 2012 (sửa đổi) trong đó có phương án tăng tuổi nghỉ hưu với nữ từ 55 lên 60 tuổi, nam từ 60 lên 62 tuổi. Căn cứ của đề xuất này là gì, thưa Bộ trưởng?
- Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu luôn là vấn đề thu hút sự quan tâm lớn của người lao động cũng như doanh nghiệp. Trước đó, việc đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu (điều 187) từng được đặt ra nhiều lần trong quá trình soạn thảo các văn bản luật, nhưng chưa được Quốc hội thông qua.
Lần này, dự thảo luật đề xuất 2 phương án để xin ý kiến: Một là, giữ nguyên tuổi nghỉ hưu của nam là 60 và nữ là 55; hai là, phương án tăng tuổi nghỉ hưu của nam lên 62 và nữ lên 60, tăng theo lộ trình mỗi năm tăng 3 tháng.
Về đề xuất tăng tuổi hưu, Bộ LĐ-TB&XH dựa trên 5 lý do sau: Tuổi thọ bình quân của người Việt Nam những năm gần đây đã tăng nhiều so với giai đoạn trước; dân số nước ta đang chuyển từ thời kỳ dân số vàng sang giai đoạn già hóa dân số, trong tương lai lực lượng lao động trẻ sẽ thiếu hụt; nhằm đảm bảo cân đối của quỹ hưu trí, tử tuất trong dài hạn; tránh sự phân biệt đối xử về tuổi nghỉ hưu giữa lao động nam và nữ để phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế như Công ước Cedaw, Công ước của ILO mà Việt Nam đã tham gia; tận dụng được nguồn nhân lực có trình độ, kỹ thuật cao và có kinh nghiệm.
Tuy nhiên, đây là vấn đề hệ trọng có ảnh hưởng lớn và tác động đến nhiều đối tượng xã hội. Nên Bộ LĐ-TB&XH đang lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức và nhân dân, sau đó sẽ tổng hợp, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.
Thưa Bộ trưởng, cộng đồng doanh nghiệp đang rất quan tâm và ủng hộ đề xuất của Bộ trưởng về việc giảm 1% mức đóng Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp và Quỹ Tai nạn bệnh nghề nghiệp. Vậy, đề xuất này liệu có ảnh hưởng tới việc cân đối các quỹ BHXH hiện nay?
- Theo nghiên cứu của Bộ LĐ-TB&XH, việc giảm 1% tỉ lệ đóng (giảm ở mỗi Quỹ là 0,5%), tương ứng với khoảng kinh phí 5.400 tỉ đồng/năm. Điều này giúp doanh nghiệp giảm chi phí, giảm giá thành sản phẩm và tăng khả năng cạnh tranh.
Phân tích cụ thể cho thấy, việc giảm số thu trong khi số chi không giảm sẽ làm cho tỉ lệ chi/thu của Quỹ Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tăng lên khoảng 20% (trước khi giảm tỷ lệ đóng, tỉ lệ này khoảng 10%). Với phương án giảm như trên, Bộ LĐ-TB&XH khẳng định không gây xáo trộn trong cân đối Quỹ Bảo hiểm tai nạn, bệnh nghề nghiệp trong vài năm tới.
Tương tự với phân tích về Quỹ Bảo hiểm (QBH) thất nghiệp. Số kết dư QBH thất nghiệp đến hết năm 2015 là 48.901 tỉ đồng. Nếu giảm 0,5% tỉ lệ đóng của người sử dụng lao động vào QBH thất nghiệp thì số thu quỹ sẽ giảm khoảng 2.400 tỉ đồng/năm, làm cho tỉ lệ chi/thu tăng lên khoảng 70% (tính theo tương quan mức thu, chi của năm 2015).
Với tốc độ tăng thu, chi như giai đoạn vừa qua, việc giảm 0,5% tỉ lệ đóng trong một vài năm tới QBH thất nghiệp vẫn đảm bảo cân đối thu chi. Thời gian giảm khoảng 3 năm, sau đó sẽ trình Chính phủ điều chỉnh mức đóng phù hợp, linh hoạt với các loại quỹ này.
Về công tác giảm nghèo bền vững
Ông từng có nhiều năm công tác ở các địa phương và vùng Tây Bắc, có nhiều thực tiễn trong chỉ đạo công tác giảm nghèo khu vực miền núi- nơi được coi là “lõi đói nghèo của cả nước”. Với Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2016-2020, theo Bộ trưởng, để giảm nghèo bền vững, khuyến khích hộ nghèo, vùng nghèo tự vươn lên thoát nghèo, công tác tổ chức thực hiện cần chú trọng những vấn đề gì, thưa ông?
- Đây là chương trình an sinh xã hội lớn. Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về giảm nghèo quan tâm, chỉ đạo hết sức toàn diện, sâu sắc và cụ thể.
Trong quá trình triển khai, chúng tôi thấy cần tập trung vào hoàn thiện cơ chế, chính sách giảm nghèo theo hướng tích hợp, thu gọn đầu mối nhằm nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người nghèo, hạn chế các chính sách cấp phát, cho không và chuyển sang các chính sách hỗ trợ có điều kiện, có hoàn trả.
Đồng thời, Bộ chủ trương mở rộng chính sách hỗ trợ đối với hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; lồng ghép chương trình giảm nghèo với chương trình xây dựng nông thôn mới.
Trong đó, tập trung nguồn lực cho địa bàn các huyện nghèo, các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi nhằm tăng cường, cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân trên địa bàn.
Giúp người dân tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ xã hội cơ bản y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, thông tin; hỗ trợ về sinh kế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống cho họ, từng bước thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống so với các vùng và cả nước.
Cùng với đó, là việc đẩy mạnh phân cấp cho địa phương, cơ sở; thực hiện giao vốn trung hạn trong cả giai đoạn, công khai minh bạch theo các nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương, để các địa phương chủ động ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư, giải quyết những vấn đề bức xúc nhất, tạo sinh kế để người dân từng bước chủ động vươn lên thoát nghèo bền vững...
Bộ trưởng có thể chia sẻ một vài cảm nghĩ với bạn đọc Báo Dân trí nhân dịp năm mới 2017?
- Trong nhiều năm qua, Báo Dân trí đã luôn thông tin nhanh nhạy, sắc sảo việc triển khai thực hiện các chính sách pháp luật lao động, người có công và xã hội, được bạn đọc và xã hội đón nhận. Tôi đánh giá cao và cảm ơn việc tuyên truyền của Báo Dân trí. Trong năm 2017 và các năm tiếp theo, mong Báo Dân trí tiếp tục gắn bó và đồng hành, chia sẻ với các nhiệm vụ ngành LĐ - TB&XH.
Nhân dịp năm mới 2017, chúc bạn đọc Báo Dân trí nhiều sức khỏe, hạnh phúc và thành công.
Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Hà Nam thực hiện
Nhiều hoạt động Kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ trong năm 2017
- Ban Bí thư Trung ương Đảng sẽ ban hành Chỉ thị về Tăng cường công tác chăm sóc người có công với cách mạng và hoạt động đền ơn đáp nghĩa trong thời kỳ mới.
- Tổ chức cầu truyền hình giao lưu nghệ thuật tri ân các Anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và người có công tại 5 điểm cầu: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Trị, Điện Biên và Thái Nguyên, nhân dịp 27/7.
- Tổ chức Lễ Mít tinh cấp Nhà nước kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh, Liệt sĩ, biểu dương 700 đại biểu là người có công với cách mạng tiêu biểu, tại Hà Nội.
- Rà soát, sửa đổi Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng; tập trung giải quyết căn bản những trường hợp đề nghị xác nhận là người có công với cách mạng, phấn đấu đến hết năm 2017, giải quyết cơ bản đối với các hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ, thương binh còn tồn đọng.
- Tập trung tu bổ, sửa chữa nâng cấp các công trình ghi công liệt sĩ, đặc biệt các công trình ghi công liệt sĩ tại các xã biên giới của cả nước...