Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Đà Nẵng phải đột phá về nhân lực chất lượng cao

(Dân trí) - “Đà Nẵng cần tiếp tục chú trọng quy hoạch tổng thể, mở rộng đón nhân tài, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Đà Nẵng phải đột phá rất mạnh về nguồn lực chất lượng cao”.

Sáng 15/12, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt của TP Đà Nẵng.

Báo cáo tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Thanh Hưng - Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Đà Nẵng - cho biết, hiện trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có 55 cơ sở dạy nghề với quy mô đăng ký đào tạo là 49.449 học viên, sinh viên của 157 nghề; 15.585 doanh nghiệp, sử dụng 322.289 lao động. Trong đó có 482 doanh nghiệp, đơn vị có sử dụng lao động người nước ngoài với 1.184 lao động là người nước ngoài.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Đà Nẵng phải đột phá về nhân lực chất lượng cao - 1

"Thời gian qua, Đà Nẵng đã có những chính sách mới về lĩnh vực dạy nghề, việc làm như: Quy định chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp nhận lao động vào đào tạo và giải quyết việc làm trên địa bàn thành phố. Theo đó, doanh nghiệp tiếp nhận lao động vào đào tạo nghề và tuyển dụng vào làm việc tại doanh nghiệp, được hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề ngắn hạn bằng 500.000 đồng/người/tháng, thời gian hỗ trợ không quá 3 tháng cho một khóa đào tạo" - bà Nguyễn Thị Thanh Hưng cho biết.

Theo đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Đà Nẵng, ngoài nhóm đối tượng được hỗ trợ học nghề theo diện chính sách chung, thành phố còn mở rộng thêm 5 nhóm đối tượng: Người dân thuộc diện di dời; người nghiện ma túy đã được cai nghiện; người hoạt động mại dâm hoàn lương; thanh thiếu niên hư, vi phạm pháp luật; học sinh bỏ học.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hưng kiến nghị với Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về đầu tư xây dựng Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng thành trường trọng điểm, chất lượng cao; hỗ trợ thành lập Trung tâm tư vấn và hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng; chi trả trợ cấp cho người có công qua hệ thống bưu điện...

Cũng tại buổi làm việc, ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - cho hay, trong những năm qua, xét về phương diện kinh tế, đầu tư kết cấu hạ tầng, Đà Nẵng đã đạt được những kết quả rõ nét, được nhân dân trong cả nước ghi nhận. Bên cạnh đó, việc chăm lo các vấn đề xã hội cũng được thành phố quan tâm.

"Với mức hỗ trợ cho các nhóm đối tượng theo quy định của Nhà nước, nếu có thể trong khả năng, Đà Nẵng đều nâng lên thêm một bậc. Không chỉ chăm lo cho người có công mà việc hỗ trợ cho những người đạp xe xích lô vẫn được thành phố duy trì vào những dịp Tết. Những điều đó cũng tạo nên một hình ảnh, thương hiệu cho TP Đà Nẵng" - ông Huỳnh Đức Thơ nói.

Về kiến nghị về xây dựng với trường cao đẳng nghề, lãnh đạo thành phố cho biết: Mặc dù bị khống chế về quy định đầu tư nhưng trường này không chỉ có sinh viên của Đà Nẵng học mà có thêm sinh viên các tỉnh khác đến học. Vì thế cũng mong Bộ trưởng quan đến vấn đề này.

Chủ tịch Đà Nẵng cũng mong muốn Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tiếp tục hỗ trợ giúp để Đà Nẵng trở thành một thành phố điển hình.

Đánh giá những thành tựu đã đạt được thời gian qua, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, Đà Nẵng đã đi đầu trong nhiều lĩnh vực, tạo được sự đột phá: “Đà Nẵng đi đầu trong lĩnh vực lao động, việc làm, người có công, thực hiện an sinh xã hội. Qua kiểm tra, các chủ trương chính sách của Nhà nước đã đến với người có công kịp thời, nghiêm túc. Đồng thời với quyết tâm, Đà Nẵng đã có nhiều chủ trương vượt trội nhằm chăm lo cho người có công".

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ phát biểu tại buổi làm việc

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ phát biểu tại buổi làm việc

Tuy nhiên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng lưu ý Đà Nẵng không được bằng lòng với những gì đã có. “Nếu chúng ta bằng lòng với những gì đang có, sẽ không tránh khỏi nguy cơ bị tụt hậu. Đối với thành phố Đà Nẵng, thực sự cần có sự đột phá để xây dựng thành phố thông minh xanh, sạch đẹp, an toàn”.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, thành phố Đà Nẵng cần tiếp tục chú trọng quy hoạch tổng thể, mở rộng đón nhân tài, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đặc biệt quan tâm tới việc xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Đà Nẵng phải đột phá rất mạnh về nguồn lực chất lượng cao.

Vì vậy, Đà Nẵng phải đặc biệt coi trọng đào tạo, bồi dưỡng tay nghề cho người lao động, cần sớm mạnh dạn và chủ động luôn trong phân luồng học sinh tham gia học nghề ngay từ cấp 2. Phấn đấu góp phần đưa tỉ lệ bình quân cả nước đến năm 2020 có khoảng 30% học sinh Trung học cơ sở không học lên cấp 3 vào học nghề.

“Ở nhiều nước phát triển, ai có tay nghề đều được quý trọng. Họ có thể sống suốt đời với nghề đó. Trong khi đó, bất cập tại VN là cử nhân tốt nghiệp đại học lại làm bất cứ công việc gì, thậm chí không liên quan tới ngành được học. Chính vì vậy, chúng ta cần tạo điều kiện để các em học nghề được yên tâm gắn bó với nghề và có cơ hội học liên thông tới bậc đại học, thạc sĩ” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Với đề xuất của Đà Nẵng, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung yêu cầu các trường nghề phải quản trị tốt được hiệu quả của công tác đào tạo. "Một năm ra trường bao nhiêu sinh viên? bao nhiêu có người có việc làm? hiệu quả của việc đào tạo nghề tác động ra sao tới việc thay đổi tư duy học nghề của xã hội. Tôi ủng hộ việc hình thành mô hình trường nghề quốc tế tại Đà Nẵng" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng đồng ý để Đà Nẵng triển khai chi trả trợ cấp cho người có công từ năm 2017 qua hệ thống bưu điện.

Thị trường lao động TP HCM cần 270.000 lao động mỗi năm

Theo Trung tâm Dự báo Nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM, tình hình sử dụng lao động và phân tích diễn biến nhu cầu nhân lực cho thấy, giai đoạn từ nay đến năm 2020, mỗi năm thị trường lao động TP HCM cần khoảng 270.000 lao động.

Cụ thể: lao động có trình độ đại học chiếm 13%, cao đẳng chiếm 15%, trung cấp chiếm 35%, sơ cấp nghề 20%. Nhu cầu này đáp ứng định hướng phát triển thị trường lao động TP theo 4 ngành công nghiệp trọng yếu và 9 nhóm ngành kinh tế dịch vụ.

Trung tâm Dự báo Nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM cho biết cho thấy thời kỳ hội nhập sẽ mở ra nhiều cơ hội việc làm với nhiều yêu cầu cao hơn đối với người lao động. Bên cạnh chuyên môn, nhà tuyển dụng còn yêu cầu người lao động phải có nhiều kỹ năng khác: khả năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng báo cáo, kỹ năng tìm hiểu và xử lý thông tin…

V.D

Khánh Hồng