Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: "Cà Mau có thể là điểm sáng về BHXH tự nguyện"

Hoàng Mạnh

(Dân trí) - "Chính sách bảo hiểm thất nghiệp là giải pháp tạo việc làm cho người lao động. Do đó, nhiệm vụ này nên giao cho Trung tâm DVVL" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói trong cuộc làm việc với UBND tỉnh Cà Mau.

Sáng 15/3, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã có cuộc làm việc với đoàn công tác của UBND tỉnh Cà Mau, do ông Lê Quân - Chủ tịch UBND tỉnh dẫn đầu về công tác triển khai chính sách lao động, thương binh và xã hội của tỉnh.

Phấn đấu là điểm sáng về bảo hiểm xã hội tự nguyện

Tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá cao chủ trương UBND tỉnh Cà Mau trong việc sớm tiếp cận với các bộ, ngành để đề xuất trong hoạt động đầu tư công trung hạn cho cả nhiệm kỳ.

Qua đó, tỉnh có thể tranh thủ các nguồn lực phục vụ cho phát triển các chính sách kinh tế - văn hóa - xã hội, trong đó có lĩnh vực an sinh xã hội. Điều này thể hiện kinh nghiệm quản lý vĩ mô, cấp trung ương của người đứng đầu địa phương.

Bộ trưởng cũng đánh giá cao tỉnh Cà Mau trong việc quan tâm tới công tác an sinh xã hội, qua đó đem lại nhiều tín hiệu đáng mừng

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Cà Mau có thể là điểm sáng về BHXH tự nguyện - 1
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung. (Ảnh: Chí Tâm)

"Dù chịu nhiều tác động của Covid-19, tỉnh vẫn tạo việc làm mới cho gần 41.000 lao động và đào tạo nghề cho trên 35.000 lao động trong năm 2020. Nhiều chỉ tiêu được ghi nhận có tín hiệu tốt, như: Tỷ lệ lao động qua đào tạo (đào tạo cấp chứng chỉ và đào tạo thực tế) đạt trên 53 %; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 1,57 %, trong khi đó mức bình quân cả nước là 2,75 %" - Bộ trưởng nhận định. 

Đặc biệt, Cà Mau không còn tình trạng hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng. Bộ trưởng đánh giá, trong thời gian dịch bệnh vừa qua, Cà Mau là một trong những tỉnh triển khai tốt việc chi trả hỗ trợ tới người dân theo tinh thần Nghị Quyết 42/NQ-CP và Quyết định 15/2020/QĐ-TTg một cách công khai, minh bạch, không phát hiện tình trạng sai sót.

Phát biểu tại cuộc làm việc, ông Lê Quân - Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau - cho biết, một trong những điểm nhấn trong năm 2020 là việc phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện. Thống kê của BHXH tỉnh, năm 2020, đối tượng tham gia BHXH tự nguyện có gần 20.000 người tham gia, tăng khoảng 12.000 người so với năm 2019, đạt khoảng 110% kế hoạch được giao.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Cà Mau có thể là điểm sáng về BHXH tự nguyện - 2

Ông Lê Quân - Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau phát biểu (Ảnh: Giáp Tống)

Để có kết quả trên, chỉ tiêu phát triển chính sách BHXH tự nguyện đã được giao tới từng trưởng thôn, các cấp hội phụ nữ hội đoàn thể cấp xã. 

"Nhiều hộ gia đình ở Cà Mau có thu nhập một vài trăm triệu đồng/năm nhờ nuôi tôm. Trước đây, họ không quan tâm tới bảo hiểm xã hội. Nhưng khi được giải thích, người dân hiểu ra và thấy rất có ích nên tham gia nhiều", Chủ tịch Lê Quân cho biết.

Đánh giá cao kết quả của Cà Mau trong việc phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, Cà Mau có thể trở thành điểm sáng cả nước trong thực hiện phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện trong năm 2021.

Bộ trưởng cho biết: "Cà Mau có đông nhóm hộ làm kinh tế gia đình. Tỉnh cần tiếp tục phát huy việc tuyên truyền chính sách về bảo hiểm xã hội và giao chủ tiêu cụ thể tới từng xã, huyện. Đồng thời cần áp dụng các chính sách công gắn với kinh tế bền vững của nhóm đối tượng hộ gia đình. Tôi hy vọng, Cà Mau sẽ là một điểm sáng của cả nước về triển khai chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện, nhất là bảo hiểm cho người nông dân".

Sẽ có một "hội nghị đầu bờ"

Cũng tại cuộc làm việc, Chủ tịch Lê Quân đề nghị Bộ quan tâm, nghiên cứu và hỗ trợ tỉnh về phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp, bảo trợ xã hội, người có công, tạo việc làm cho thanh niên.

Đặc biệt, công tác giáo dục nghề nghiệp và phân luồng vì tỷ lệ học sinh bỏ học khi mới tốt nghiệp hệ THCS còn nhiều.

"Trong khi đó, nguồn lao động của Cà Mau lại vươn ra ngoại tỉnh khá đông, chủ yếu ở các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, TPHCM, Bà Rịa Vũng Tàu, Cần Thơ. Thống kê trong dịp Tết vừa qua, tỉnh có tới 200.000 người lao động đi làm nơi xa về quê đón Tết" - Chủ tịch Lê Quân cho biết.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Cà Mau có thể là điểm sáng về BHXH tự nguyện - 3

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá cao công tác phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện ở Cà Mau (Ảnh: Giáp Tống)

Bên cạnh đó, tỉnh Cà Mau rất cần sự hỗ trợ về công tác cơ sở vật chất của trung tâm bảo trợ xã hội, trung tâm cai nghiện ma túy vì nhiều khó khăn và quá tải. Trong khi đó, quỹ đất của tỉnh còn nhiều.

Chia sẻ với những khó khăn trong triển khai chính sách an sinh xã hội của tỉnh, Bộ trưởng cho rằng cần có một chương trình tổng thể để triển khai trong chính sách an sinh xã hội, trong đó việc đầu tiên cần chú trọng là công tác phân luồng giáo dục nghề nghiệp và tạo công ăn việc làm.

Cụ thể, Bộ trưởng đã chỉ đạo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Cục việc làm, Cục Quản Lý Lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) phối hợp với các cơ quan trong tỉnh tổ chức tổ chức một hội nghị tại Cà Mau với sự tham dự của đại diện nhiều ngành như Bộ Nông nghiệp, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính.

Nội dung bàn về những vấn đề thiết yếu của tỉnh như: Việc làm, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, kỹ năng nghề nghiệp, tạo việc làm bền vững cho người dân trong tỉnh.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Cà Mau có thể là điểm sáng về BHXH tự nguyện - 4

Sẽ có một Hội nghị lấy ý kiến các bộ, ngành để giúp Cà Mau phát triển công tác lao động, an sinh xã hội (Ảnh: Giáp Tống)

Về giảm nghèo, Bộ trưởng cũng lưu ý việc thực hiện cần ở góc độ đa chiều tới nhiều đối tượng, lĩnh vực. Trong đó, vấn đề giảm nghèo bền vững cần tính tới cả nhóm trẻ em chứ không phải là chỉ có người lớn, với các tiêu chỉ về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh…

Đồng thời, tỉnh Cà Mau cần tập trung hơn trong phòng, chống xâm hại, bạo lực xâm hại phụ nữ của trẻ em. Đặc biệt là tình trạng xâm hại tình dục trẻ em và lao động trẻ em.

Trong công tác tạo việc làm ngoài nước, Bộ trưởng chỉ đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước lựa chọn một số doanh nghiệp XKLĐ có uy tín để tiếp cận với UBND tỉnh nhằm triển khai các đơn hàng đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Liên quan tới phát triển trung tâm bảo trợ xã hội tại Cà Mau, Bộ trưởng lưu ý tỉnh việc hình thành trung tâm bảo trợ xã hội có tính chất đa chức năng, bao quát việc chăm sóc trẻ mồ côi, người già nhằm tránh tình trạng phân tán các nguồn lực.

Hoạt động bảo hiểm thất nghiệp cần gắn với Trung tâm dịch vụ việc làm

Liên quan tới phân bổ nhiệm vụ thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, Bộ trưởng lưu ý tỉnh Cà Mau cần cân nhắc tới vai trò của Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh. Ở nhiều tỉnh, thành phố khác, việc thực hiện chính sách bảo hiểm bảo hiểm thất nghiệp được giao cho Trung tâm dịch vụ việc làm (thuộc Sở LĐ-TB&XH) thực hiện.

"Thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp là một giải pháp để tạo công ăn việc làm cho người lao động, qua đó tạo sự bình ổn cho thị trường lao động. Do đó, nhiệm vụ này nên giao cho Trung tâm dịch vụ việc làm nhằm kết nối việc chi trả bảo hiểm thất nghiệp và giới thiệu việc làm mới cho người lao động thất nghiệp. Điều này không đơn thuần là thực hiện hành chính công…" - Bộ trưởng lý giải.