Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: 40% kỹ năng lao động không hợp trong 15 năm tới
(Dân trí) - “Nghiên cứu của quốc tế cho thấy, trong khoảng 10 - 15 năm nữa, 30 % công việc hiện sẽ thay đổi do tác động của hóa trí tuệ nhân tạo, 40 % kỹ năng lao động sẽ không còn phù hợp...”.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung phát biểu tại Lễ phát động Cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp năm 2020 - Startup Kite”.
Chương trình do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) tổ chức chiều 28/5 tại Hà Nội.
Chia sẻ những nhận định, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã và đang có những tác động to lớn và mạnh mẽ đối với nền kinh tế xã hội toàn cầu.
“Chỉ trong khoảng 10-15 năm tới, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ khiến 40 % kỹ năng của lao động không còn phù hợp nữa và buộc phải thay đổi” - Bộ trưởng cảnh báo.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói: "Tôi đã nhiều lần khẳng định, học đại học là điều rất quý, rất nên khuyến khích học. Nhưng đại học không phải là con đường duy nhất để lập thân, lập nghiệp.
Con đường lập thân, lập nghiệp tốt nhất của mỗi người là chọn cho mình một ngành học, một lĩnh vực, ngành nghề phù hợp và thông qua đó để lập thân..."
Trong bối cảnh đó, các nước trên thế giới còn phải chịu tác động rất lớn của đại dịch Covid-19. Sơ bộ cho thấy khoảng 195 triệu người lao động trên thế giới đang bị thất nghiệp.
“Việt Nam có 55 triệu lao động. Dịch Covid-19 đang khiến khoảng 670.000 người đang rơi vào tình trạng giãn việc, ngưng việc, thiếu việc và thất nghiệp” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã có quyết tâm chính trị rất lớn. Lần đầu tiên, Chính phủ đã tung ra cái gói trợ giúp xã hội kịp thời và có hiệu quả tức thì.
“Nhưng đây cũng chỉ là những giải pháp có tính chất hỗ trợ. Gốc rễ lâu dài chính là tạo cho các doanh nghiệp từng bước trở lại thị trường một cách bền vững” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.
Muốn như vậy, việc quan trọng hàng đầu đối với nguồn nhân lực và đào tạo nhân lực là trang bị cho người lao động các kỹ năng cơ bản để thích ứng với nó.
Bộ trưởng chia sẻ, qua việc quan tâm đầu tư vào trang bị kỹ năng cho người lao động, các quốc gia có thể tăng trưởng thêm 2 % GDP.
Cơ hội để thay đổi
Phát biểu tại buổi lễ, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Tập đoàn FPT, thành viên Ban Giám khảo cuộc thi, cho biết: “Covid-19 có thể khiến hơn 50 % nhân lực trên thế giới mất việc làm và buộc chúng ta không thể tiếp xúc với nhau nhưng trước đây. Với sự thay đổi nhanh và toàn cầu, hầu hết không còn khái niệm xin việc mà nên đặt cho mình tâm thế tạo ra công ăn việc làm. Chính vì vậy, cuộc thi khởi nghiệp cho các bạn trẻ vào lúc này là rất phù hợp”.
“Thủ tướng Chính phủ đã chính thức phê duyệt đề án hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.
Với ý nghĩa như vậy, Bộ trưởng đánh giá cao ý nghĩa của cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp năm 2020. Qua đó tiến tới ngày hội khởi nghiệp quốc gia học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp.
Cũng tại buổi lễ, Bộ trưởng kỳ vọng các doanh nhân thành công sẽ hưởng ứng và nhiệt tình trong việc dẫn đường chỉ lối cho thanh niên, sinh viên.
Cuộc thi sáng tạo khởi nghiệp
Startup Kite là hoạt động nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và tự tạo việc làm của học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; kích thích óc sáng tạo, tư duy năng động, truyền nguồn cảm hứng kinh doanh; thúc đẩy việc ứng dụng kiến thức...
Cuộc thi sẽ được tổ chức thành 3 vòng: Vòng sơ tuyển, bán kết và vòng chung kết. Trong đó, vòng chung kết dự kiến diễn ra ngày 14-15/11/2020 tại TP Hồ Chí Minh. 24 thí sinh/đội thí sinh xuất sắc nhất sẽ thuyết phục, thương thuyết với nhà đầu tư để huy động vốn, đồng thời sẽ xử lý những tình huống do Ban giám khảo đưa ra.
Dự kiến, Lễ trao giải thưởng cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp” diễn ra vào ngày 15/11 tại TP.HCM trong khuôn khổ Ngày hội khởi nghiệp quốc gia học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp năm 2020.
Hoàng Mạnh