Lao động Việt Nam bỏ trốn tại Hàn Quốc:
Bỏ trốn nhiều, "lối vào" thị trường lao động Hàn Quốc càng hẹp
(Dân trí) - “Bản ghi nhớ Hợp tác lao động theo Chương trình EPS giữa Hàn Quốc và Việt Nam chỉ còn hơn 1 tháng nữa là kết thúc. Việc ký tiếp còn phụ thuộc vào việc giảm tỉ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn tại Hàn Quốc. Nhưng hiện nay, con số này vẫn còn hơn 34 %”.
Ông Choi Byung Gie, Giám đốc Trung tâm EPS Việt Nam thuộc Cơ quan phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc (HRD) tại Việt Nam trao đổi với PV Dân trí về nguy cơ "đóng cửa" thị trường lao động Hàn Quốc với lao động Việt Nam.
Là người theo dõi chương trình đưa lao động Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc nhiều năm, ông đánh giá gì về khả năng lao động Việt Nam có thể tiếp tục sang làm việc theo chương trình EPS?
- Việc quyết định tiếp tục hay dừng chương trình EPS hay không phải do Chính phủ 2 nước quyết định. Về góc độ cá nhân, tôi thực sự lo lắng về tình trạng lao động Việt Nam bỏ trốn tại Hàn Quốc hiện nay.
Việt Nam đang có khoảng gần 50.000 lao động làm việc tại Hàn Quốc theo ţhương trình EPS, trong đó hơn 16.600 lao động hết hạn hợp đồng và đang làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc.
Lao động Việt Nam bỏ trốn đứng đầu trong số 14 quốc gia có lao động làm việc tại Hàn Quốc. Đặc biệt, tỉ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn cao gấp đôi nước đứng thứ 2 có lao động làm việc tại Hàn Quốc.
Dù 2 bên có nỗ lực bao nhiêu nhưng ý thức của lao động Việt Nam bỏ trốn không thay đổi thì sẽ rất khó. Những lao động này có suy nghĩ cục bộ, chỉ nghĩ tới bản thân mình.
Việc họ bỏ trốn ở lại Hàn Quốc sẽ làm mất đi cơ hội việc làm của lao động Việt Nam khác tại quê nhà đang chờ xuất cảnh.Việc bỏ trốn của lao động Việt Nam có thể do nhu cầu tuyển dụng từ các doanh nghiệp Hàn Quốc rất lớn. Vậy, phía Hàn Quốc có thể kết hợp truy quét và yêu cầu giới chủ không tuyển dụng lao động bất hợp pháp cũng là nguyên nhân khiến tình trạng bỏ trốn giảm xuống, thưa ông?
- Giới chủ Hàn Quốc ưu thích những lao động Việt Nam đã làm việc một thời gian tại Hàn Quốc đều có tay nghề và ngoại ngữ. Đây là nguyên nhân khiến họ tuyển lao động này.
Về phía Hàn Quốc, chúng tôi đã tăng cường việc truy quét lao động bất hợp pháp và tuyên truyền tới giới chủ. Theo Luật Quản lý xuất nhập cảnh và Luật tuyển dụng lao động nước ngoài của Hàn Quốc, chủ sử dụng bị phát hiện sử dụng lao động bất hợp pháp sẽ bị phạt, cấm không được tuyển lao động nước ngoài.
Do phân cấp tại Hàn Quốc, việc quản lý lao động trong hợp đồng do Bộ Lao động và Việc làm thực hiện, còn lao động bất hợp pháp là do Bộ Tư pháp quản lý.
Chúng tôi ghi nhận phía Việt Nam đã làm nhiều biện pháp để giảm số lượng lao động bất hợp pháp như tuyên truyền tại địa phương những lao động bỏ trốn, áp dụng mức ký quỹ 100 triệu đồng/người đối với lao động sang làm việc tại Hàn Quốc, phạt tới 100 triệu đồng đối với lao động bỏ trốn. Tuy nhiên tỉ lệ giảm chưa nhiều.
Trong khi đó, tỉ lệ lao động bỏ trốn của các nước khác tại Hàn Quốc lại rất thấp. Đây là điều đáng suy nghĩ.
Theo tôi, việc sắp tới cần kết hợp biện pháp truy quét, tác động tới giới chủ. Đặc biệt, phía Việt Nam cần tăng cường thêm các biện pháp xử phạt hoặc cưỡng chế nhằm giảm tình trạng này.
Nhiều ý kiến cho rằng số lao động Việt Nam không về nước vì mức lương chênh lệch giữa thị trường Việt Nam và Hàn Quốc. Mặt khác, họ lo ngại khó tìm được công việc tương tự khi về nước. Ông nghĩ sao về điều này?
- Chúng tôi cũng ý thức vấn đề tạo việc làm bền vững cho lao động Việt Nam hồi hương và cách giảm tình trạng bỏ trốn, thông qua việc mở ra chương trình đào tạo nghề miễn phí.
Những lao động hồi hương sẽ được học nghề trong 1 tháng với nội dung sử dụng máy tính, kiến thức về quản lý chất lượng, tác phong làm việc công nghiệp, ngoại ngữ và được giới thiệu việc làm miễn phí tại 3.200 doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam.
Những vị trí họ có thể đảm nhiệm là phiên dịch, quản lý chất lượng, điều phối viên giữa chủ sử dụng và người lao động…
Chúng tôi đã đào tạo được 500 người, nếu số lượng đăng ký tăng, sẽ mở thêm. Tuy nhiên lao động Việt Nam dường như chưa biết nhiều đến các khóa học này nên số lượng học không nhiều.
- Xin cảm ơn ông
Hoàng Mạnh (thực hiện)