Cà Mau:
Bỏ phố về làng muối ba khía, vợ chồng 8X lãi hơn nửa tỷ đồng mỗi năm
(Dân trí) - Từ dân "tay ngang" không biết gì, sau 8 năm khởi nghiệp, vợ chồng anh Châu Ngọc Sang, ở tỉnh Cà Mau có cuộc sống sung túc nhờ nghề muối ba khía, lãi mỗi năm khoảng 600 triệu đồng.
Vốn có nơi ở và công việc ổn định tại trung tâm TP Cà Mau nhưng 8 năm trước, đôi vợ chồng 8X Châu Ngọc Sang và Nguyễn Hồng Đạm lại đánh liều "bỏ phố về làng" thực hiện giấc mơ khởi nghiệp từ con ba khía đặc sản.
Trước đó anh Sang là cán bộ nông nghiệp ở huyện. Trong một lần về thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau công tác, anh biết đến nghề muối ba khía của bà con địa phương. Khi được thưởng thức con ba khía trứ danh, chàng cán bộ trẻ đã lóe lên ý tưởng khởi nghiệp.
Chẳng phải dân cố cựu tại đất Rạch Gốc, cũng chẳng có "ngón nghề" muối ba khía cha truyền con nối nhưng với sự quyết tâm bền bỉ, vợ chồng anh Sang học nghề muối ba khía của bà con địa phương. Sau nhiều lần thất bại, đôi vợ chồng trẻ đã muối được thành công mẻ ba khía đầu tiên mời cho bạn bè, người thân để lấy ý kiến.
"Món ba khía muối được mọi người đánh giá cao, chồng tôi xin nghỉ việc ở cơ quan rồi cả nhà dọn về Rạch Gốc sinh sống để tiện cho việc thu mua ba khía. Sâu xa hơn, chúng tôi muốn gìn giữ và phát triển nghề muối ba khía truyền thống", chị Đạm cho biết.
Cũng theo chị Đạm, con ba khía Rạch Gốc từ lâu đã nổi danh cả nước về độ ngon. Do nguồn nước, phù sa, đặc biệt là thức ăn từ cây mắm, cây đước giúp con ba khía ở xứ sở này luôn trội hơn hẳn, thịt chắc, lớp gạch vàng ươm, béo ngậy, khác biệt hẳn so với ba khía Cái Nước, Đầm Dơi...
Sau khi có chỗ ở ổn định và mở vựa ba khía Châu Sang, hai vợ chồng bắt tay vào thu mua ba khía của người dân rồi chế biến thành ba khía muối và ba khía trộn.
Ba khía còn sống được rửa sạch, giữ không để bị gẫy chân, càng, ướp đá để ba khía tê liệt. Muối và nước được pha đến khi không thể khuấy tan được nữa mới bỏ ba khía vào ngâm. Thời gian muối từ 5 đến 7 ngày thì dùng được.
Ba khía muối có thể được dùng trực tiếp nhưng ngon nhất cần trộn thêm các gia vị khác như đường, chanh, tỏi, ớt...
Tuy là sản vật trời ban nhưng không phải lúc nào ba khía cũng có, chúng sinh sôi nhộn nhịp nhất vào tháng hội (tháng sáu đến tháng mười âm lịch), vì khoảng thời gian này trời hay mưa và trái mắm cũng bắt đầu rụng nên ba khía có nguồn thức ăn dồi dào.
"Vào mùa hội ba khía, mỗi ngày cơ sở của tôi có thể thu mua từ 1-2 tấn ba khía, còn nghịch mùa thì số lượng ít lắm, chỉ vài chục kg. Tuy nhiên sản lượng ba khía ngày càng giảm khiến ba khía muối thành phẩm cũng ít theo", chị Đạm nói thêm.
Sau 8 năm "giã từ ký lương", vợ chồng anh Sang đã thành công đưa con ba khía đến gần hơn với người tiêu dùng. Món ba khía muối của anh chị đã có mặt tại nhiều cửa hàng đặc sản, mỗi năm xuất bán 50-60 tấn ba khía, lãi 500-600 triệu đồng.