Đắk Lắk:
Bỏ phố thị về núi trồng dưa lưới, chàng kỹ sư thành công nhờ lối đi riêng
(Dân trí) - Sau khi tốt nghiệp, chàng kỹ sư trẻ Tạ Văn Rin đã tìm cho mình được công việc ưng ý ở thành phố. Tuy nhiên, anh đã quyết định về Tây Nguyên lập nghiệp, thử thách bản thân với mô hình dưa lưới hữu cơ.
Anh Tạ Văn Rin (phường Khánh Xuân, TP Buôn Ma Thuột) tốt nghiệp ĐH Nông lâm Hà Nội. Ra trường anh đi xin việc và được nhận công tác ở thành phố với công việc và mức lương ổn định.
Tuy vậy, anh Rin vẫn có khát khao được làm chủ bản thân, được quay về làm nông dân và ứng dụng những kiến thức đã học để phát triển mô hình nông nghiệp công nghệ cao.
Năm 2013, anh nghỉ hẳn công việc và đến tỉnh Bình Phước, TP HCM tham khảo mô hình trồng dưa lưới và anh quyết định đưa những giống dưa lưới chất lượng từ Nhật Bản, Thái Lan… mang về Tây Nguyên trồng.
Ban đầu anh Rin xây dựng khu nhà màng trên 2 sào đất trồng cỏ của gia đình để trồng dưa lưới. Khu nhà màng được trang bị hệ thống tưới nước nhỏ giọt và bộ cảm biến để kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm, cường độ ánh sáng… Mẻ dưa lưới thu hoạch đầu tiên cho những quả thịt chắc, giòn, ngọt và được người mua rất ưa chuộng.
Trước sự thành công bước đầu, anh Rin mạnh dạn triển khai thêm trên diện tích 6 sào, mỗi sào anh trồng khoảng 2.500 cây và anh tự ươm giống, tự trồng cây con để cung ứng cho những nhà vườn khác.
Theo anh Rin, Tây Nguyên là mảnh đất trù phú thích hợp cho rất nhiều loại cây công nghiệp, cây ăn quả. Nhưng nông dân thường canh tác theo thói quen dẫn đến đất vẫn còn tồn dư hóa học nên anh phát triển mô hình dưa lưới theo hướng hữu cơ, hạn chế hoặc không sử dụng hóa học trong quá trình trồng cây.
Với mong muốn tạo ra sản phẩm sạch, đảm bảo chất lượng đến tay khách hàng, anh đã giảm lượng phân bón hóa học bón mà thay vào đó nguồn phân hữu cơ (ủ từ đậu nành, mật mía, trứng gà...); sử dụng các loại thuốc sinh học để diệt trừ sâu bọ, côn trùng gây hại cho cây trồng.
"Thiên nhiên Tây Nguyên ưu đãi người nông dân với khí hậu ôn hòa, giúp cho dưa của chúng tôi đạt chất lượng tốt, rất ngon mà chi phí bỏ ra thấp hơn vùng miền khác. Dưa lưới là loại cây ngắn ngày, phát triển rất nhanh nên đòi hỏi người trồng phải am hiểu đặc tính sinh trưởng và thường xuyên theo dõi, kiểm tra để kịp thời bổ sung chất dinh dưỡng đúng thời điểm cho cây trồng", anh Rin chia sẻ.
Năng suất mỗi sào dưa lưới đạt khoảng 3 tấn (dưa sinh trưởng từ 60 - 90 ngày), mỗi năm canh tác từ 3 - 4 vụ mang lại tổng sản lượng trên 60 tấn dưa. Dưa được bán với giá từ 30 - 45 ngàn đồng/kg giúp anh Rin có lãi trên 600 triệu đồng/năm. Dưa lưới của anh Rin trọng lượng mỗi quả đạt từ 1- 1,8 kg đều đạt tiêu chuẩn VietGAP.
"Hiện tại dưa lưới là một mặt hàng rất "hot" thị trường tiêu thụ rất lớn. Do vậy, ngoài trồng dưa tôi còn mua dưa lưới ở các tình thành khác để cung ứng cho nhà thu mua", anh Rin nói thêm.
Để người tiêu dùng biết đến nhiều hơn và an tâm về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, anh Rin đã triển khai việc dán tem truy xuất nguồn gốc cho dưa lưới với thương hiệu DamSan Farm.
Rất nhiều người dân trong và ngoài tỉnh thường xuyên đến tham quan, tìm hiểu mô hình trồng dưa lưới của chàng kỹ sư nông nghiệp.
Hiện tại, anh Rin cũng đang tiến hành chuyển giao quy trình kỹ thuật, liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm với một số hộ nông dân với mong muốn thành lập mô hình hợp tác xã hay doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi để việc phát triển trồng dưa lưới được bền vững.