Bộ LĐ-TB&XH: Xử phạt gần 500 triệu đồng vi phạm xuất khẩu lao động
(Dân trí) - “Từ đầu năm 2018 đến nay, Bộ đã thanh tra 5 doanh nghiệp XKLĐ, tổng số tiền xử phạt là 490 triệu đồng. Trong năm 2016 và 2017, Bộ đã thanh - kiểm tra hơn 60 doanh nghiệp, thu hồi giấy phép và đình chỉ hoạt động của 11 doanh nghiệp, xử phạt 31 doanh nghiệp”.
Bộ LĐ-TB&XH vừa gửi báo cáo tới các đại biểu quốc hội, phục vụ cho Phiên trả lời chất vấn của của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung ngày 5/6.
Trong lĩnh vực xuất khẩu lao động (XKLĐ), thông qua công tác thanh tra doanh nghiệp XKLĐ những tháng đầu năm, Bộ LĐ-TB&XH đã phát hiện nhiều sai phạm.
Trong đó, sai phạm phổ biến nhất là việc thu phí đối với người lao động vượt quá mức quy định ở nhiều thị trường lao động, đặc biệt là thị trường Đài Loan.
Về số tiền xử phạt, từ đầu năm 2018 tới nay, Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành nhiều quyết định xử phạt với số tiền là 490 triệu đồng. Trong khi đó, tổng số tiền phạt từ năm 2016 đến hết năm 2017 là gần 4 tỷ đồng.
Giai đoạn 2016-2017, Bộ LĐ-TB&XH đã thu hồi giấy phép của 6 doanh nghiệp, chiếm 5,4 % trong tổng số 328 doanh nghiệp hiện đang hoạt động.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, thông qua việc thường xuyên thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động của các doanh nghiệp XKLĐ, Bộ kiên quyết thu hồi giấy phép hoạt động đối với những doanh nghiệp không đảm bảo duy trì điều kiện tối thiểu để được hoạt động theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, việc thu hồi giấy phép còn được áp dụng với những doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả, doanh nghiệp vi phạm với hậu quả lớn...
Nhằm tăng cường quản lý nhà nước về XKLĐ, Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành các quy định cụ thể về mức chi phí đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài, như: Phí môi giới, tiền dịch vụ, tiền ký quỹ.
Đồng thời, các thông tin cụ thể về chi phí đi làm việc theo các hợp đồng được Bộ thẩm định đã được đăng tải và cập nhật thường xuyên trên trang thông tin điện tử của Cục Quản lý lao động ngoài nước thuộc Bộ.
Cũng theo người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH, Bộ đang đẩy mạnh hợp tác quốc tế, xây dựng chính sách thông qua tăng cường xúc tiến trao đổi thông tin ở các cấp với cơ quan hữu quan của các nước tiếp nhận lao động.
Đồng thời chủ động đàm phán và ký kết các Thỏa thuận hợp tác lao động với những nước chưa ký Hiệp định/Bản Ghi nhớ về hợp tác lao động với Việt Nam.
Bộ cũng tăng cường xúc tiến quảng bá hình ảnh của lao động Việt Nam thông qua các chương trình hợp tác đang triển khai tốt và được các cơ quan truyền thông, dân chúng nước sở tại quan tâm và đánh giá cao như chương trình phái cử điều dưỡng viên, hộ lý Việt Nam đi làm việc tại Nhật Bản; điều dưỡng viên Việt Nam đi học tập và làm việc tại CHLB Đức.
Hơn 135.000 lao động tham gia XKLĐ
Năm 2017, cả nước đưa đi được gần 135.000 lao động, vượt 28,3% so với kế hoạch năm và bằng 106,7% so với tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2016. Đây là năm thứ tư liên tiếp số lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài vượt mức 100.000 lao động/năm.
Một số thị trường lao động có sự tăng trưởng vượt bậc, như: Nhật Bản với 54.500 lao động, Đài Loan gần 67.000 lao động...
Hoàng Mạnh