1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Cà Mau:

Đưa 1.000 lao động tham gia XKLĐ giai đoạn 2018-2020

(Dân trí) - Đề án đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2018 - 2020 của tỉnh Cà Mau sẽ tạo cơ hội việc làm cho nhiều lao động địa phương, trong đó có lực lượng sinh viên mới tốt nghiệp đại học.

Theo Đề án đưa người lao động tỉnh Cà Mau đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2018 - 2020 (gọi là Đề án) vừa được Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Thân Đức Hưởng ký ban hành, tỉnh Cà Mau phấn đấu đưa 1.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng.

Cụ thể, hàng năm tỉnh này sẽ đưa khoảng 340 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, ở các thị truờng: Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Đài Loan,... Trong đó, năm 2018, dự kiến có 100 lao động, năm 2019: 400 lao động, năm 2020: 500 lao động.

Tổng nhu cầu kinh phí thực hiện Đề án giai đoạn nói trên dự kiến là hơn 125 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương và địa phương.

Đề án đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài của tỉnh Cà Mau tạo cơ hội cho nhiều đối tượng chưa có việc làm. (Ảnh minh họa)
Đề án đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài của tỉnh Cà Mau tạo cơ hội cho nhiều đối tượng chưa có việc làm. (Ảnh minh họa)

Đối tượng đi làm việc là người lao động có hộ khẩu thường trú trên địa bàn tỉnh Cà Mau, như: Thân nhân của người có công với cách mạng; người dân tộc thiểu số; người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; người thuộc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp (đối tượng chính sách); người lao động là đối tượng khác có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (đối tượng không thuộc diện chính sách).

Ngoài ra, Đề án còn tạo cơ hội cho lực lượng sinh viên mới ra trường hiện nay chưa tìm được việc làm, để các em trải nghiệm và nâng cao trình độ, tay nghề, nâng cao nhận thức, tác phong làm việc công nghiệp, tạo ra thu nhập ổn định, có nguồn vốn nhất định để khởi nghiệp sau khi kết thúc hợp đồng lao động trở về nước.

Đề án yêu cầu, các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài thực hiện công tác đào tạo lao động cần chú trọng đào tạo cho người lao động đầy đủ những kỹ năng về tay nghề, ngôn ngữ và kỷ luật trong lao động, nhằm nâng cao ý thức của người lao động chấp hành nghiêm minh luật pháp nước sở tại, nơi người lao động đến làm việc.

Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra phải tiến hành thường xuyên kịp thời nhưng phải đảm bảo quyền tự chủ của doanh nghiệp nhằm phát huy những nhân tố tích cực; đồng thời có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, thiếu sót; tập trung thanh tra, kiểm tra những doanh nghiệp có nhiều phát sinh, sai phạm.

Theo Đề án này, tỉnh Cà Mau sẽ hỗ trợ chi phí đào tạo nghề nghiệp, đào tạo ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết, làm thủ tục để đi làm việc ở nước ngoài…, với mức bình quân tối đa không quá 13,8 triệu đồng/lao động.

Tỉnh cũng hỗ trợ cho người lao động vay 100% chi phí xuất cảnh (khoảng 110 triệu đồng/lao động), với lãi suất ưu đãi và quy định của Ngân hàng Nhà nước theo từng đối tượng.

Đề án cũng nêu rõ, tỉnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích người lao động về nước đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho mình và cho người khác, được vay vốn ưu đãi để tạo việc làm theo quy định của pháp luật; khuyến khích các doanh nghiệp ưu tiên tiếp nhận và tuyển dụng người lao động về nước vào làm việc.

Huỳnh Hải