Bộ LĐ-TB&XH “tuýt còi” quy định nghỉ việc của nhân viên hàng không trình độ cao
(Dân trí) - Liên quan tới quy định chấm dứt hợp đồng lao động của nhân viên hàng không trình độ cao được Bộ Giao thông vận tải ban hành, Bộ LĐ-TB&XH lo ngại quy định không phù hợp với Điều 36, 37 của Luật Lao động và Hiến pháp năm 2013.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp vừa ký công văn trả lời Bộ Tư pháp về việc đánh giá tính hợp pháp của Thông tư số 21/2017/TT-BGTVT của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Thông tư số 21/2017/TT-BGTVT ngày 30/06/2017 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01/2011/TT-BGTVT ngày 27/01/2011 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành bộ Quy chế An toàn hàng không dân dụng lĩnh vực tàu bay và khai thác tàu bay.
Trong đó, tại mục 3 Phụ lục X Thông tư số 21/2017/TT-BGTVT ngày 30/6/2017 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải có quy định:
“b. Chấm dứt hợp đồng lao động
1. Nhân viên hàng không trình độ cao có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn, nhưng phải thông báo bằng văn bản cho Người khai thác tàu bay, tổ chức bảo dưỡng tàu bay ít nhất 120 ngày trước ngày dự kiến chấm dứt hợp đồng để Người khai thác tàu bay lập kế hoạch duy trì hoạt động bảo đảm khai thác tàu bay theo kế hoạch bay đã được phê duyệt;
2. Việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động quy định tại điểm 1 khoản này nếu kết thúc vào tháng 6, tháng 7 của năm thì hợp đồng lao động sẽ kéo dài đến hết tháng 7 của năm đó. Trường hợp thời hạn kết thúc hợp đồng lao động vào tháng 1 hoặc tháng 2 của năm thì thời hạn hợp đồng lao động sẽ kéo dài đến hết tháng 2 của năm đó”
Nhận định về quy định trên, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho rằng không phù hợp với Bộ luật Lao động năm 2012 (Điều 36, Điều 37) và Hiến pháp năm 2013 (Khoản 2 Điều 14), cụ thể như sau:
Trong Công văn trả lời, Bộ LĐ-TB&XH đã nhấn mạnh: Trước đây, khi xây dựng Thông tư số 21/2017/TT-BGTVT, Bộ LĐ-TB&XH đã có Công văn số 2585/LĐTBXH-LĐTL ngày 03/7/2015, trong đó đã góp ý việc quy định thời hạn báo trước của dự thảo Thông tư (180 ngày) là không phù hợp với Điều 37 của Bộ luật Lao động năm 2012.
Theo quy định tại Điều 37 của Bộ luật Lao động năm 2012, thời hạn người lao động phải báo trước khi thực hiện đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động tùy thuộc vào loại hợp đồng lao động và căn cứ chấm dứt, bao gồm các loại thời hạn: ít nhất 3 ngày làm việc; ít nhất 30 ngày; ít nhất 45 ngày; hoặc được thực hiện theo thời hạn quy định tại Điều 156 Bộ luật Lao động.
“Do đó, việc quy định nhân viên hàng không trình độ cao phải báo trước ít nhất 120 ngày (quy định dài hơn số ngày phải báo trước theo Bộ luật Lao động) là không phù hợp với quy định tại Điều 37 của Bộ luật Lao động” - theo công văn trả lời của Bộ LĐ-TB&XH.
Ngoài ra, Điều 36 quy định về các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động, trong đó Khoản 9 Điều 36 quy định hợp đồng lao động sẽ chấm dứt nếu người lao động thực hiện đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đúng quy định tại Điều 37 của Bộ luật Lao động.
Cũng theo trả lời của Bộ LĐ-TB&XH, việc Khoản 2 điểm b mục 3 Phụ lục X của Thông tư 21/2017/TT-BLĐTBXH nêu trên quy định hợp đồng lao động bị kéo dài thêm từ 01 đến 02 tháng khi kết thúc thời hạn báo trước. Điều này là vi phạm các quy định về hợp đồng lao động: Quy định người lao động phải tiếp tục làm việc khi hợp đồng lao động đã chấm dứt.
Theo Hiến pháp năm 2013, việc hạn chế quyền của con người phải được quy định trong luật; nhưng Thông tư số 21/2017/TT-BGTVT đã có quy định hạn chế quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động, điều này là không phù hợp với Hiến pháp năm 2013.
Lưu ý tính thực tiễn của sự việc
Cũng trong Công văn trả lời, Bộ LĐ-TB&XH cũng thừa nhận tính chất đặc thù của ngành hàng không và để đảm bảo tính nghiêm ngặt về an toàn, an ninh hàng không (thuộc danh mục cấm đình công) và kế hoạch bay đã được duyệt, nhằm có thêm thời gian tuyển dụng các nhân viên hàng không trình độ cao ở Việt Nam (hiện đang thiếu hụt so với nhu cầu của các hãng hàng không), Bộ LĐ-TB&XH thấy rằng vấn đề này phải nghiên cứu và đánh giá tác động đầy đủ, thấu đáo đối với các ngành, nghề lao động có tính chất đặc thù và lấy ý kiến của chính người lao động là “Nhân viên hàng không trình độ cao”…
Đồng thời, Bộ LĐ-TB&XH cũng đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đổi Bộ luật Lao động, pháp luật cho phù hợp với thực tiễn.
Hoàng Mạnh