1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Bộ LĐTBXH trả lời chất vấn về rà soát, sắp xếp các trường nghề

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã có văn bản trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Phúc, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh về việc rà soát, sắp xếp quy hoạch lại các cơ sở đào tạo nghề, khả năng cân đối của quỹ BHXH, tuổi nghỉ hưu và những giải pháp để hạn chế tai nạn lao động.


Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Về rà soát, sắp xếp quy hoạch lại các cơ sở đào tạo nghề

Về tình trạng thất thoát, lãng phí trong việc thành lập, xây dựng cơ sở vật chất các trường dạy nghề và trong đào tạo nghề (thành lập trường nhưng không tuyển đủ học sinh, sinh viên, phải ngừng hoạt động; học sinh, sinh viên tốt nghiệp không có việc làm do không phù hợp với nhu cầu xã hội…)

Triển khai quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở dạy nghề, trong giai đoạn 2011-2015, cả nước đã thành lập mới 16 trường cao đẳng nghề và 19 trường trung cấp nghề. Đến nay cả nước có 190 trường cao đẳng nghề (gồm 142 trường công lập, 47 trường tư thục và 1 trường có vốn đầu tư nước ngoài); 280 trường trung cấp nghề (gồm 178 trường công lập, 102 trường tư thục); 997 trung tâm dạy nghề (gồm 653 trung tâm công lập, 343 trung tâm tư thục và 1 trung tâm có vốn đầu tư nước ngoài). Bằng nhiều giải pháp tích cực, chất lượng và hiệu quả công tác dạy nghề thời gian qua đã được nâng lên, từng bước đáp ứng nhu cầu nhân lực trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của nền kinh tế.

Tuy nhiên, qua quản lý và theo dõi, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhận thấy còn có tình trạng cơ sở dạy nghề được thành lập, đầu tư xây dựng nhưng không tuyển đủ học sinh, sinh viên, thậm chí có trường thành lập nhưng chưa thực hiện được việc tuyển sinh, gây lãng phí như đại biểu Quốc hội, dư luận và báo chí đã nêu, tập trung nhiều ở các trường tư thục.

Trong giai đoạn 2011-2015, cả nước có 14 trường cao đẳng nghề được thành lập nhưng chưa tuyển được học sinh học nghề trình độ cao đẳng nghề, trung cấp nghề (trong đó có 9 trường tư thục); có 3 trường cao đẳng nghề tư thục (trường Cao đẳng nghề Đại An, trường Cao đẳng nghề công nghệ LICOGI và trường Cao đẳng nghề Hàng hải Vinalines) thành lập từ năm 2008, 2010 và 2011 chưa đi vào hoạt động do khó khăn về kinh tế, chủ đầu tư không bố trí được nguồn lực đầu tư theo cam kết nêu trong dự án khi thành lập trường. Báo cáo kiểm toán chuyên đề Chương trình mục tiêu quốc gia Việc làm và Dạy nghề giai đoạn 2012-2013 cho thấy có 1 cơ quan Trung ương (Trung ương Hội Nông dân Việt Nam) và 9 tỉnh, thành phố (Nam Định, Ninh Bình, Quảng Nam, Bắc Giang, Đồng Tháp, Hòa Bình, Bắc Kạn, Nghệ An, Hà Nam) chưa xác định chính xác nhu cầu nên dẫn đến nhiều thiết bị đã mua sắm nhưng hiệu suất khai thác, sử dụng không có hiệu quả do không phù hợp với thực tế.

Về vấn đề này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ chỉ đạo kiểm tra cụ thể đối với các đơn vị nêu trên để cùng các Bộ, ngành, địa phương có phương án quản lý, khai thác và sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề đã được đầu tư.

Liên quan đến tình hình thực hiện rà soát, sắp xếp quy hoạch lại các cơ sở đào tạo nghề, nâng cao chất lượng đào tạo nghề và giải pháp trong thời gian tới, Chính phủ đã có báo cáo gửi tới Đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội XIII.

Về khả năng cân đối của quỹ bảo hiểm xã hội

Về thất thoát, lãng phí do không sử dụng lao động trong các cơ quan nhà nước, nam trên 60 tuổi, nữ trên 55 tuổi, có sức khỏe tốt, có kinh nghiệm, năng lực, trình độ chuyên môn cao, có thể tiếp tục đóng góp nhiều cho cơ quan, trong khi Quỹ Bảo hiểm xã hội có nguy cơ bị phá vỡ.

Thứ nhất, về mức độ thất thoát, lãng phí do không sử dụng cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan Nhà nước, nam trên 60 tuổi, nữ trên 55 tuổi, có sức khỏe tốt, có kinh nghiệm, năng lực, trình độ chuyên môn cao, có thể tiếp tục đóng góp nhiều cho cơ quan:

Chức năng quản lý nhà nước về cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền của Bộ Nội vụ, do đó, trân trọng đề nghị Đại biểu Quốc hội chuyển chất vấn tới Bộ Nội vụ để xem xét, trả lời theo thẩm quyền.

Thứ hai, về khả năng cân đối của quỹ bảo hiểm xã hội:

Trong quá trình xây dựng Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế, Bộ Tài chính và Bảo hiểm xã hội Việt Nam nghiên cứu, đánh giá khả năng cân đối của quỹ hưu trí và tử tuất. Kết quả nghiên cứu cho thấy quỹ hưu trí và tử tuất không đảm bảo khả năng cân đối trong tương lai. Để đảm bảo khả năng cân đối của quỹ, cần thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp về chính sách và tổ chức thực hiện như: Tuân thủ nguyên tắc mức hưởng tính trên cơ sở mức đóng, hiện đại hóa công tác quản lý bảo hiểm xã hội, nâng cao hiệu quả đầu tư quỹ…

Về vấn đề tuổi nghỉ hưu, Dự án Luật Bảo hiểm xã hội mà Chính phủ trình Quốc hội đã đề xuất nâng dần điều kiện về độ tuổi hưởng lương hưu của nam lên 62 tuổi, nữ lên 60 tuổi. Tuy nhiên, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 trong đó giữ nguyên quy định điều kiện về tuổi đời để hưởng lương hưu là nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi.

Về số tai nạn lao động, số người chết, bị thương và số thiệt hại về kinh tế

Theo số liệu thống kê, báo cáo của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tình hình tai nạn lao động và những thiệt hại kinh tế từ năm 2011 đến nay trong khu vực có quan hệ lao động xảy ra 29.493 vụ tai nạn lao động làm 2.714 người chết và 30.448 người bị thương. Thiệt hại về tài sản là 33 tỷ đồng, chi phí tiền thuốc men, mai táng, tiền bồi thường cho gia đình người chết và những người bị thương là 582 tỷ đồng (chi tiết theo bảng).

Bộ LĐTBXH trả lời chất vấn về rà soát, sắp xếp các trường nghề - 2

Những giải pháp để hạn chế tai nạn lao động

Triển khai nghiêm túc và có hiệu quả Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 18/9/2013 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về đẩy mạnh công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương, đặc biệt là sự tham gia chủ động, tích cực và có trách nhiệm của doanh nghiệp và người lao động.

Hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động, đặc biệt là trình Luật An toàn, vệ sinh lao động đã được Quốc hội thông qua vào ngày 25/6/2015, trong đó chú trọng đến cơ chế phòng ngừa, khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện các biện pháp cải thiện điều kiện lao động để kéo giảm tai nạn lao động, giảm mức đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh  nghề nghiệp.

-  Tăng cường chỉ đạo, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai các biện pháp an toàn, vệ sinh lao động; tổ chức đánh giá rút kinh nghiệm để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khắc phục tồn tại trong triển khai thực hiện chính sách, có biện pháp kiềm chế, ngăn chặn tai nạn lao động; chỉ đạo tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra an toàn, vệ sinh lao động đối với các lĩnh vực xảy ra nhiều tai nạn lao động, các lĩnh vực có nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn lao động như xây dựng, khai khoáng, các công trình trọng điểm.

- Triển khai Chương trình quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động giai đoạn 2011- 2015, trong đó tăng cường tập huấn, phổ biến kiến thức, pháp luật an toàn, vệ sinh lao động cho doanh nghiệp, người sử dụng lao động, người lao động; tổ chức đưa nội dung an toàn – vệ sinh lao động vào hệ thống giáo dục, đào tạo cho học sinh, sinh viên.

- Tổ chức tuần lễ quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động và phòng chống chảy nổ hàng năm, qua đó tuyên truyền, nâng cao ý thức về an toàn, vệ sinh lao động cho người sử dụng lao động, người lao động.

Theo Chinhphu.vn