Bộ LĐ-TB&XH: Thanh tra 5 doanh nghiệp XKLĐ tại Hà Nội và Hải Phòng
(Dân trí) - Hôm 2/3, Chánh Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH đã công bố quyết định thanh tra định kỳ 5 doanh nghiệp XKLĐ trong tháng 3/2017, gồm 3 doanh nghiệp tại Hà Nội và 2 doanh nghiệp tại Hải Phòng. Nội dung thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật về người lao động VN đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Theo đó, thời kỳ thanh tra sẽ bắt đầu từ ngày 1/1/2014 tới thời điểm thanh tra. Cũng theo quyết định, tại 5 doanh nghiệp được thanh tra, đoàn thanh tra có nhiệm vụ đánh giá việc thực hiện các quy định của pháp luật về người lao động VN đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại doanh nghiệp.
Ngoài ra, đoàn thanh tra có trách nhiệm phát hiện những vi phạm cần chấn chỉnh đồng thời kiến nghị cơ quan có thẩm quyền hoặc thực hiện các biện pháp xử lý những vi phạm pháp luật. Đồng thời có kiến nghị sửa đổi, bổ sung chính sách.
Các công ty trong danh sách thanh tra định kỳ, gồm: Công ty cổ phần xuất nhập khẩu than - Vinacomin; Công ty cổ phần thương mại, tư vấn đầu tư và xây dựng TMDS; Công ty Cổ phần quốc tế Nhật Minh; Công ty Cổ phần đầu tư và hợp tác quốc tế Thăng Long; công ty tránh nhiệm hữu hạn đầu tư xây dựng Hoàng Phát.
Trước đó, theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, chiều 28/2, Chánh Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Tiến Tùng đã ban hành quyết định số 63/QĐ-TTr về việc thanh tra đột xuất việc chấp hành các quy định của pháp luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại Công ty Cổ phần Phát triển nguồn lực và Dịch vụ dầu khí Việt Nam (viết tắt là Petromaning), có trụ sở tại Hà Nội.
Nội dung quyết định nêu rõ thời kỳ thanh tra các nội dung trên tại Công ty Petromaning sẽ bắt đầu từ ngày 1/1/2015 đến thời điểm thanh tra. Đoàn thanh tra bao gồm đại diện của Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH và thanh tra Cục Quản lý lao động ngoài nước.
Quyết định trên ban hành sau khi loạt bài trên Báo Dân trí nêu ra những dấu hiệu vi phạm quy định trong thực hiện pháp luật về người lao động đi làm việc ở nước ngoài của Công ty Petromaning.
Cũng trong ngày 2/3, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) đã làm thủ tục rút giấy phép hoạt động dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng của Tổng Công ty xây dựng giao thông số 8 (Cienco 8)
Trao đổi với PV Dân trí về các hoạt động chấn chỉnh trong lĩnh vực XKLĐ gần đây của Bộ LĐ-TB&XH, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: “Bộ LĐ-TB&XH luôn ủng hộ doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp xuất khẩu lao động nói riêng hoạt động để phát triển thị trường, tạo việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, những doanh nghiệp có hành vi sai trái và vi phạm pháp luật thì cần xử lý nghiêm để làm gương”.
Hội nghị về công tác xuất khẩu lao động năm 2017.
Ngày 8/3, tại Hà Nội, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tổ chức Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động. Đây là dịp để Bộ tiếp thu những kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, đồng thời cũng là dịp để chấn chỉnh và tạo sự thông thoáng hơn trong hoạt động XKLĐ.
Hoàng Mạnh