Bộ LĐ-TB&XH: Mạnh tay rút giấy phép với doanh nghiệp XKLĐ không hiệu quả
(Dân trí) - Theo Bộ LĐ-TB&XH, 44/282 doanh nghiệp xuất khẩu lao động đang hoạt động kém hiệu quả từ nhiều năm. Bên cạnh đó, tình trạng doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh, vi phạm pháp luật diễn ra không ít. Tới đây, Bộ LĐ-TB&XH đề ra giải pháp xử lý dứt điểm, gồm cả việc rút giấy phép.
Phát biểu tại Hội nghị về hoạt động theo nước ngoài theo hợp đồng do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức ngày 8/3 tại Hà Nội, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết, trong thời gian chờ Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài sửa đổi các quy định về cấp giấy phép, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tiến hành xử lý đối với các doanh nghiệp dịch vụ có vi phạm quy định của pháp luật và hoạt động kém hiệu quả theo lộ trình cụ thể.
Tăng thanh tra và rút giấy phép
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết, trong năm 2017, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục tổ chức các cuộc thanh tra chuyên đề tập trung vào việc tổ chức bộ máy hoạt động của doanh nghiệp, công tác tuyển chọn, bồi dưỡng kiến thức cần thiết và công tác thu phí.
Bộ sẽ kiên quyết xử lý các doanh nghiệp giao nhiệm vụ không đúng quy định của pháp luật, cụ thể: Tuyển chọn lao động thông qua cò mồi, không tổ chức bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động, thu phí vượt mức quy định theo đúng quy định của pháp luật hoặc thu tiền nhưng không đưa được người lao động đi, không bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, nhóm 1 gồm các doanh nghiệp đã có giấy phép hoạt động trên 3 năm, nhóm 2 gồm các doanh nghiệp đã có giấy phép hoạt động từ 1 - 3 năm, nhóm 3 gồm các doanh nghiệp đã có giấy phép hoạt động dưới 1 năm.
Ngoài ra, Bộ LĐ-TB&XH còn đẩy mạnh việc thực hiện kiểm tra sau cấp phép đối với các doanh nghiệp được cấp giấy phép trong năm 2015 và 2016 nhằm bảo đảm việc các doanh nghiệp dịch vụ phải duy trì các điều kiện hoạt động theo đúng quy định của pháp luật.
Trường hợp, phát hiện các doanh nghiệp không duy trì việc đáp ứng các điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật, Bộ sẽ kiên quyết thu hồi giấy phép hoạt động của các doanh nghiệp này.
Lộ trình xử lý các doanh nghiệp hoạt động kém
Theo Bộ LĐ-TB&XH, trường hợp các doanh nghiệp thuộc nhóm 1 không đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài trong 5 năm trở lại đây: Theo quy định của Luật, doanh nghiệp sẽ bị thu hồi giấy phép nếu trong 12 tháng kể từ khi được cấp phép không đưa được lao động đi làm việc ở nước ngoài. Tuy nhiên, với các doanh nghiệp mà 5 năm gần đây không đưa được lao động, điều này thể hiện các doanh nghiệp không có đầu tư để duy trì hoạt động này.
Bộ sẽ giao Cục Quản lý lao động ngoài nước tổ chức kiểm tra về việc duy trì các điều kiện và đề xuất rút giấy phép của các doanh nghiệp này nếu không bảo đảm điều kiện hoặc hoạt động không có hiệu quả.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, nhóm 1 có 8 doanh nghiệp không đưa được lao động đi làm việc ở nước ngoài trong 3 năm trở lại đây; nhóm 2 có 5 doanh nghiệp không đưa được lao động đi làm việc ở nước ngoài kể từ khi được cấp giấy phép cho đến nay; nhóm 3 có 31 doanh nghiệp chưa đưa được lao động đi làm việc ở nước ngoài kể từ khi được cấp giấy phép cho đến nay.
Trường hợp các doanh nghiệp thuộc nhóm 2 không đưa được lao động đi làm việc ở nước ngoài kể từ khi được cấp giấy phép: Bộ giao Cục Quản lý lao động ngoài nước làm thủ tục báo cáo Bộ để thu hồi giấy phép đối với các doanh nghiệp đã hết thời hạn 1 năm mà không đưa được người lao động đi làm việc ở nước ngoài và không chứng minh được có hợp đồng khả thi.
Trường hợp với các doanh nghiệp thuộc nhóm 3 chưa đưa được lao động đi làm việc ở nước ngoài kể từ khi được cấp giấy phép cho đến nay. Do Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài cho phép các doanh nghiệp có 12 tháng để ổn định tổ chức bộ máy và triển khai đưa lao động đi.
Bộ đề xuất sau 12 tháng kể từ ngày được cấp giấy phép mà doanh nghiệp không đưa được lao động đi làm việc ở nước ngoài sẽ bị thu hồi giấy phép (Điểm C Khoản 2 Điều 15).
Theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, Bộ yêu cầu Cục Quản lý lao động ngoài nước rà soát, nhắc nhở doanh nghiệp và cập nhật số liệu lao động đưa đi của các doanh nghiệp trong nhóm này.
Trường hợp sau 12 tháng kể từ khi được cấp giấy phép mà không đưa được lao động đi, Bộ sẽ thu hồi giấy phép của những doanh nghiệp này.
Rút giấy phép xuất khẩu lao động của Cienco 8
Ngày 3/3, Bộ LĐ-TB&XH đã rút giấy phép dịch vụ hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng của Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 8 (Cienco 8). Qua kiểm tra Cienco 8, cho thấy: Công ty không có bộ phận theo dõi, quản lý lao động ngoài nước, không có trung tâm hoặc phòng nghiệp vụ xuất khẩu lao động; bộ máy chuyên trách bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài không đảm bảo quy định (chưa có bộ phận đào tạo, quản lý học viên)…
Hoàng Mạnh