Bộ đội xuất ngũ: Thiếu định hướng sẽ tìm việc, học nghề không phù hợp

(Dân trí) - “Bộ đội xuất ngũ thường thiếu kỹ năng tìm kiếm thông tin phù hợp về việc làm, học nghề. Trong khi đó, họ có thế mạnh về thể lực, được rèn luyện và tính kỷ luật cao. Nếu được định hướng tốt, họ sẽ có nhiều cơ hội việc làm phù hợp và bền vững”.

Bộ đội xuất ngũ: Thiếu định hướng sẽ khó trong học nghề và tìm việc làm

Ông Nguyễn Toàn Phong, GĐ Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội, đánh giá về cơ hội việc làm cho bộ đội xuất ngũ tại Phiên Giao dịch việc làm dành cho đối tượng này được tổ chức hôm 31/1 tại Hà Nội.

Nhiều thế mạnh

Phiên giao dịch việc làm dành cho bộ đội xuất ngũ thu hút 37 doanh nghiệp, trường nghề tại Hà Nội tham gia với hơn 1.000 chỉ tiêu tuyển dụng, học nghề. Trong đó, nhiều vị trí tuyển lao động vừa học vừa làm việc hoặc xuất khẩu lao động. Doanh nghiệp tuyển dụng kỳ vọng tận dụng thế mạnh của bộ đội xuất ngũ nhằm nâng chất đội ngũ nhân sự trong công ty.

Công ty Hồng Bích (Gia Lâm, Hà Nội) tuyển dụng 30 lao động có tay nghề hoặc phổ thông tại Phiên GDVL, mức lương khởi điểm từ 4000.000 - 7.000.000 đồng/tháng và tiền ăn trưa.

Giải thích lý do tập trung tuyển bộ đội xuất ngũ, ông Vũ Ngọc Khanh - Giám đốc công ty - cho rằng về cơ bản đối tượng này có sức khỏe và được rèn luyện.

“Chỉ với 1 chi tiết nhỏ, nhờ tính kỷ luật được rèn giũa trong quân đội, hy vọng họ sẽ là những lao động luôn đi làm đúng giờ, giúp quy trình sản xuất đúng nhịp độ và doanh nghiệp bớt thiệt hại kinh tế. Đây đã là điểm hơn hẳn nhiều lao động trẻ khác rồi” - ông Vũ Ngọc Khanh nói.

Ông Nguyễn Toàn Phong - GĐ TT GTVL Hà Nội.
Ông Nguyễn Toàn Phong - GĐ TT GTVL Hà Nội.

Nhận xét này chứng tỏ doanh nghiệp - với tư cách người đi “mua hàng” - đã có sự thẩm định rạch ròi chất lượng ứng viên.

Không chỉ có doanh nghiệp tuyển dụng, nhiều doanh nghiệp đào tạo cũng kỳ vọng nhân lực đã trải qua quân đội là nguồn đối tượng học nghề vì khả năng tuân thủ kỷ luật và nền tảng ý thức tốt.

Định hướng học nghề gì, làm việc gì

Nhà tuyển dụng khá tinh tường nhưng nhiều bạn trẻ mới xuất ngũ lại bỡ ngỡ với chính việc chọn nghề trong thị trường việc làm. Bạn Vũ Văn Định (Bình Lục, Hà Nam) mới xuất ngũ 2 tháng đang học thêm nghề sửa chữa điện thoại di động.

Tuy nhiên, Vũ Văn Định chưa dám tự tin con đường học nghề này liệu đã thực sự phù hợp với nhu cầu thị trường hay chưa. “Mấy năm trước, tôi thấy một số anh cùng quê đi học nghề này thì cũng học theo còn việc làm sau đó tính sau”.

Với ứng viên Lê Thanh Bằng (quê ở Liên Hà, Đông Anh, Hà Nội) câu chuyện chọn nghề đã có tới 5-6 năm. Lê Thanh Bằng xuất ngũ từ năm 2009. Đến với Phiên GDVL này, anh hy vọng tìm được 1 vị trí công nhân với mức lương khoảng 5-7 triệu đồng/tháng tại KCN nào đó ở gần nhà.

Theo ông Nguyễn Quốc Khánh - Phó GĐ Sở LĐ-TB&XH Hà Nội: Trong định hướng phát triển thị trường lao động 5 năm tới, Hà Nội sẽ chú trọng tăng tần suất tổ chức các Phiên GDVL định kỳ và chuyên đề, tăng cường các Phiên GDVL lưu động, tổ chức các điểm GDVL vệ tinh tại các quận, huyện.



Trong khi đó, suốt thời gian dài qua, Bằng chỉ đi làm bảo vệ và một số công việc tự do. Nhận xét những khó khăn trong tìm việc, Lê Thanh Bằng thừa nhận thanh niên là bộ đội xuất ngũ thường thiếu kỹ năng tìm kiếm thông tin phù hợp.

“Nếu không được chỉ dẫn và định hướng, bạn sẽ mất nhiều thời gian và khó khăn trong việc xác định công việc phù hợp. Phần lớn bạn trẻ sẽ chỉ lựa chọn nghề bảo vệ vì phù hợp với nhiều đặc thù từng có trong thời kỳ quân ngũ” - Lê Thanh Bằng bộc bạch từ bài học của mình.

Thiếu định hướng trong việc chọn học nghề gì, sẽ làm công việc gì đang được nhiều nhà đào tạo tập trung giải quyết.

Trung tá Bùi Vĩnh Nam - Giám đốc Trung tâm tư vấn và tuyển sinh thuộc Trường Trung cấp nghề số 10 (Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội) - thừa nhận thực tế, bộ đội xuất ngũ có khó khăn hơn trong việc tìm kiếm thông tin việc làm phù hợp. Ngay cả trong học nghề, nếu bạn trẻ chưa ý thức rõ ràng và lơ là bỏ học thì hiệu quả tìm việc sẽ không cao.
Đại tá Đặng Minh Quang,
hiệu trưởng trường Trung cấp nghề số 10
Đại tá Đặng Minh Quang, hiệu trưởng trường Trung cấp nghề số 10

“Chính vì vậy, những Phiên GDVL chuyên đề này là cơ hội rất tốt để ứng viên và các doanh nghiệp tiếp cận nhau. Bộ đội xuất ngũ được tư vấn nghề nghiệp miễn phí, lựa chọn những thông tin việc làm chính xác và cập nhật” - trung tá Bù Vĩnh Nam nói.

Theo đại tá Đặng Minh Quang, hiệu trưởng trường Trung cấp nghề số 10, xác định điểm yếu này, nhà trường đã chủ động tổ chức nhiều buổi định hướng nghề nghiệp, cử cán bộ tới các đơn vị chủ lực trong quân đội để tư vấn giới thiệu cho các bộ đội về cơ hội học nghề.

“Trong quá trình đào tạo, nhà trường đã tăng cường việc kết hợp với thực hành và tham quan cho học viên tại các doanh nghiệp và khu công nghiệp. Qua đó giúp các bạn có thêm kiến thức và hiểu biết nghề nghiệp. Đây là cách hiệu quả giúp học viên ra trường có việc làm bền vững” - đại tá Đặng Minh Quang cho biết.

Hoàng Mạnh