Bỏ bao cấp biên chế nhà nước: Nên hay không?
Việc tinh giản biên chế là cần thiết nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; chấn chỉnh tiêu cực trong hoạt động tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức; xây dựng một nền hành chính văn minh, hiện đại, vì dân phục vụ. Tuy nhiên, về lâu dài không nên bao cấp biên chế suốt đời đối với cán bộ, công chức
Ngày 20.11.2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 108/2014/NĐ-CP về các chính sách tinh giản biên chế. Theo đó, từng cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập phải xây dựng kế hoạch tinh giản biên chế trong 7 năm (2015-2021), từng năm trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để tổ chức thực hiện.
Trong đó phải xác định tỷ lệ tinh giản biên chế đến năm 2021 tối thiểu là 10% biên chế của bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị-xã hội.
Việc tinh giản biên chế là cần thiết nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; chấn chỉnh tiêu cực trong hoạt động tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức; xây dựng một nền hành chính văn minh, hiện đại, vì dân phục vụ. Tuy nhiên, về lâu dài không nên bao cấp biên chế suốt đời đối với cán bộ, công chức, vì các lý do sau:
Thứ nhất, việc duy trì biên chế trong các cơ quan nhà nước hiện nay không phát huy được hết khả năng làm việc của cán bộ, công chức; tư duy quản lý “sống lâu lên lão làng”, “tre già măng mọc” không phù hợp với sự cạnh của cơ chế thị trường. Khi tổ chức khen thưởng thường khen từ lãnh đạo trở xuống mà khi xử lý kỷ luật thì xem xét kỷ luật từ dưới lên trên, dẫn đến nhiều cán bộ, công chức luôn giữ mình “nói ít, làm ít”, “không làm không sai” đã tạo nên sức ì đối với nền hành chính.
Thứ hai, khi vào biên chế nhà nước, nhiều cán bộ, công chức hạn chế về tư duy sáng tạo trong công tác chuyên môn. Bởi vì, dù có sáng tạo đi chăng nữa nhưng mức lương thì vẫn y nguyên, đủ năm đủ tháng mới được tăng lương nên ít khi hiến kế đối với thủ trưởng cơ quan, đơn vị.
Do đó, nhiều cơ quan, đơn vị ít có sự đổi mới trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao. Mặt khác, tình trạng cán bộ, công chức lãng phí thời giờ làm việc, làm việc riêng trong giờ hành chính đang xảy ra phổ biến nhưng chưa có giải pháp khắc phục, ít khi thấy cán bộ, công chức bị xử lý kỷ luật vì “ăn cắp thời gian” của nhà nước.
Thứ ba, duy trì biên chế nhà nước phát sinh rất nhiều tiêu cực trong hoạt động tuyển dụng cán bộ, công chức như chạy biên chế mà báo chí đã phanh phui thời gian qua. Để có suất biên chế nhà nước phải đi nhiều “cửa” mới có thể vào được biên chế; việc thi cử để tuyển dụng có thể là hình thức, hợp thức hóa các hồ sơ đã định sẵn.
Bên cạnh đó, vì muốn vào biên chế nhà nước mà nhiều gia đình phải vay mượn, bỏ tiền cho các đối tượng “cò” biên chế, rơi vào tay các đối tượng lừa đảo dẫn đến tiền mất, tật mang đang xảy ra và có chiều hướng gia tăng.
Thứ tư, việc duy trì biên chế nhà nước khó có thể thu hút nhân tài vào làm việc trong cơ quan nhà nước. Như đã phân tích ở trên, khi nhân tài vào cơ quan nhà nước làm việc, dù muốn hay không cũng phải vượt qua rào cản biến chế nhà nước mới có thể bố trí, bổ nhiệm nhân tài vào vị trí công tác lãnh đạo để phát huy khả năng của mình.
Tuy nhiên, việc tham gia thi tuyển chưa hẳn người có tài đã trúng tuyển vào biên chế nhà nước trừ khi áp dụng cơ chế đặc cách xét tuyển người tài vào làm việc trong cơ quan nhà nước, cùng với mức lương được hưởng tương xứng với tài năng của họ. Việc thu hút nhân tài hiện nay chỉ dừng lại ở lĩnh vực khoa học, đối với việc thu hút nhân tài vào làm việc trong các cơ quan hành chính nhà nước thì gặp rất nhiều khó khăn.
Thứ năm, việc duy trì biên chế và chính sách tiền lương như hiện nay, thì trong tương lai không xa, tình trạng cán bộ, công chức giỏi bỏ cơ quan nhà nước để làm việc cho các doanh nghiệp sẽ diễn ra phổ biến.
Và thực tế, tình trạng cán bộ, công chức giỏi được cơ quan nhà nước cử đi đào tạo ở nước ngoài đã tự ý bỏ việc để làm việc cho các công ty, tập đoàn kinh tế lớn với mức thu nhập “khủng” gấp 5 hoặc 6 lần mức lương do nhà nước trả và sẵn sàng bồi hoàn khoản tiền chi phí đào tạo cho nhà nước – đó là hiện tượng “chảy máu chất xám” mà theo tôi lý do một phần cũng xuất phát từ tình trạng bao cấp biên chế hiện nay.
Chính vì vậy, để khắc phục tình trạng bất cập nêu trên, giúp bộ máy nhà nước ngày càng năng động, đáp ứng nhu cầu quản lý xã hội trong tình hình mới, cần thiết phải xem xét lại tình trạng bao cấp biên chế như hiện nay và chuyển đổi tư duy quản lý cán bộ, công chức thành quản lý người lao động.
Đồng thời, cùng với đổi mới về chính sách tiền lương, chắn chắc trong tương lai không xa chúng ta sẽ có đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước có trình độ, năng lực, đặc biệt là thu hút nhân tài trong và ngoài nước vào cơ quan nhà nước làm việc, góp phần đắc lực cho công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.
Theo Gia Minh/Báo Lao động