“Tinh giản biên chế phải buộc tổ chức, cá nhân tuân thủ vô điều kiện“

Nên khoán biên chế phổ biến, giao nhiệm vụ giảm biên chế cho người đứng đầu, luật hoá để tổ chức, cá nhân buộc phải tuân thủ một cách vô điều kiện.

Ông Bùi Đức Thụ, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu cho rằng, để không tăng thêm biên chế theo thì nên áp dụng khoán biên chế một cách phổ biến và có kiểm tra giám sát để hạn chế việc tăng biên chế.

Không chỉ có quyết tâm chính trị mà phải được thể chế hóa thành pháp luật để trên cơ sở đó các tổ chức cá nhân buộc phải tuân thủ một cách vô điều kiện và coi đó là một trong những tiêu chí để đánh giá nhiệm vụ hoàn thành của người lãnh đạo, đứng đầu cơ quan tổ chức.

“Tinh giản biên chế phải buộc tổ chức, cá nhân tuân thủ vô điều kiện“ - 1
Đại biểu Quốc hội Bùi Đức Thụ

PV: Chúng ta nói nhiều về tinh giản biên chế nhưng thực tế bộ máy vẫn “phình” ra. Đây cũng là nhiệm vụ cần đặt ra mạnh mẽ cho Chính phủ nhiệm kỳ tới, thưa ông?

Đại biểu Bùi Đức Thụ: Trong bối cảnh cân đối ngân sách trong những năm vừa qua, kể cả những năm tới tôi cho rằng hết sức khó khăn. Nếu không giảm được bội chi, nợ công sẽ vượt trần và đe dọa đến an ninh tài chính quốc gia.

Hơn lúc nào hết, trong nhiệm kỳ tới phải tăng cường kỉ luật tài chính, thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt. Theo đó, một trong những vấn đề lớn đặt lên là cơ cấu lại ngân sách nhà nước, giảm tỉ trọng chi thường xuyên để tăng chi cho đầu tư phát triển.

Để giảm được bội chi thường xuyên trong những năm qua Quốc hội cũng ra nhiều nghị quyết để tăng cường tiết kiệm, giảm chi tiêu công, nhất là chi cho quản lý hành chính nhà nước. Nhưng trên thực tế, số lượng biên chế của công chức, viên chức vẫn tăng nên tỉ trọng chi cho con người chiếm phần lớn. Do đó, mục tiêu cơ cấu lại ngân sách, giảm chi tiêu thường xuyên chưa đạt được yêu cầu mong muốn.

Để làm được điều đó, cần tập trung vào vấn đề tinh giản biên chế. Để được tinh giản biên chế, đòi hỏi Chính phủ phải sắp xếp bộ máy quản lý hành chính nhà nước. Những tổ chức, đơn vị nào đang làm nhiệm vụ trùng nhau nên sáp nhập lại, với vị trí việc làm nên rà soát trên tinh thần áp dụng khoa học công nghệ, kĩ thuật, tin học, năng suất và trình độ người lao động tăng lên. Với nhiệm vụ tăng trưởng như hiện nay, dứt khoát tăng trưởng số lượng biên chế không thể đồng nhịp mà phải thấp hơn.

Để không tăng thêm biên chế theo tôi nên áp dụng khoán biên chế một cách phổ biến và có kiểm tra giám sát để hạn chế việc tăng biên chế. Trên tinh thần biên chế không tăng, tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy, chức năng nhiệm vụ, giao nhiệm vụ cho người đứng đầu phải có lộ trình giảm biên chế xuống.

Tôi cho không chỉ có quyết tâm chính trị mà phải được thể chế hóa thành pháp luật. Trên cơ sở đó các tổ chức cá nhân buộc phải tuân thủ một cách vô điều kiện và coi đó là một trong những tiêu chí để đánh giá nhiệm vụ hoàn thành của người lãnh đạo, đứng đầu cơ quan tổ chức.

PV: Như ông vừa nói, để giảm biên chế cần thực hiện áp dụng khoán biên chế phổ biến, vậy thực hiện việc này như thế nào?

Đại biểu Bùi Đức Thụ: Thực tế, khoán biên chế chúng ta đã làm thí điểm ở một số nơi như thuế, hải quan, kho bạc… Ủy ban thường vụ Quốc hội đã có cơ chế để lại nguồn kinh phí với phí hải quan tính theo tỉ lệ thu. Chính việc khoán kinh phí thì các tổ chức cá nhân muốn nâng cao mức sống, thu nhập cho từng cán bộ công chức trong tổ chức mình thì phải tự cân đối, giảm bộ máy. Do vậy, nhờ kinh phí khoán biên chế nên hoạt động của các ngành này đã đạt được những hiệu quả nhất định.

PV: Theo ông có nên áp dụng khoán biên chế đối với cấp xã, phường?

Đại biểu Bùi Đức Thụ: Biên chế công chức, viên chức của cấp cơ sở trong năm qua tăng rất nhiều. Nếu chỉ tăng một định suất biên chế cấp xã, thì đất nước ta tăng trên 10.500 người. Theo tôi, nên khoán kinh phí hoạt động kể cả với cấp xã, phường để chặn tăng quá mức chi cho con người.

Trên tinh thần ổn định biên chế như vậy, chúng ta tính được bước thứ hai theo hướng sáp nhập, tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế. Từ đó, vừa giảm được tỉ trọng tổng chi thường xuyên vừa giảm biên chế, tăng được thu nhập cho từng cán bộ công chức ở từng vị trí công việc.

PV: Theo ông, đâu là giải pháp căn cơ để tinh giản công chức, viên chức hiệu quả nhất?

Đại biểu Bùi Đức Thụ: Theo tôi chúng ta phải thay đổi phương pháp quản lý. Một mặt, trang bị hiện đại hóa ngành, máy móc thay thế cho con người. Thứ hai, trình độ cán bộ công chức tăng lên, năng suất lao động tăng lên thì số lượng người phải giảm đi.

Vấn đề mấu chốt hiện nay, với điều kiện kĩ thuật hiện đại, phương pháp quản lý hiện đại như chúng ta đang có hiện nay thì xác định vị trí việc làm như thế nào. Trên tinh thần vị trí việc làm, số lượng biên chế công chức, viên chức phải giảm.

Trong những năm qua số công chức tăng nhưng không phải là lớn mà tốc độ tăng viên chức nhà nước mới là chủ yếu. Tôi cho rằng một trong những lý do đó là thẩm quyền giao chỉ tiêu viên chức phân cấp cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.

Muốn quản lý việc này thì Chính phủ phải kiểm soát và duyệt chỉ tiêu cho cấp tỉnh. Bên cạnh đó, rà soát bộ máy viên chức, đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ công, những gì nhà nước cần giữ thì xác định rõ biên chế, số còn lại kiên quyết chuyển sang doanh nghiệp công ích, hoạt động theo cơ chế tự chủ và Nhà nước chỉ quản lý về cơ chế để giảm gánh nặng, nghĩa vụ ngân sách nhà nước lo lương, chế độ chính sách cho các đối tượng.

Tôi cho rằng, cần làm tốt cơ cấu lại lĩnh vực viên chức theo hướng chuyển sang đơn vị dịch vụ công là số viên chức sẽ giảm đi rất nhiều.

PV: Xin cảm ơn ông./.

Theo Ngọc Thành/VOV.VN