1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Bình Dương: Năm 2018, 97% lao động thất nghiệp được tư vấn, giới thiệu việc làm

(Dân trí) - Năm 2018, tỉnh Bình Dương có 73.281 lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng TCTN, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm trước. Số lao động thất nghiệp được tư vấn giới thiệu việc làm là 69.240 chiếm 97% tổng số lao động được hưởng BHTN. Lao động được hỗ trợ học nghề là 3.650 người (tăng 16,9% so với cùng kỳ năm ngoái)

Số lao động được thụ hưởng chỉnh sách tăng

Theo lãnh đạo TT DVVL tỉnh Bình Dương (Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương), khoảng 97% số người lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng đã được TT ban hành quyết định hưởng. Số người có quyết định hưởng là 71.346, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước.

TT DVVL tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ lao động tiếp cận với chính sách BHTN.

Bình Dương: Năm 2018, 97% lao động thất nghiệp được tư vấn, giới thiệu việc làm - 1

Cũng theo TT DVVL tỉnh, điểm đặc thù trong các đối tượng hưởng BHTN tại Bình Dương là: Nhóm người lao động ở độ tuổi từ 30 - 40 tuổi tham gia và hưởng trợ cấp thất nghiệp chiếm tỷ lệ cao nhất.

Trước thực tế này, Trung tâm đã tăng cường tư vấn chế độ hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, tư vấn học nghề mới phù hợp với độ tuổi, giới tính, sức khỏe của người lao động.

Đồng thời, cán bộ tư vấn tập trung tư vấn các nghề phù hợp với lứa tuổi để người lao động chủ động trong lựa chọn nghề nghiệp, làm chủ nghề nghiệp như: Đi xuất khẩu lao động, học nghề pha chế, làm bánh, đầu bếp, trang điểm.

Trung tâm cũng tăng cường công tác liên kết với các trường nghề, cơ sở đào tạo để đào tạo nghề cho lao động thất nghiệp và để người lao động có thêm nhiều sự lựa chọn ngành nghề.

Cũng trong năm 2018, Trung tâm đã triển khai mô hình mới trong công tác chi trả hồ sơ BHTN, nhằm hỗ trợ người lao động tiếp cận cụ thể hơn với chính sách. Theo đó, trung tâm đã rút ngắn thời gian từ 20 ngày xuống còn 8 ngày đối với một số trường hợp đặc thù mà không có quy định cụ thể tại các văn bản quy phạm pháp luật về BHTN.

Tăng cường giới thiệu việc làm, học nghề

 Năm 2018, TT DVVL tỉnh Bình Dương xác định nhiệm vụ trọng tâm là hướng đến tư vấn GTVL chuyên sâu cho đối tượng hưởng BHTN. Vì vậy, TT đã tổ chức thêm sàn GDVL vào ngày thứ hai hàng tuần. Đây là những ngày tập trung nhiều người lao động hưởng BHTN chưa có việc làm đến TT rất đông, nhiều nhất trong tuần.

Bình Dương: Năm 2018, 97% lao động thất nghiệp được tư vấn, giới thiệu việc làm - 2

Ảnh minh hoạ

Nhằm kết nối thông tin trực tiếp giữa doanh nghiệp và người lao động, tạo điều kiện cho người lao động và doanh nghiệp có cơ hội trực tiếp gặp gỡ, tiếp nhận hồ sơ và tuyển dụng người lao động.

Đặc biệt người lao động đang hưởng TCTN có nhu cầu tìm kiếm việc làm được tiếp cận nhanh chóng, dễ dàng hơn với thông tin tuyển dụng của doanh nghiệp. Ngoài việc tổ chức tại trụ sở chính, TT còn tổ chức tại 3 chi nhánh để người lao động tại tất cả các địa phương trong tỉnh đều có thể tham gia sàn.

Cũng qua khảo sát, TT nắm được nhu cầu học nghề thuộc đối tượng hưởng bảo hiểm thất nghiệp ngày càng tăng với 68,5%. Vì vậy, TT tăng cường liên kết với các cơ sở đào tạo nghề để dạy nghề cho đối tượng BHTN. Khi tham gia các lớp đào tạo, người lao động thuộc đối tượng BHTN đều được hỗ trợ tối đa học phí.

Bên cạnh đó, TT vẫn tiếp tục thực hiện sàn GDVL online tại chỗ và kết nối với các tỉnh khác để tổ chức các sàn. Mặt khác tiến hành kết hợp với Trung tâm lao động ngoài nước tổ chức sàn online chủ yếu dành cho các đối tượng lao động đã tham gia XKLĐ Hàn Quốc, Nhật Bản về nước.

Theo lãnh đạo TT DVVL tỉnh Bình Dương, điều quan trọng trong công tác tư vấn GTVL và tăng cường tổ chức Phiên GDVL cho đối tượng BHTN là xóa bỏ suy nghĩ lối mòn, thay đổi cách nhìn nhận của người lao động thất nghiệp đến Trung tâm chỉ để nhận trợ cấp thất nghiệp. Trong khi đó, người lao động có thể thụ hưởng nhiều chính sách tư vấn giới thiệu việc làm, học nghề phù hợp. Qua đó, người lao động sớm quay trở lại thị trường lao động.

Lam Hạ