Biên chế càng bóp càng phình

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương có 46 nhân sự, trong đó có 44 người là lãnh đạo; Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa thừa tới 8 Phó Giám đốc… Đó chỉ là hai trong số rất nhiều trường hợp lạm phát lãnh đạo ở nhiều địa phương, bộ, ngành được nêu lên từ năm ngoái.

Đây cũng là nét chấm phá trong bức tranh về biên chế luôn có xu thế tăng lên trong những năm gần đây.

Vì vậy, có thể nói năm 2016 là năm sôi động về “lạm phát lãnh đạo” ở nhiều địa phương, bộ, ngành và là biểu hiện của những nghị quyết không thể đi vào cuộc sống dù rất hợp lý. Nó trái ngược hoàn toàn với không khí hào hứng thực hiện Nghị quyết 39 của Trung ương về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Biên chế càng bóp càng phình - 1

Dự thảo Nghị định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh thành đã được Bộ Nội vụ đưa ra lấy ý kiến, trong đó, những Sở như: Tài chính, KH&ĐT sẽ sáp nhập, Sở GTVT và Sở Xây dựng, Kiến trúc… cũng được sáp nhập. Tuy nhiên, nhiều Bộ, ngành phản đối. Làm thủ tục tại Sở Kế hoạch Đầu tư Tuyên Quang. Ảnh: Quốc Tuấn

Tỷ lệ công chức/người dân Việt Nam gấp 4 lần Mỹ

Bối cảnh ra đời của Nghị quyết 39 cũng rất thực tế bởi “hiệu quả công tác tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế, tổng số biên chế có xu hướng tăng lên, nhất là trong khu vực sự nghiệp công lập và cán bộ, công chức cấp xã”.

Năm ngoái, bà Phạm Chi Lan đưa ra một so sánh khá sinh động. “Bộ máy nhà nước của chúng ta hiện nay có khoảng 2,8 triệu cán bộ, công chức (CBCC), viên chức. Nếu cộng cả đối tượng nghỉ hưu, các đối tượng khác hưởng lương, trợ cấp từ ngân sách nhà nước (NSNN), con số này lên tới 7,5 triệu người, chiếm 8,3% dân số cả nước.

Còn nếu cộng toàn bộ số người hưởng lương và mang tính chất lương thì con số này lên tới 11 triệu người.

Trong khi đó, nước Mỹ có dân số gần gấp 4 lần Việt Nam, nhưng đội ngũ công chức của họ chỉ có 2,1 triệu. Trung Quốc thì chúng ta thấy đội ngũ công chức của họ cũng chỉ chiếm 2,8% dân số. Tính ra, cứ 160 người dân Mỹ chỉ nuôi một công chức, trong khi đó 40 người dân Việt Nam phải nuôi một công chức.

Dù đề ra nhiều giải pháp, nhưng chung quy lại Nghị quyết 39 đặt ra một mục tiêu khá khiêm tốn: Từng cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập phải xây dựng kế hoạch tinh giản biên chế trong 7 năm (2015 - 2021), phải xác định tỉ lệ tinh giản biên chế đến năm 2021 tối thiểu là 10% biên chế của bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Đối với đơn vị sự nghiệp công lập có nguồn thu sự nghiệp, khuyến khích đẩy mạnh chuyển đổi thêm 10% số lượng viên chức sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm và xã hội hóa, thay thế nguồn trả lương từ ngân sách nhà nước bằng việc trả lương từ nguồn thu sự nghiệp.

Thế nhưng, ngay cả nhiệm vụ khiêm tốn ấy cũng có vẻ không thực hiện được, thậm chí tình hình lại càng căng thẳng hơn. Quốc hội đã phải thành lập đoàn giám sát về thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách bộ máy hành chính. Tại phiên họp hồi tháng 5/2017 cũng như phiên họp ngày 9/8 mới đây, bức tranh về tinh giản biên chế và sự phình ra của bộ máy hành chính có vẻ như vẫn không có gì sáng sủa.

Lo... thiếu người đi họp!

Tính đến hết năm 2016, tổng số lượng người làm việc vượt biên chế tại các tổng cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ là 3.137 người (vượt 3,5%), còn tại các cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ là 1.234 người (vượt 8,6%).

Vẫn còn 7 bộ sử dụng quá số biên chế được giao ở các tổng cục. 14 bộ, cơ quan ngang bộ sử dụng quá số biên chế được giao ở các vụ, cục. Điển hình như các tổng cục thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư sử dụng vượt 1.936/5.998 biên chế (vượt 32,28%). Các tổng cục thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sử dụng vượt 141/309 biên chế (vượt 45,63%).

31/63 tỉnh, thành sử dụng vượt tổng số 6.376 biên chế tại các đơn vị hành chính thuộc cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Trong đó có nhiều tỉnh, thành phố vượt với tỷ lệ rất cao như TP HCM vượt 1.434/4.822, bằng 29,74%; Hải Phòng, Quảng Ninh đều vượt trên 19%, Khánh Hòa tới 45,68% và Bạc Liêu đến 51,46%.

Chính vì vậy, thực hiện Nghị quyết 39 trong giai đoạn 2015-2016 thì số lượng biên chế được/bị tinh giảm chỉ đạt 17.694 người. Một Thứ trưởng Bộ Nội vụ trong một lần trao đổi riêng đã bày tỏ lo ngại về tình hình này. Bởi lẽ, những con số tinh giản biên chế thống kê được, rất tiếc, lại bao gồm cả những người nghỉ hưu trước tuổi, những người “bỏ nhà nước ra ngoài”. Mà thông thường, đó là những người có kinh nghiệm, có khả năng. Còn những biên chế không đủ năng lực, có vấn đề về đạo đức công vụ thì vẫn tồn tại như một lẽ đương nhiên.

Một cán bộ thuộc một vụ ở Trung ương từng nêu thực tế rằng: trong số các cán bộ của vụ, thì số người làm được việc chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ấy thế nhưng đến khi bỏ phiếu bình bầu, thì những người không làm gì, tỏ ra ngoan ngoãn… lại được phiếu cao hơn bởi vây cánh nhiều.

Hơn nữa, khi đề cập đến tinh giản biên chế, thì hầu như mọi cơ quan, đoàn thể từ Trung ương tới địa phương đều bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ. Ấy thế nhưng, khi Bộ Nội vụ trình dự thảo nghị định về sáp nhập các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh thì thậm chí nhiều Bộ, ngành cũng nhao nhao… phản đối. Trong khi đó, nếu làm được như dự thảo, thì chắc chắn bộ máy hành chính sẽ giảm đi đáng kể khi những Sở như: Tài chính, KH&ĐT sẽ sáp nhập, Sở GTVT và Sở Xây dựng, Kiến trúc… cũng được sáp nhập.

Đó chính là nguyên lý để tinh giản biên chế. Bởi muốn tinh giản biên chế thì, theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, phải giảm đầu mối cơ quan. Nhưng khi đụng chạm đến vấn đề này, nhiều Bộ, ngành đã phản đối, thậm chí với lý do là: “Vì công việc nhiều. Nếu sáp nhập thì sẽ không đủ người đi họp”!?.

Bởi vậy, thật đáng quan ngại khi những nghị quyết của Đảng, những nghị định của Chính phủ cứ yêu cầu nhà nước phải nhỏ lại, nhưng thực tế là bộ máy hành chính ngày càng phình to.

Theo Đại Dương/Báo Diễn đàn doanh nghiệp