1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam đối thoại với công nhân lao động

Công Bính

(Dân trí) - Trước gần 200 công nhân, người lao động ở các khu công nghiệp, ông Phan Việt Cường - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam hứa sẽ chăm lo đời sống vật chất và tinh thần công nhân, người lao động tốt hơn.

Ngày 31/7, ông Phan Việt Cường - Bí Thư Tỉnh ủy Quảng Nam chủ trì hội nghị gặp gỡ, đối thoại với gần 200 công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam đối thoại với công nhân lao động - 1

Ông Phan Việt Cường - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - đối thoại với công nhân, người lao động (Ảnh: C.Đ).

Theo Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, thông qua buổi đối thoại này, lãnh đạo tỉnh lắng nghe ý kiến đề xuất, kiến nghị, cũng như tâm tư, nguyện vọng của anh chị em công nhân lao động về việc triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Thời gian qua, tỉnh có chủ trương, chính sách hỗ trợ, chăm lo người lao động trên địa bàn tỉnh nói chung, công nhân tại khu công nghiệp Tam Thăng và các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố Tam Kỳ và huyện Núi Thành nói riêng. Việc ghi nhận các ý kiến nhằm chăm lo tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần của công nhân lao động.

Lãnh đạo các cơ quan nhận nhiều câu hỏi của công nhân, người lao động tại cuộc đối thoại, xoay quanh các nhóm vấn đề như lao động, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo hiểm xã hội, việc cấp lại giấy phép lao động cho người nước ngoài, cấp thẻ tạm trú cho lao động nước ngoài.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam đối thoại với công nhân lao động - 2

Chị Huỳnh Thị Dư - công nhân một công ty may nêu ý kiến với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam (Ảnh: C.Đ).

Chị Huỳnh Thị Dư - công nhân một công ty may mặc ở khu công nghiệp Tam Thăng đặt câu hỏi về thời gian triển khai áp dụng chính sách phát triển giáo dục mầm non, trong đó có chính sách đối với trẻ em là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp theo quy định tại Nghị định 105/2020/NĐ-CP.

Theo đó, trẻ em đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non thuộc loại hình dân lập, tư thục đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép thành lập và hoạt động theo đúng quy định có cha hoặc mẹ hoặc người chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em là công nhân, người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp được doanh nghiệp ký hợp đồng lao động theo quy định được hỗ trợ tối thiểu 160.000 đồng/trẻ/tháng.

Chị Huỳnh Thị Dư cho biết, hiện nay tại công ty may chị đang làm việc có hơn 2.100 lao động có con trong độ tuổi mầm non với hơn 2.400 cháu theo diện hỗ trợ chính sách này có được truy lĩnh chế độ này không?

Trao đổi về vấn đề này, ông Phan Việt Cường - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam yêu cầu các địa phương rà soát danh sách, sớm hoàn thành, áp dụng chế độ chính sách này, đảm bảo quyền lợi chính đáng đối với con, em công nhân.

Chị Huỳnh Thị Nhật Bản - công nhân một công ty may thời trang tại khu công nghiệp Tam Thăng đề nghị lãnh đạo tỉnh có chủ trương giải quyết tình trạng một số doanh nghiệp đóng tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh không đóng bảo hiểm xã hội, ảnh hưởng đến việc thực hiện chế độ chính sách và quyền lợi của người lao động. 

Trả lời vấn đề này, đại diện BHXH tỉnh Quảng Nam cho biết, theo quy định, lao động có hợp đồng lao động trên một tháng sẽ được hưởng quyền lợi đóng BHXH. Hiện nay BHXH tỉnh Quảng Nam cũng đang kiểm tra, rà soát các doanh nghiệp trong việc đóng BHXH cho công nhân, người lao động. Trong thời gian đến, BHXH tỉnh Quảng Nam sẽ tổ chức các đoàn thanh tra doanh nghiệp về vấn đề này.

Trao đổi về vấn đề này, ông Phan Việt Cường cho rằng, đóng BHXH chính là quyền lợi lâu dài của người lao động, hiện nay các nước trên thế giới xem việc đóng BHXH là tất yếu. Tuy nhiên tỷ lệ đóng BHXH ở Việt Nam cũng như ở tỉnh hiện còn thấp. Do đó, ông Phan Việt Cường đề nghị công nhân, người lao động không nên rút bảo hiểm, thực hiện đóng các BHXH để đảm bảo quyền lợi cho chính bản thân mình.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam đối thoại với công nhân lao động - 3

Gần 200 công nhân, người lao động gặp gỡ, đối thoại với Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam (Ảnh: C.Đ).

Anh Trần Văn Minh - công nhân may ở huyện Núi Thành nêu ý kiến, may mặc là ngành lao động nặng nhọc, độc hại, phần lớn công nhân, người lao động phải nghỉ trước tuổi nhiều với mức lương hưu thấp, không đủ chi tiêu (chỉ từ 1,8-3 triệu đồng/người/tháng). Nhiều người lao động rút BHXH một lần. Do đó, anh Minh đề nghị cần có điều chỉnh luật BHXH nhằm tạo điều kiện cho người lao động tiếp nhận chế độ hưu trí, với mức lương đảm bảo đời sống tối thiểu.

Trả lời vấn đề này, đại diện BHXH Quảng Nam cho biết, nghề may là công việc nặng nhọc độc hại, đã có quy định cụ thể về chính sách dành riêng cho lao động trong lĩnh vực này. Theo đó, tuổi hưu của người lao động được trừ 5 năm theo quy định, không phải giám định.

"Chúng tôi đã kiến nghị đề nghị giảm tuổi đóng BHXH của người lao động còn 15 năm, thậm chí 10 năm được nghỉ để hưởng lương hưu, với mức lương hưu bằng với mức lương cơ sở, được cấp thẻ BHYT. Thậm chí, cơ quan BHXH đã đề nghị mở chính sách theo hướng giải quyết phần người lao động đã đóng BHXH, phần nợ của doanh nghiệp đóng sẽ trừ ra, để người lao động vẫn được hưởng chế độ mà không bị vướng khi doanh nghiệp nợ BHXH…", đại diện BHXH Quảng Nam trả lời.

Trao đổi với công nhân, người lao động, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam cho hay, từ năm 2020 đến nay, tình hình dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến hết sức phức tạp, đã ảnh hưởng rất lớn đến mọi mặt đời sống, kinh tế - xã hội của tỉnh.

Trong đó, công nhân, người lao động là đối tượng bị tác động và ảnh hưởng trực tiếp nhất. Nhiều công ty, xí nghiệp, cơ sở dịch vụ, du lịch ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng; người lao động không có việc làm, không có thu nhập, đời sống rất khó khăn.

Bên cạnh đó, việc thực thi pháp luật lao động như BHXH, BHYT, BHTN ở một số doanh nghiệp còn hạn chế. Các vấn đề như nhà ở, nhà trẻ, khu vui chơi cho con em công nhân, người lao động… chưa được đầu tư đúng mức; chất lượng bữa ăn giữa ca, thỏa ước lao động tập thể ở một số nơi chưa đảm bảo theo quy định.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam hứa sẽ tiếp thu, tổng hợp các ý kiến của công nhân, người lao động để trả lời cụ thể từng vấn đề. Yêu cầu lãnh đạo các địa phương có công ty đóng trên địa bàn cam kết thực hiện các chính sách đối với công nhân, người lao động.

Quan tâm, động viên, khen thưởng các công nhân, người lao động xuất sắc. Tiếp tục nghiên cứu các cơ chế, chính sách thuận lợi cho doanh nghiệp; đặc biệt vấn đề về nhà ở, môi trường, cơ sở hạ tầng, giao thông khu công nghiệp.