Bí quyết gì khiến cô gái 9X bán 10.000 hộp súp cua "nhanh như chớp"
(Dân trí) - Dù gia đình có cơ sở kinh doanh riêng, Nguyễn Huyền vẫn quyết tâm khởi nghiệp, tự mở tiệm súp cua mang thương hiệu riêng. Chỉ sau 1 tháng, khách tới nườm nượp vì...
Chuẩn vị miền Nam
Chưa kịp dọn bán, quán súp cua trên đường Võ Văn Tần (quận 3, TPHCM) đã có 2, 3 người đến xếp hàng chờ được mua những chén súp nóng hổi đầu tiên. Quán súp này được mở từ 4 năm trước, qua bàn tay khéo léo của hai chị em Nguyễn Huyền và Nguyễn Thị Bích Phượng (cùng 33 tuổi).
Thực khách ở đây đa phần là khách "ruột", ăn từ lúc quán súp chỉ bắt đầu với những nguyên liệu đơn giản. Nhiều người không chỉ yêu thích hương đậm vị miền Nam mà còn ấn tượng với cách phục vụ "lạ đời" của hai bà chủ.
"Chúng tôi chia nhau ra, mỗi người đứng bán một tuần. Nhiều người mới ăn lần đầu cũng bất ngờ, tưởng đi… nhầm quán. Nhưng sau đó càng ủng hộ nhiều hơn nữa vì thích cách trò chuyện của chúng tôi, có khách còn xem chủ quán như bạn bè thân thiết vậy", chị Huyền nói.
7h sáng mỗi ngày, chị Huyền sẽ dậy sớm để nấu súp. Nguyên liệu được chị chuẩn bị tỉ mỉ từ tối hôm trước. Số lượng trên có thể bán được 300 phần ăn, riêng các ngày cuối tuần, ngày lễ, chị Huyền bán không ngơi tay, phục vụ hơn con số nói trên.
"Lúc mới mở bán, quán không đông khách vì chưa có gì đặc biệt. Sau khoảng 1 tháng, tôi nghĩ đến món trứng cút bách thảo, nhiều bạn trẻ thấy lạ quá nên ghé ăn thử, rồi thành "bạn hàng quen" 4 năm qua luôn", bà chủ tiệm cười, nói.
Từ 8h sáng, thực khách đã đến nườm nượp khiến chị Huyền không ngừng tay múc súp. Món ăn dao động từ 22.000 đến 55.000 đồng tùy vào topping ăn kèm, đắt nhất sẽ có đầy đủ cua, trứng vịt bách thảo, cút loại thường và bách thảo,…
Học được bí quyết từ người chị gái, Huyền biết cách cân đo bột, giữ lửa sao cho độ sánh của súp hoàn hảo. Thực khách khi ăn sẽ cảm nhận được độ ngọt, hậu mặn rồi sau đó là vị hơi cay của ớt. Trứng bách thảo không quá nồng, nhưng vẫn giữ được vị đậm đà.
Thay vì hầm xương như những quán khác, súp cua ở đây được hầm theo bí quyết riêng của chị Huyền. Không những vậy, nhiều người "mê" trứng vịt bách thảo nhưng lại không đủ sức ăn hết, có thể lựa chọn ăn trứng cút bách thảo. Chị Huyền cho biết, đây là nguyên liệu chị được một người bạn giới thiệu, cũng là "bí quyết" đắt khách của quán.
"Quán bán trên ứng dụng giao hàng là đa số, nhưng vẫn có khách quen, khách du lịch đến ăn thường xuyên. Nếu thấy ai khó khăn, tôi sẽ chủ động múc nhiều một chút để họ được no bụng", chị Huyền bộc bạch.
Trước đây, Huyền từng dời mặt bằng vì không gian không đủ phục vụ khách. Huyền là người đầu tiên mở bán tại con hẻm nhỏ. Thấy buôn may bán đắt, nhiều hộ dân xung quanh cũng bắt đầu mô hình bán súp cua giống Huyền. Thế nhưng, do không có được bí quyết độc đáo, không ít tiệm đã phải "nhường sân" cho tiệm súp cua đầu tiên trong con hẻm.
Từ lang thang ngoài chợ đến bà chủ tiệm súp
Trước đây, Nguyễn Huyền tốt nghiệp ngành Kế toán và đi làm vài năm ở công ty. Thấy công việc nhàm chán, lương "ba cọc, ba đồng", Huyền quyết định mở tiệm bánh và bán cho những người quen. Tuy nhiên, không có kiến thức và am hiểu về lĩnh vực này, công nghệ thời ấy chưa phát triển nên Huyền khó mở rộng được thương hiệu.
Dành dụm được số tiền nhỏ khi bán bánh, Huyền theo người chị học nghề nấu súp rồi mời những người quen ăn thử. Thoạt đầu, người nhà khá bất ngờ khi Huyền bỏ việc ổn định để khởi nghiệp. Nhưng sau khi nếm thử súp Huyền nấu, ai nấy đều hiểu lí do vì sao.
Bắt đầu mọi thứ với số vốn 6 triệu đồng, Huyền miệt mài buôn bán bất kể mưa, nắng. Từ con số 0, Huyền nay đã trở thành bà chủ tiệm súp với thu nhập nhiều người mơ ước.
Cô gái 9X tâm sự, mọi cố gắng trên xuất phát từ sự gian nan, cực khổ mà Huyền và ba mẹ từng trải qua. Mẹ của Huyền quê ở Đồng Nai, bén duyên với ba lên TPHCM lập nghiệp.
30 năm trước, gia cảnh khó khăn, mẹ Huyền mang bầu đứa con đầu lòng nhưng vẫn phải đạp xe chở lòng heo cho các mối ngoài chợ. Không lâu sau đó, bà sinh Huyền ra nhưng cuộc sống không mấy khá giả. Huyền ngủ trên xe, lang thang ngoài chợ cùng ba mẹ để mong được thoát cái nghèo.
Nhiều người đi qua lại thấy thương liền mua ủng hộ. Ba mẹ Huyền tính cách hiền lành, cởi mở nên cũng đắt khách hơn, dần dần xây dựng được cửa hàng ổn định. Đến khi sinh người con thứ hai, cơ sở bán hàng từ một ngày bán chỉ vài con heo, nay bán vài trăm con là chuyện bình thường.
Dù cuộc sống vất vả, ba mẹ Huyền vẫn chăm lo cho các con đi học đến nơi đến chốn. Vốn là chị cả của 2 đứa em trai, Huyền là người con đầu tiên và duy nhất chứng kiến cảnh nghèo của gia đình. Đôi lúc là con gái nên thấy tủi thân, Huyền nhanh chóng nguôi ngoai vì biết ơn công lao của ba mẹ.
"Ba mẹ là người truyền động lực và cảm hứng cho tôi rất nhiều. Cả hai luôn ủng hộ dù tôi làm gì đi nữa, đôi lúc cũng lo lắng vì thấu hiểu khởi nghiệp cực khổ thế nào. Chỉ cần bán chậm hơn ngày hôm qua vài phần thôi là ba mẹ biết, an ủi ngay", Huyền bộc bạch.
Nhớ lại khoảng thời gian đầu khi chưa đông khách, đôi lúc Huyền muốn từ bỏ. Trong một ngày bán từ 7h đến 22h chưa hết nồi súp, Huyền muốn bật khóc vì quá bất lực. Lúc đó, ba mẹ Huyền đi ngang thấy vậy, liền "mua" lại nồi súp về tặng cho những người làm trong gia đình ăn.
Nhiều người đặt câu hỏi vì sao Huyền không về làm cho công ty gia đình, cô gái vội cười và giải thích: "Bản thân tôi muốn tự đi trên đôi chân của mình, để thấm thía hơn nữa sự cực khổ của ba mẹ khi xưa. Với lại, nghề làm lòng heo vất vả quá, tôi nghĩ bản thân mình sẽ phù hợp với một công việc khác".
Sắp tới, cô gái 9X dự tính sẽ mở thêm một chi nhánh khác nhằm phục vụ nhiều thực khách muốn ngồi ăn tại chỗ.