Bi hài nghề "ô sin bệnh viện”

Mấy năm gần đây, hầu khắp các bệnh viện lớn ở Hà Nội xuất hiện nhan nhản những người nhận làm công việc chăm sóc bệnh nhân, từ cho ăn uống, vệ sinh, đến lau chùi thân thể, đổ bô, xoa bóp, mà người ta gọi chung là “ô sin bệnh viện”.

Phần lớn họ là những phụ nữ đến từ các tỉnh lân cận, khi công việc mùa màng đã cạn…

Muôn dạng “khách hàng”

Tôi có đứa cháu nằm ở khu điều trị tự nguyện Bệnh viện Nhi Trung ương. Xong việc cơ quan, phóng xe mất hơn một tiếng lên cũng vừa đến giờ thăm. Đường tắc, bệnh viện tắc, tắc từ khi vừa bước chân vào cổng. Người ùn ùn, không khí đặc sệt. Chỗ nào cũng bắt gặp cảnh người người tay xách, nách mang đủ thứ, từ đường sữa, quà bánh đến trái cây, y như những đứa trẻ đang nằm thiêm thiếp trong kia là những cái máy ngốn thức ăn công suất lớn.

Phòng bệnh nhỏ, kê vừa bốn cái giường cho bốn đứa trẻ. Người nhà di chuyển trên hai hàng gạch, như hai thanh tà vẹt chạy từ đầu đến cuối phòng. Quà khách mang đến được nhồi vào ngăn tủ đầu giường, thừa thì treo thõng thượt lên cây cột màn, tựa cái mồi câu lũ trẻ nằm dưới.

Nhìn bà chị giường bên thay bỉm, lau người, đút cháo cho thằng bé một cách nhoay nhoáy, thành thạo, tôi cứ ngỡ là mẹ. Hỏi ra mới biết, chị tên Hoa, quê Thái Thụy, Thái Bình, lên đây làm “ô sin bệnh viện”, mỗi ngày 300.000 đồng cho 12 tiếng lao động, cộng thêm bữa trưa.

“Mẹ thằng bé làm liên doanh Nhật, ông bà ở xa, thuê cho tiện…”, chị Hoa kể. Vừa hỏi thăm được vài câu, quay sang đã thấy chị gà gật. Đứa em tôi bảo, chị này tốt ngủ. Cả ngày gác đầu lên tường, chân co, tay duỗi, mắt nhắm. Thỉnh thoảng giật mình tỉnh giấc, tưởng đến bữa, chị lại lôi cháo ra đút vào mồm thằng bé.

Chăm sóc bệnh nhân như người nhà
Chăm sóc bệnh nhân như người nhà

Phòng có một người nữa tên Bình (ở Phương Trung, Thanh Oai, Hà Nội) cũng làm nghề như chị Hoa. Nhưng khác với Hoa, Bình thích nhắn tin hơn ngủ. Hôm tôi đến, Bình đang đứng tựa lan can bệnh viện, một chân cài vào cái xe tập đi của đứa trẻ đong đưa, tay nhắn tin choanh choách, thỉnh thoảng cười rinh rích.

Thường mỗi lần khoái chí như thế, cô lại quờ tay kiếm quả gì đó đưa lên miệng. Mấy người cùng phòng bảo, cô nghiện ăn. Ăn suốt ngày, buông bô, buông bỉm là ăn. Mà toàn thứ của ngon vật lạ người ta mang cho đứa bé, chứ như ở quê cô, những thứ này có chong mắt tìm không thấy. Ăn chán, cô nhắn tin cho bồ. Đứa trẻ ngồi xe tập đi từ sáng đến chiều, trừ lúc thay bỉm hay đi vệ sinh.

“Nói mãi em mới làm đấy, chứ hôm qua cũng có “khách” nhờ chăm ông cụ nằm viện K. Ở đó là cứ phải trả em thêm 100.000 đồng/ngày tiền độc hại ấy chứ. Bên này tuy rẻ, nhưng được cái sạch sẽ, công trình phụ khép kín, với lại, chăm bọn trẻ con sướng hơn chăm người già!”, Bình kể.

Khác nhau là vậy, nhưng giữa chị Hoa và Bình cũng có một điểm chung, đó là cùng thích chăm trẻ con hơn người già. Lý do họ đưa ra là trẻ không bao giờ biết mắng mỏ, mạt sát, xúc phạm, chúng chỉ biết khóc. Người già thì ngược lại, khó tính, khó nết, khó chiều, thêm cả cái “khả năng kể tội ô sin” với người thân. Phần nữa, nhiều khi chăm người già, gặp phải những tình huống dở khóc, dở cười.

Đến giờ, chị Hoa vẫn bị ám ảnh bởi cái lần gặp phải ông khách “dê già”. Ông này gần 70, còn tráng kiện, chẳng may trúng gió nằm một chỗ. Gia đình thuê chị trọn gói 8.000.000 đồng/tháng, bao ăn ở. Mấy ngày đầu, thấy ông cứ đòi xoa chỗ nọ, bóp chỗ kia, chị nghĩ chắc ông bị đau cơ, nhức xương. Về sau, chị mới phát hiện, ông này thích được “ve vuốt”, đụng chạm.

Cực nhất là cái chuyện cả ngày ông đòi đi tiểu, mỗi lần như thế, chị phải nhắm mắt cầm cái “của quý” cho vào miệng chai lavie đến 15 phút mà chả rỉ ra giọt nào. Được một tuần, chị trả lại tiền, bỏ đi không nói lý do. Từ đó, chị chuyển hẳn sang Bệnh viện Nhi chăm trẻ con, đóng bỉm cả ngày, không cần chai lavie.

Cạnh tranh khốc liệt

Ban đầu, nghề ô sin bệnh viện cũng chỉ xuất hiện ở một vài nơi, một vài gia đình khá giả có người thân nằm viện, í ới nhờ bà cô, bà thím họ xa từ dưới quê lên trông nom, chăm sóc giúp, rồi gửi vài đồng gọi là tiền tàu xe. Cứ thế nó phát triển theo nhu cầu xã hội, đến nay đã có hàng trăm người hành nghề tại các bệnh viện lớn.

Chị Nguyễn Thị Thu: “Cứ mùa màng xong, tôi lại xuống các bệnh viện ở Hà Nội để làm thuê…”
Chị Nguyễn Thị Thu: “Cứ mùa màng xong, tôi lại xuống các bệnh viện ở Hà Nội để làm thuê…”

Không khó để nhận ra những người làm nghề này, áo nâu, quần gụ, nón mê ngồi đầy rẫy ven lối vào bệnh viện. Lúc nào nhìn họ cũng trong tâm thế sẵn sàng lao vào chăm sóc bệnh nhân. Mỗi khi xe cấp cứu vừa đến cổng, họ đã ào ra chào mời đủ thứ dịch vụ. Dần dà, mỗi cổng bệnh viện hình thành lên cái “chợ ô sin” tự bao giờ. Ai cần bất cứ dịch vụ chăm sóc gì, ra “chợ” có hết. “Chợ” họp đông nhất ở khu vực Bệnh viện Bạch Mai, Việt - Đức, Việt - Xô, Bệnh viện Nhi Trung ương…

Thông thường, sau mỗi dịp Tết Nguyên đán, số lượng bệnh nhân vào điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai tăng vọt, nhu cầu tìm người chăm sóc bệnh nhân cũng vì thế mà tăng cao. Theo thời gian, số người tham gia vào đội quân “ô sin bệnh viện” ngày càng đông, nhất là sau mỗi dịp mùa màng. Nhưng, để bước chân vào nghề này cũng không phải là chuyện dễ dàng. Hầu hết những người bắt đầu làm công việc này khá chật vật và phải có sự giới thiệu của “đồng nghiệp” thì mới lọt được vào một nhóm nào đó để hành nghề. Và khi có việc, công việc sẽ được chia đều cho các thành viên trong nhóm.

Trên thực tế, sự cạnh tranh giữa các nhóm người giúp việc tại bệnh viện ở Hà Nội khá khốc liệt và ồn ào. Thỉnh thoảng, cũng xảy ra hỗn chiến giữa các ô sin vì tranh khách, giành địa bàn. Chị Lê D. - một người chăm sóc bệnh nhân thuê tại Bệnh viện Việt - Đức chia sẻ, nhóm của chị gồm 8 người, có độ tuổi từ 35 - 47, đến từ các tỉnh miền Bắc như Thái Bình, Hải Dương, Ninh Bình, Phú Thọ...

Ngay ở bãi gửi xe Bệnh viện Bạch Mai, tôi được bà chị bán nước gần đó hồ hởi: “Chú cần ô sin chăm người nhà không? Người của “công ty” chị thì yên tâm. Tiền công 250.000 đồng/ngày, liệt chân 300.000 đồng, liệt nốt hai tay, chú cho chị thêm năm chục…”.

Mải mê chèo kéo như vậy nhưng bà chị này cũng không quên “dìm hàng” đối thủ, “kiếm được người thật thà khó lắm, chứ như cái “công ty” của con mẹ kia kìa, chị ta hất hàm ra phía cổng, người của nó toàn bọn vớ vẩn, đánh bệnh nhân đen đét, không đánh được thì lườm nguýt, hoa quả ăn như mỏ khoét! Có đứa còn trộm đồ của khách, bị đánh cho tơi tả…”.

Hóa ra, cái nghề ô sin này cũng có tổ chức đàng hoàng, có “bảo kê”, “công ty” hẳn hoi. Mỗi lần dẫn mối thành công, bà chị “giám đốc” kia lại được ô sin dấm dúi cho vài chục, gọi là tiền điện thoại, tiền môi giới, tiền “cò”.

Những đồng tiền chứa đầy nước mắt

Chị Nguyễn Thị Thu (47 tuổi, quê Lương Sơn, Hòa Bình), người có “thâm niên” làm ô sin gần 3 năm, chia sẻ: “Nhà bốn người, trông vào mấy sào ruộng chả đủ ăn, ngày nông nhàn lên đây kiếm việc làm thêm. Mỗi ngày tối thiểu cũng được 200 – 300.000 đồng, trừ chi tiêu, mỗi tháng cũng để ra được 5 - 6.000.000 đồng, đủ nuôi hai đứa con ăn học. Thế nên cứ mùa màng xong, tôi lại xuống Hà Nội. Tính nguyên ở làng tôi, có đến gần hai chục người ra Hà Nội hành nghề ô sin, đủ trai lẫn gái”.

Để nhận được những đồng tiền như thế, nhiều lúc chị Thu và những ô sin khác cũng bị “gia chủ” hành cho đến khổ, sợ nhất gặp những gia đình buôn bán. Nhiều khi, chuyện lỗ lãi chả liên quan gì, lúc đến bệnh viện họ cũng trút bực dọc lên đầu chị. Rồi cái chuyện bị người nhà mắng mỏ, mạt sát giữa chốn đông người, bệnh nhân đau đớn đánh đập ô sin xảy ra như cơm bữa.

“Những lúc như thế, tôi chỉ muốn bỏ quách về quê cho xong, nhưng lại nghĩ về thì biết lấy gì mà ăn, còn hai đứa con nữa, thôi đành cố nhịn”, chị Thu chia sẻ.

Theo chị Thu, cũng dăm bảy loại ô sin bệnh viện, có người chân chỉ hạt bột, cúc cung tận tụy vì gia chủ, có người chỉ chuyên nhận chăm bệnh nhân nặng, gần đất xa trời, lương cao, ngộ nhỡ bệnh nhân chết, tiền tắm rửa tử thi cũng được bồi dưỡng vài triệu. Xong việc, người ta lại chờ để nhận chăm và…“tắm rửa” cho bệnh nhân khác.

Tôi đã từng chứng kiến cảnh ông cụ ngót nghét 80 nằm ở bệnh viện Bạch Mai. Ba người con đều làm nghề tự do, chia nhau mỗi người ngày mấy tiếng chăm sóc bố, rành rẽ lắm. Ấy thế nhưng cũng không thiếu những lúc anh này chửi con nọ, thằng kia sao lâu thế, đã đến giờ “giao ca” mà lặn mất tăm! Rồi “sao bố toàn vệ sinh vào phiên của con?”, “chờ đến phiên con T rồi hãy…”. Cái phòng bệnh tự nhiên biến thành nơi xung đột dữ dội của đại gia đình.

Mãi rồi ba anh em cũng ngồi lại với nhau được một lần, họ đưa ra quyết sách: Thuê ô sin. Cô ô sin này chuyên nghiệp lắm, từ cái chuyện cho ông cụ đi vệ sinh, cọ rửa, mở ống xông, chỉnh máy móc…, cô làm được tuốt. Phải mỗi tội, nhìn cô ta cặm cụi làm, mặt chả hề biểu lộ tí gì cảm xúc, hệt như cán bộ y tế đang thị phạm trên tử thi để cho sinh viên học tập.

Y tá Nguyễn Thu Hương, Bệnh viện Nhi Trung ương, bảo: “Thuê ô sin bệnh viện cũng có nhiều cái lợi, nhất là khi cuộc sống hối hả, ai cũng có đủ trăm công ngàn việc để làm. Lỡ may có người thân nằm viện, cả gia đình, dòng họ nháo nhác, đến khổ. Thuê được một ô sin, vừa đỡ sức người, sức của, lại thạo việc, quan trọng là phải tìm được người tin tưởng… ”. Nhưng, cái khó ở đây, biết ai là người như vậy giữa chập chùng quần gụ, nón mê nơi bờ rào bệnh viện. Thôi thì mong người thân đừng có ai phải bước chân vào cái chốn này.

Theo Báo Công lý