1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

BHYT hộ gia đình: Lao động nhập cư khó tham gia

Theo Luật bổ sung sửa đổi Bảo hiểm Y tế (BHYT), đến ngày 1.1.2016, tất cả người có tên trong sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú phải thực hiện BHYT theo hộ gia đình và được giảm trừ mức đóng. Đây là một chính sách khích lệ người dân tham gia BHYT. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, BHYT hộ gia đình bộc lộ nhiều vướng mắc khiến nhiều người không thể tham gia, nhất là những gia đình nhập cư làm nghề lao động tự do tại thành phố.

Khám bệnh theo BHYT tại TPHCM. ảnh: K.Q
Khám bệnh theo BHYT tại TPHCM. ảnh: K.Q

Ngày 13/4, HĐND TPHCM đã có buổi giám sát triển khai BHYT hộ gia đình tại quận 7. Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội (BHXH) TPHCM, việc triển khai BHYT hộ gia đình tại TPHCM bước đầu đã có những kết quả khả quan.

Tính đến hết năm 2015, TPHCM đã có 1.023.381 người tham gia BHYT hộ gia đình, tăng 12,46% so với năm 2014. Bình quân, mỗi tháng, TPHCM có thêm 9.451 người tham gia BHYT. Tính đến hết tháng 3.2016 đã có 1.138.377 người tham gia BHYT hộ gia đình, tăng 11,24% so với năm 2015, bình quân tăng 38.332 người tham gia BHYT trong 1 tháng.

Bên cạnh kết quả trên, bà Lưu Thị Thanh Huyền - Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội TPHCM - đã bày tỏ những khó khăn. Theo bà Huyền, hiện nay, người dân chỉ mua BHYT khi có người trong gia đình phát sinh bệnh. Vì vậy, hằng năm, quỹ khám-chữa bệnh BHYT bội chi cho đối tượng này rất lớn. Cụ thể, năm 2015 bội chi 1.765 tỉ đồng.

Mặt khác, khi lập hồ sơ tham gia BHYT, do thực hiện theo nguyên tắc “người dân tự khai, tự chịu trách nhiệm” nên có những người không khai đủ số người trong hộ gia đình nhằm giảm bớt số tiền đăng ký bảo hiểm.

Anh Châu Tiến Dũng - đại lý BHYT phường Tân Thuận Đông, quận 7, TPHCM - nêu ra một vấn đề bất cập. Việc mua BHYT với công dân nhập cư, ở trọ rất nhiêu khê, nhất là đối với người làm nghề lao động tự do. Để mua được BHYT hộ gia đình, họ phải có sổ tạm trú dài hạn (KT3) còn hạn sử dụng trong vòng 2 năm. Những người chỉ có giấy xác nhận tạm trú thông thường thì không thể tham gia. Tuy nhiên, hiện nay, thủ tục cấp KT3 cho người ngoại tỉnh lại không hề dễ dàng.

Đồng tình với ý kiến trên, đại diện một đại lý BHYT ở phường Tân Thuận Tây (quận 7) cũng băn khoăn: “Nhiều người dân nhập cư ở trọ đã bó tay, không mua được BHYT kể cả đã có KT3. Theo quy định mới, tất cả mọi thành viên có đăng ký trong hộ khẩu đều phải mua BHYT, trừ những người đã có BHYT trước đó.

Do vậy, tôi thấy rất nhiều trường hợp tréo ngoe. Nhà trọ có 3 người, 2 người muốn mua BHYT nhưng 1 người còn lại không đồng ý tham gia thì 2 người kia không mua được BHYT”.

Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu - Phó Chủ tịch UBND quận 7 TPHCM - cho biết, hiện nay, tại địa bàn quận 7, có đến 1/3 dân số là người là dân nhập cư. Đối với gia đình nhập cư là công nhân viên chức thì việc mua BHYT có vẻ dễ dàng hơn, bởi họ có thể tham gia BHYT tại đơn vị đang công tác. Nếu gia đình có con nhỏ thì đã có BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi, trẻ lớn có thể tham gia BHYT tại trường học.

Còn với người lao động tự do, họ không những gặp khó ở thủ tục KT3 mà còn khó khăn về kinh tế. Với kinh tế eo hẹp, thông thường, họ chỉ muốn mua BHYT cho người già, trẻ em, không có nhu cầu mua hết cho cả gia đình.

Bà Thi Thị Tuyết Nhung - Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM - ghi nhận những bất cập trên. Bên cạnh đó, theo bà Nhung, qua những lần tiếp xúc với người dân, chính bản thân bà cũng nhận được nhiều phản ánh không tốt về BHYT gia đình như thủ tục cấp thẻ BHYT mới, thủ tục gia hạn, đổi thẻ còn rắc rối, rườm rà. Bà đề nghị BHXH TP phải phối hợp với chính quyền địa phương các quận - huyện để từng bước tháo gỡ khó khăn, xây dựng quy trình thủ tục giúp người dân tham gia BHYT dễ dàng, thuận tiện hơn.

Theo Báo Lao động