Bệnh viện đa khoa T.Ư Thái Nguyên lên tiếng về vụ trục lợi bảo hiểm y tế
(Dân trí) - Qua việc giám sát, cơ quan bảo hiểm xã hội tỉnh Thái Nguyên phát hiện trường hợp trục lợi thuốc đặc trị ung thư điều trị theo chế độ BHYT tại Bệnh viện đa khoa T.Ư Thái Nguyên. Sự việc đang được Ban giám đốc bệnh viện xem xét và đưa ra quyết định xử lý cuối cùng.
Trao đổi với báo giới sáng 29/4/2017, tại Thái Nguyên, ông Nguyễn Thành Trung - Giám đốc Bệnh viện đa khoa trung ương Thái Nguyên cho biết, Ban giám đốc sẽ có buổi họp và qua đó có hình thức kỷ luật cụ thể với cá nhân có hành vi trục lợi thuốc điều trị ung thu theo chế độ BHYT.
Trước đó, tối ngày 7/9/2016, cán bộ của bảo hiểm xã hội Thái Nguyên và đại diện Bệnh viện đa khoa Trung ương Thái Nguyên đã kiểm tra đột xuất việc chấp hành quy định khám, chữa bệnh nội trú theo BHYT tại Khoa Nội Tiêu hóa - Tiết niệu.
Kết quả cho thấy, có tới 21 bệnh nhân nội trú không có mặt tại giường bệnh vì nhiều lý do: Đi dạo dưới sân, ăn tối…
Trong đó, đoàn kiểm tra phát hiện có 3 bệnh án không có bệnh nhân, gồm: ông Nguyễn Thành Phương (63 tuổi, phường Quan Triều, TP Thái Nguyên) vào viện ngày 26/8/2016 nằm tại phòng 214 giường số 11, nhưng trên thực tế phòng 214 chỉ có 3 giường, không có giường số 11; trường hợp bà Trần Thị Lan (84 tuổi, phường Quan Triều, TP Thái Nguyên) vào viện ngày 1/9/2016 và bà Nguyễn Thị Xuyên (50 tuổi, phường Quan Triều, TP Thái Nguyên) vào viện ngày 5/9/2016 đều ở giường số 12, phòng 212 nhưng các bệnh nhân đang điều trị cùng phòng đều cam kết và xác nhận hằng ngày các bệnh nhân này không có mặt điều trị tại khoa.
Khi tìm hiểu, 3 bệnh nhân trên được xác định là không điều trị tại khoa nhưng có bệnh án đều là người nhà của cán bộ, điều dưỡng tại khoa Nội Tiêu hóa - Tiết niệu.
Đặc biệt, trường hợp bệnh nhân Nguyễn Thành Phương, bệnh án xác định sốt và đau bụng thượng vị nhưng vẫn được kê thêm nhiều loại thuốc đặc trị cho người bệnh ung thư như: Meromem, colistin 1.000.000UI, Levofloxacin, Nutriflex, Dismolan, Nhũ dịch lipid...
Theo Ban giám đốc Bệnh viện, số thuốc trên được bà Trần Ngọc Anh - trưởng khoa Nội Tiêu hóa - Tiết niệu sử dụng để dùng điều trị cho chồng là ông Đặng Văn Huỳ vừa phẫu thuật ung thư phổi có biến chứng.
Được biết khi phát hiện hành vi trục lợi số thuốc trên, chồng bà Trần Ngọc Anh vẫn không tiến triển dù đã dù được chữa trị tại Thái Nguyên và Hà Nội, đang hôn mê nhiều ngày.
Theo ông Nguyễn Hồng Trường - Phó GĐ Bảo hiểm xã hội Thái Nguyên, việc kiểm tra của nhân viên bảo hiểm đều có sự tham gia của đại diện bệnh viện. Mục tiêu nhằm để phát hiện các trường hợp lạm dụng trục lợi BHYT về thuốc, giường bệnh và các dịch vụ khác. Đồng thời, việc bệnh nhân nội trú nhưng bỏ về nhà buổi tối cũng có thể xảy ra nhiều hậu quả khôn lường và đây là trách nhiệm của giám đốc bệnh viện.
Ngày 28/12/2016, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên ký ban hành Thông báo về việc xử lý cán bộ quản lý với hình thức “phê bình nghiêm khắc”.
“Việc chị Trần Ngọc Anh đã làm bệnh án khống lấy thuốc của bệnh viện là sai. Bệnh viện không hề bao che sự việc này. Tuy nhiên, lúc đó có thể chị Trần Ngọc Anh không giữ được bình tĩnh vì chồng đang trong tình trạng nguy kịch, tiên liệu không thể sống được lâu. Ban Giám đốc đã họp toàn bộ Khoa và cho lấy phiếu kín. Kết quả có 86 % phiếu đề nghị không kỷ luật. Trên cơ sở đó, Bệnh viện đã ban hành quyết định cảnh cáo toàn bệnh viện với chị Trần Ngọc Anh” - ông Nguyễn Thành Trung nói.
Cũng theo ông Nguyễn Thành Trung, chồng của bà Trần Ngọc Anh đã mất vào ngày 2/3/2017.
Về số thuốc bị trục lợi, Ban giám đốc Bệnh viện cho biết, có trị giá khoảng 20 triệu đồng. “Bà Trần Ngọc Anh đã chủ động hoàn trả lại. Đồng thời, bệnh viện cũng đã thực hiện thu phí các dịch vụ khám không theo diện BHYT với 3 trường hợp bệnh nhân bị phát hiện tại buổi kiểm tra tối ngày 7/9/2016” - ông Nguyễn Thành Trung cho biết.
Trả lời câu hỏi về việc liệu có xảy ra tình trạng bao che cho cán bộ vi phạm, ông Nguyễn Thành Trung cho biết thêm: “Bệnh viện sẽ xem xét và xử lý sự việc theo đúng mức độ. Hiện tại, bác sĩ Trần Ngọc Anh được tạm cho nghỉ công tác quản lý. Hội đồng kỷ luật của bệnh viện sẽ họp và xem xét lại hình thức kỷ luật. Với những hành vi như vậy, dự kiến ít nhất là phải chịu hình thức cảnh cáo”.
Hoàng Mạnh
Tin liên quan:
Chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý trục lợi BHYT
Theo ông Lê Văn Phúc - Phó Trưởng ban phụ trách Ban thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) cho biết, hiện chưa có chế tài xử phạt hành vi người dân dùng thẻ BHYT đi khám nhiều lần.
Đối với các cơ sở tế hiện nay, việc xử lý các hành vi có dấu hiệu trục lợi mới chỉ dừng việc bị cảnh cáo, phạt tiền và buộc khắc phục hậu theo Nghị định 176/2013/NĐ/CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Thậm chí, đối với nhiều trường hợp có trục lợi gây hậu quả nghiêm trọng, việc xử lý hình sự chỉ có thể thực hiện khi các cơ quan điều tra phát hiện các tội như làm khống hồ sơ sẽ truy cứu hình sự về tội làm giả giấy tờ bởi Luật Hình sự hiện vẫn chưa có quy định về tội trục lợi bảo hiểm
Trong khi đó, cơ quan Bảo hiểm Xã hội chỉ có chức năng thanh tra công tác đóng BHYT. Do vậy, khi phát hiện ra hành vi trục lợi, cơ quan này chỉ có thể thực hiện xuất toán chứ không thể xử phạt. Qua 4 tháng đầu năm 2017, BHXH VN đã từ chối thanh toán với số tiền gần 3.000 tỷ đồng.
V.K
Số người lao động lĩnh BHXH một lần đang tăng nhanh
Theo BHXH VN, số người lĩnh bảo hiểm xã hội một lần đang tăng dần trong 4 năm trở lại đây. Năm 2014, số người nhận BHXH một lần là 605.783 người, năm 2015 là 629.131 người, năm 2016 đã là 665.306 người và dự kiến năm 2017 là 689.751 người.
Được biết, Bảo hiểm xã hội là công cụ hữu hiệu để chuẩn bị cho tác động của già hóa dân số mà VN sẽ phải đối mặt trong 25 năm tới. Tuy nhiên, công cụ này đang bị giảm tác dụng khi số người lĩnh bảo hiểm xã hội một lần đang tăng dần trong 4 năm trở lại đây. Lĩnh bảo hiểm xã hội một lần nghĩa là khi nghỉ việc, người lao động xin lĩnh tiền hưu trí một cục, thay vì đóng thêm để nhận lương hưu khi đủ tuổi. Số tiền này tương đương với 2 tháng lương đóng bảo hiểm cho mỗi năm làm việc của người đó. Tuy nhiên, vì nhiều lý do như cần tiền làm ăn, không có tiền đóng tiếp cho bảo hiểm hoặc chờ đến lúc đủ tuổi lĩnh lương hưu còn rất xa khiến cho số người lĩnh tiền bảo hiểm xã hội một lần đang có xu hướng tăng nhanh. Có những người chỉ vài năm nhưng có những người đã đóng gần đủ số năm vẫn rút. Một con số thống kê đáng buồn là số người mới tham gia bảo hiểm xã hội và số người lĩnh bảo hiểm xã hội một lần đang tương đương nhau. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tổng số lao động đóng bảo hiểm xã hội vẫn chỉ khoảng 13 triệu người và tăng không đáng kể trong thời gian qua.
P.P
Có hai thẻ BHYT, xử lý thế nào?
Ông Nguyễn Văn Thanh (TP. Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh) đã mua BHYT cho năm 2017, nhưng đầu năm 2017, ông đi làm và đóng BHYT bắt buộc tại công ty nên hiện ông có 2 thẻ BHYT. Ông Thanh hỏi, ông làm thủ tục hoàn trả thẻ BHYT như thế nào?
Về vấn đề này, BHXH tỉnh Quảng Ninh trả lời như sau: Căn cứ quy định tại Điều 20 Quyết định số 959/QĐ-BHXH ngày 9/9/2015 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam ban hành quy định quản lý thu BHXH, BHYT, BHTN; cấp sổ BHXH, thẻ BHYT thì người đang tham gia BHYT theo hộ gia đình, sau đó chuyển sang đối tượng tham gia BHYT tại doanh nghiệp, được hoàn trả tiền đóng BHYT của thời gian tham gia BHYT theo hộ gia đình. Số tiền hoàn trả tính theo mức đóng BHYT và thời gian còn lại thẻ BHYT có giá trị sử dụng. Thời gian còn lại thẻ có giá trị sử dụng được tính từ thời điểm thẻ BHYT được cấp mới tại doanh nghiệp đến hết thời hạn sử dụng ghi trên thẻ BHYT theo hộ gia đình. Hồ sơ để làm căn cứ hoàn trả tiền đóng theo quy định tại Điều 28 Quyết định 959/QĐ-BHXH gồm: Tờ khai cung cấp và thay đổi thông tin người tham gia BHYT (Mẫu TK1-TS); thẻ BHYT tham gia theo hộ gia đình còn giá trị sử dụng. Số lượng hồ sơ: 01 bộ. Đề nghị ông nộp hồ sơ cho BHXH TP. Cẩm Phả để được giải quyết.
T.L