1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

"Bệnh nan y" của lao động Việt

Xuân Hinh

(Dân trí) - So với các nước trong khu vực và thế giới, Việt Nam là nước có tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp, chỉ 26%, năng suất lao động không cao, khó đáp ứng nhu cầu thu hút đầu tư FDI công nghệ cao.

Chỉ 26% lao động qua đào tạo

Bệnh nan y của lao động Việt - 1

Tỉ lệ lao động tốt nghiệp đại học và cao học ở Việt Nam khoảng 26%.

Vừa qua, tại hội nghị "Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập" của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho hay, Việt Nam là nước có tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp. Quý II năm 2022, chỉ số này mới chỉ đạt mức 26,2%. Do vậy, nguồn lực lao động chưa thể đáp ứng kịp với tốc độ và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, tính thích ứng, chủ động, linh hoạt kém.

Làm rõ vấn đề này, đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) cũng nhận định, Việt Nam có lực lượng lao động có kỹ năng chưa được cao. Hiện tại, Việt Nam đứng thứ 116/141 nước về kỹ năng của học sinh tốt nghiệp trong "Báo cáo về cạnh tranh toàn cầu", thấp hơn nhiều so với một số nước, trong đó có Singapore (đứng thứ 79).

Năm 2019, cuộc khảo sát ở các doanh nghiệp Việt Nam cho thấy, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tuyển dụng người lao động có chất lượng. 73% doanh nghiệp có báo cáo rằng khó tuyển dụng những lao động cho vị trí quản lý, 61% khó tuyển dụng người lao động có kỹ năng phù hợp. Con số này cho thấy có khoảng cách lớn giữa "cung" và "cầu" lao động Việt Nam.

Trong bảng điều tra về lao động Việt Nam năm 2020, rất ít đơn vị của Việt Nam hoàn tất giáo dục đào tạo nghề thuộc bậc giáo dục cao học. Điều này là do người Việt ít được tiếp cận với giáo dục cao học. Tỉ lệ lao động tốt nghiệp đại học và cao học ở Việt Nam khoảng 26%, thấp hơn con số 51,3% của các nước thu nhập trung bình.

Về kỹ năng, 17% lao động Việt Nam có bằng đại học và trên đại học, phần còn lại, trung bình người lao động phải đào tạo trong vòng 8 năm.

"Việt Nam muốn tăng cường chất lượng lao động tới năm 2050 nhưng với đà này thì chỉ 15% lực lượng lao động được tiếp cận giáo dục đại học vào năm 2030, thấp hơn nhiều so với các quốc gia ở châu Á khác" - phía WB nêu cảnh báo.

Một vấn đề khác, điều tra việc làm Việt Nam 2020 cho thấy, việc làm đơn giản ngày càng giảm và việc làm trong thời kỳ mới đòi hỏi phải có nhiều kỹ năng cao và chuyên sâu hơn.

Báo cáo PCI năm 2021 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng chỉ ra rằng, khi doanh nghiệp có kế hoạch tuyển dụng thay thế hoặc mở rộng, nhóm lao động mà các doanh nghiệp có thể dễ dàng tuyển dụng hơn cả là công nhân, lao động phổ thông (chiếm 62%). Tiếp đến là nhóm kế toán (42%), cán bộ kỹ thuật (25%) và quản lý, giám sát (20%).

Nhóm lao động có mức độ khó nhất khi tuyển dụng là giám đốc điều hành (15%).

 Hai Bộ trưởng đề xuất "thuốc đặc trị"

Bệnh nan y của lao động Việt - 2

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nêu 7 giải pháp lâu dài để phát triển thị trường lao động (Ảnh: Nhật Bắc).

Từ thực tế trên, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nêu 7 giải pháp lâu dài để phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập.

Thứ nhất: Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật để phát triển đồng bộ các yếu tố của thị trường lao động, nâng cao hiệu quả hoạt động của các định chế trung gian của thị trường, phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động. Nâng cao hiệu quả tổ chức, vận hành thị trường lao động.

Thứ hai: Thúc đẩy tạo việc làm bền vững, sử dụng lao động hiệu quả thông qua các chương trình, đề án, chính sách tín dụng hỗ trợ tạo việc làm, tham gia thị trường lao động, đặc biệt quan tâm đến các nhóm lao động đặc thù, lao động yếu thế.

Thứ ba: Nghiên cứu, rà soát, đánh giá năng lực hệ thống các cơ sở đào tạo, các kiến nghị và đóng góp ý kiến của yêu cầu của cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp FDI để kịp thời triển khai các giải pháp đào tạo, nâng cao năng lực kỹ năng nghề cho công nhân lao động, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.

Thứ 4: Đẩy mạnh đào tạo nghề nghiệp cho người lao động cả trước, trong, sau quá trình tham gia thị trường lao động; cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu ngành nghề, trình độ của lao động trong các doanh nghiệp, doanh nghiệp FDI, nhất là các ngành nghề khoa học - kỹ thuật - công nghệ và đào tạo các chuyên ngành mới trong chuyển đổi số như trí tuệ nhân tạo (AI), khoa học dữ liệu, dữ liệu lớn, IoT, chuỗi khối,… Tổ chức thực hiện các giải pháp phù hợp để phân luồng học sinh, sinh viên, hướng tới phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao và cơ cấu phù hợp với nhu cầu của nền kinh tế.

Thứ 5: Đầu tư công tác dự báo cung - cầu, phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động với nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về lao động hiện đại, đồng bộ, có sự kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu dân cư, đăng ký doanh nghiệp, bảo hiểm.

Thứ 6: Hỗ trợ phát triển lưới an sinh và bảo hiểm thông qua cung cấp thông tin và dịch vụ tư vấn pháp lý miễn phí cho người lao động khi tham gia thị trường lao động.

Thứ 7: Phổ biến các hệ thống chứng nhận nghề, kỹ năng theo tiêu chuẩn quốc tế để hỗ trợ người lao động được tham gia các thị trường lao động trong và ngoài nước; xây dựng các chính sách hỗ trợ phát triển thị trường lao động đặc thù, nhất là cho phát triển thị trường lao động nông thôn, phát triển lao động làm công ăn lương trong khu vực kinh tế tư nhân và phát triển thị trường lao động trình độ cao.

Kiến nghị thêm về những giải pháp dài hạn để phát triển thị trường lao động, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng cho rằng, trước hết cần phải hỗ trợ doanh nghiệp tái cơ cấu lao động trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đáp ứng yêu cầu tình hình mới, huy động mạng lưới trí thức người Việt trong và ngoài nước.

Xây dựng chiến lược quốc gia phát triển nguồn nhân lực, thống nhất đầu mối quản lý, đào tạo nhân lực, đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế.

Đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cao năng lực tự chủ của các cơ sở đào tạo nhân lực, đa dạng hóa các hình thức liên kết đào tạo, nghiên cứu giữa các cơ sở đào tạo, hiệp hội, doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư, giải quyết việc làm. Có các chính sách để các cơ sở kinh tế phi chính thức chuyển sang khu vực chính thức. Đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số và công nghệ thông tin để kết nối cung cầu lao động, đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số, xây dựng và phát triển kinh tế số, xã hội số.