"Bệnh công thần" rất đa dạng

Có thể thấy rõ thái độ kiêu ngạo, không xem ai ra gì của một số cán bộ, công chức khi tiếp xúc với dân

Trong tác phẩm "Đạo đức Cách mạng", Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: "Có đạo đức cách mạng thì khi gặp thuận lợi và thành công cũng vẫn giữ vững tinh thần gian khổ, chất phác, khiêm tốn, "lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ"; lo hoàn thành nhiệm vụ cho tốt chứ không kèn cựa về mặt hưởng thụ; không công thần, không quan liêu, không kiêu ngạo, không hủ hóa. Đó cũng là biểu hiện của đạo đức cách mạng".

Tạo ra lực cản

Hai chữ công thần vốn để chỉ những quan lại có công lớn đối với triều đình phong kiến như mở mang bờ cõi, giúp dân, phò vua giữ nước, đánh thắng giặc ngoại bang bảo vệ độc lập, chủ quyền thiêng liêng của quốc gia...

Người có công trạng to lớn thì được vua ban tặng danh hiệu nhằm tôn vinh họ trước thần dân thiên hạ.

Nhưng 2 chữ công thần cũng còn được dùng để chỉ những người có tư tưởng dựa vào công lao đóng góp của mình mà sinh ra kiêu ngạo và đòi hỏi đãi ngộ quá đáng.

Vậy, khi nghiên cứu về biểu hiện của "đạo đức cách mạng" mà Bác Hồ dạy thì phải hiểu Người đang muốn nói đến những công bộc của dân, cụ thể hơn là cán bộ, công chức, viên chức (CB-CC-VC) trước hết phải lo làm sao "hoàn thành nhiệm vụ cho tốt" chứ không "kèn cựa về mặt hưởng thụ"; tiếp đó là không được công thần, không "dựa vào công lao đóng góp của mình mà sinh ra kiêu ngạo và đòi hỏi đãi ngộ quá đáng".

Soi vào thực tiễn, chúng ta sẽ thấy nhiều người vẫn hưởng lương nhưng đi làm cho có, kiểu "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về".

Nhiều báo cáo cho thấy con số CB-CC-VC "làm cho có" này thậm chí phải trên 30%. Chính đây là bộ phận tạo ra lực cản làm bộ máy nhà nước trở nên trì trệ; năng suất, chất lượng, hiệu quả công việc yếu kém; các công việc phục vụ nhân dân bị chậm trễ.

Bộ phận CB-CC-VC này chính là gánh nặng của bộ máy, cản trở sự phát triển của đất nước.

Điều đáng nói nữa là có những người đã không chịu tự giác lo "hoàn thành nhiệm vụ cho tốt", là lực cản của bộ máy nhưng lại luôn "kèn cựa về mặt hưởng thụ", luôn so bì với đồng nghiệp trên tất cả mọi thứ, từ quyền lợi cho đến chức danh, tạo nên không khí không lành mạnh trong môi trường lao động.

Có người từ chỗ kèn cựa mà bới móc, soi mói, kiện cáo khắp nơi, bất chấp khuyên bảo của đồng nghiệp, tổ chức.

Tóm lại, với bộ phận CB-CC-VC như đã nêu, các cơ quan, đơn vị, tổ chức cần rà soát thấu đáo thông qua việc bình xét định kỳ; thông qua những tiêu chuẩn, quy chế, quy định công khai để kiểm soát; đặc biệt là thông qua các đợt bình bầu thi đua hay kiểm điểm đảng viên cuối năm.

Tìm ra rồi thì phải có biện pháp giúp đỡ để uốn nắn; nếu vẫn tận tâm với công việc nhưng yếu kém chuyên môn thì tạo điều kiện cho họ được đào tạo, nâng cao tay nghề; nếu không có ý chí tiến thủ mà bất chấp thì kiên quyết loại bỏ ngay, nếu không muốn kéo dài tình trạng trì trệ của bộ máy.

Bệnh công thần rất đa dạng - 1

Công chức Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM tận tình hướng dẫn thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh: Tấn Thạnh

 

Cần vạch mặt, chỉ tên

Ở giai đoạn hiện nay, nhắc đến 2 chữ công thần là người ta lại thường nghĩ đến một loại "bệnh dịch" tương đối khó chữa, đó là "bệnh công thần".

Nếu hỏi "bệnh công thần" có biểu hiện thế nào thì thưa rằng nó rất đa dạng. Tuy vậy, có thể nhìn rõ qua một số biểu hiện ở thái độ kiêu ngạo, không xem ai ra gì, nhất là trong các việc tiếp xúc với dân; những người như vậy cũng lại thường đòi hỏi được đãi ngộ quá đáng, không giống ai.

Là CB-CC-VC công bộc của dân nhưng khi làm việc với dân, với doanh nghiệp mà vòi vĩnh, hạch sách, ta đây, đẩy dân vào thế phải "tự nguyện lót tay" mới xong thì chính những người đó đã tự cho mình có cái quyền được thụ hưởng những cái mà luật pháp, chính sách không cho phép.

Chồng làm công chức nhưng vợ con cũng được cơ quan đơn vị của chồng mang xe công vụ đón rước như xe nhà; cha mẹ làm lãnh đạo thì con cái phải được nâng điểm khi thi, được học trường tốt, được bố trí việc làm tốt, thăng tiến phải nhanh…

Tất cả những điều đó đều là biểu hiện của tư tưởng công thần, đòi hỏi về mặt hưởng thụ quá đáng. Những tư tưởng ấy có nơi, có lúc còn là dấu hiệu của "tham nhũng vặt", rất cần vạch mặt, chỉ tên. 

Biến tướng khó lường

"Bệnh thời nay" là cách mà dân gian chỉ một số mặt trái trong cuộc sống, đặc biệt là ở đội ngũ CB-CC-VC.

Những loại "bệnh" này ngày càng có nhiều thể biến tướng khó lường nên rất cần có sự chung tay góp sức của cả hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó chú trọng phát huy cho được vai trò phản biện của nhân dân, đồng thời có biện pháp căn cơ bảo vệ an toàn cho người dũng cảm tố cáo các hành vi tham ô, tham nhũng lãng phí.

Phải thực hiện cho tốt phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" và thực hiện dân chủ, vì đó cũng chính là "phương thuốc" quý giúp các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý kịp thời và hiệu quả nhất, góp phần khôi phục niềm tin của nhân dân vào tính nghiêm minh của kỷ luật Đảng và nhà nước.

 Theo Mai Lịch/Người Lao động