Bến Tre: Trồng dừa lấy mật từ hoa nông dân "sống khỏe"
(Dân trí) - Nhận thấy việc trồng dừa lấy quả không hiệu quả kinh tế và rủi ro cao, nhiều nông dân ở Bến Tre đã chuyển sang trồng dừa lấy mật, hướng đi mới này giúp nông dân có thu nhập khá.
Tại xã An Khánh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre và những vùng lân cận, nhiều hộ dân đã phát triển nghề làm mật hoa dừa, mở ra hướng đi mới, kinh tế và hiệu quả.
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Chiến (ở xã An Khánh) cho biết, gia đình ông chỉ có mấy chục gốc dừa lấy mật hoa nhưng thu nhập rất khá, cao hơn nhiều lần để lấy trái.
"Mấy năm gần đây hạn mặn, dừa rụng hết. Mỗi lưỡi mèo (chùm hoa) đậu dăm, ba quả. Giá bán dừa quả cũng rất bấp bênh, tùy theo loại, cao thì được 7 nghìn đồng một quả, thấp thì một hai nghìn đồng, có khi thương lái cũng chẳng mua. Bây giờ bán hoa 70 nghìn đồng một hoa, giá cao, còn được thêm tiền công lấy mật nên hiệu quả kinh tế hơn nhiều", ông Chiến cho biết.
Trung bình mỗi hoa dừa cho thu hoạch mật được 20 ngày, mỗi ngày 1 lít. Với giá bán hiện tại là 20 nghìn đồng/lít mật thô, ông Chiến thấy rõ hiệu quả kinh tế so với trồng dừa lấy quả.
Không chỉ vậy, do cây không cần nuôi hoa đến lúc đậu quả nên lại cho càng nhiều hoa hơn. Có những cây cho thu hoạch một lúc nhiều hoa nên hiệu quả kinh tế lại càng tăng lên.
Người dân ở xã An Khánh cho biết, để lấy được mật, sáng sớm người nông dân sẽ dùng gậy gỗ nhỏ gõ nhẹ ngoài chùm hoa để kích thích tạo mật, sau khi gõ thì cắt lát mỏng đầu hoa cho mật chảy ra là có thể hứng trực tiếp. Mật hoa dừa có thể uống tươi hoặc thanh trùng để bảo quản được lâu hơn.
Hiện sản phẩm mật dừa thô của các hộ dân trong vùng đang được anh Tô Chí Hải (trú xã An Khánh) thu mua, chế biến và đưa ra thị trường.
Anh Hải cho biết hiện sản phẩm mật dừa thanh trùng của anh đã được kiểm nghiệm đánh giá mức độ dinh dưỡng, anh cũng đã đăng ký bản quyền, đăng ký kinh doanh và đăng ký vệ sinh an toàn thực phẩm cho sản phẩm của mình.
Trong vùng hiện chỉ mới có 5 hộ dân lấy mật dừa số lượng lớn để cung cấp cho cơ sở chế biến của anh Hải. Với diện tích trồng dừa nguyên liệu hơn 10 nghìn m2, trung bình mỗi ngày cơ sở anh Hải tiếp nhận hơn 200 lít mật thô.
Anh Hải đang kết hợp với một số chuyên gia thực phẩm để phát triển sản phẩm, tạo ra những sản phẩm mới. Dự định tương lai, anh sẽ mở rộng quy mô vùng nguyên liệu, đa dạng sản phẩm và hướng tới xuất khẩu.
Trao đổi với phóng viên, đại diện lãnh đạo xã An Khánh xác nhận anh Hải đang làm hồ sơ đăng ký OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm), địa phương khuyến khích và cam kết hỗ trợ hết mình đối với những hộ gia đình, hợp tác xã sáng tạo sản phẩm mới nhưng sản phẩm mới.
Với mùi thơm nhẹ, vị ngọt thanh và có nhiều vitamin, khoáng chất, lại xuất xứ hoàn toàn thiên nhiên, mật hoa dừa đang có tiềm năng tiêu thụ rất lớn. Tuy có vất vả hơn nhưng trồng dừa lấy mật đang khiến đời sống người dân khấm khá lên trông thấy.
Mật hoa dừa vốn là thức uống có từ xa xưa của xứ Bến Tre, nơi bạt ngàn dừa, đâu đâu cũng là dừa. Tuy nhiên bao đời nay người trồng dừa chỉ lấy mật hoa để giải khát chứ chưa từng thu hoạch để bán.
Những năm gần đây, trồng dừa lấy quả ngày càng khó khăn, hạn mặn làm rụng trái, sâu bệnh gây hại khiến dừa không ngừng mất mùa và mất giá. Phá dừa thì không đành, giữ lại thì phải tìm hướng đi khác.