Bảy khác biệt giữa doanh nhân và người lao động
Trong thế giới kinh doanh, chỉ có hai loại người: Doanh nhân và người lao động. Dưới đây là những điểm khác biệt giữa hai đối tượng này. Những điểm khác biệt cũng lý giải vì sao nhiều người muốn thành doanh nhân, nhưng họ không bao giờ đạt được mục tiêu.
1. Doanh nhân thay thế sự an nhàn trong công việc hằng ngày bằng việc tìm kiếm điều mới lạ để bắt đầu một ngày kinh doanh mới
Người lao động quen với lịch trình công việc lặp đi lặp lại mỗi ngày. Mỗi buổi sáng ngủ dậy, họ lại bắt đầu một ngày như mọi khi. Sáng đến công ty làm việc rồi buổi chiều về nhà, ăn tối, xem tivi, dành thời gian cho bạn bè và gia đình. Sau đó, đi ngủ.
Trong khi đó, hằng ngày, doanh nhân phải tìm kiếm cách thức để cải thiện công việc. Họ thay thế sự an nhàn trong công việc hằng ngày bằng việc tìm kiếm điều mới lạ để bắt đầu một ngày làm việc mới và nuôi dưỡng doanh nghiệp .
2. Doanh nhân không bao giờ ngừng tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới
Trong khi người lao động an phận thủ thường, thì doanh nhân không bao giờ bằng lòng với hiện tại, mà phải không ngừng tìm kiếm cơ hội mới để có những ý tưởng đúng đắn.
3. Doanh nhân là người làm việc quyết liệt, chứ không phải người mơ mộng
Người lao động thường thụ động, làm việc theo sự chỉ đạo. Trong khi đó, doanh nhân là người luôn chủ động. Họ nắm bắt cơ hội, họ hành động quyết liệt để đạt mục tiêu, chứ không mơ mộng.
4. Doanh nhân làm bất cứ việc gì họ thấy cần phải làm
Người lao động thường dễ nản trí khi gặp trở ngại, nên khó đạt được mục tiêu của mình. Trong khi đó, doanh nhân đưa ra mục tiêu rõ ràng và quyết thực hiện theo mục tiêu đã định. Họ đưa ý tưởng thành hành động kinh doanh thực tế. Để làm được điều đó, đòi hỏi họ phải có tính kiên trì, quyết tâm cao và có tính kỷ luật để tập trung vào mục tiêu đã đề ra.
5. Doanh nhân bắt đầu một công việc kinh doanh vì những lý do đúng đắn
Một quan niệm sai cho rằng, doanh nhân là những người kiếm được nhiều tiền mà ít làm việc hơn so với người lao động. Điều đó hoàn toàn sai, đặc biệt trong giai đoạn đầu kinh doanh. Ngoài ra, đây còn là tư duy sai khi khởi nghiệp kinh doanh. Lý do đúng là khởi nghiệp kinh doanh nhằm phát triển một sản phẩm hoặc dịch vụ nào đó để tạo sự khác biệt trong cuộc sống con người.
Đó là điều mà Steve Jobs, Bill Gates và nhiều doanh nhân thành đạt khác đã làm. Quan trọng hơn, họ say mê với công việc của mình.
6. Doanh nhân là người tự tạo động lực cho mình
Người lao động thường phải do lãnh đạo tạo động lực. Lãnh đạo xác định công việc phải hoàn thành, giao người lao động thực hiện theo thời hạn nhất định. Nhưng với doanh nhân, không có ai làm giúp những việc đó, mà tự họ phải định ra cho mình.
7. Doanh nhân phải có trạng thái tâm lý tốt
Doanh nhân phải là những lãnh đạo thực sự. Điều đó có nghĩa rằng, họ phải được kiểm tra khắt khe về trạng thái tâm lý để xem có khuyết tật gì không.
Theo Báo Đầu tư