Bất ngờ với thu nhập "khủng" của người làm việc gom đồ người khác bỏ đi
Nơi làm việc không cố định, phương tiện làm việc chỉ là chiếc xe đạp cũ và mấy chiếc bao tải dứa, vậy mà chị Luyến đã gắn bó với nghề này hơn chục năm nay.
Thu gom những thứ bỏ đi
Chị Nguyễn Thị Luyến (Nam Định) - một người làm nghề thu mua đồng nát cho biết, từ sáng sớm tới nhá nhem tối, những người làm công việc như chị len lỏi vào từng ngóc ngách, ngõ hẻm, thậm chí cả những nơi tập kết rác thải để gom, mua phế liệu, như: Giấy, sách, bìa các-tông, đồng, nhôm, chai lọ, vỏ lon,...
Những ngày cuối tuần chị lại đảo qua các khu tập thể, các khu chung cư - nơi mà nhiều hộ gia đình công chức chỉ những ngày nghỉ mới có ở nhà, để rao mua và thu gom phế liệu.
Sáng chủ nhật hôm đó, mới 9h mà phía sau chiếc xe đạp cũ đã nặng trĩu bìa các-tông, đồ điện hỏng... Đội chiếc nón cũ, chiếc khăn bịt kín mặt chỉ để hở đôi mắt, chị xuất hiện cùng tiếng rao quen thuộc “đồng nát, sắt vụn bán đi”…
Do mới có thợ sửa cánh cửa, nhân tiện đang dọn nhà tôi gọi chị vào thu gom giúp một vài khung sắt cũ. Chỉ trong vài phút chị đã xếp và phân loại gọn gàng đồ sắt, đồ nhựa, bìa giấy.
Chị cho biết, thời gian này dịch bệnh nên mọi thứ giá đều hạ, nhưng vì tình hình chung nên chị vẫn nán lại bám nghề.
Thông thường, nghề đồng nát cũng có tính “thời vụ”. Vào những ngày cuối tuần, cán bộ, sinh viên được nghỉ, họ mới có thời gian dọn dẹp nhà cửa, thanh lý bớt những đồ phế phẩm. Nhờ đó, thu nhập của người buôn đồng nát cũng cao hơn.
Thời điểm trước, sau Tết cũng là dịp “làm ăn được” của đội ngũ thu mua đồng nát bởi đây là thời điểm các gia đình dọn dẹp nhà cửa, khá nhiều đồ cũ bỏ đi.
“Một số gia đình bận bịu, ngày nghỉ cuối tuần hoặc những dịp nghỉ lễ họ mới có thời gian dọn dẹp nhà. Có người hào phóng họ gọi và cho tôi cả núi đồ.
Có lần, tôi nhận dọn dẹp nhà cửa giúp một gia đình, họ đã nhờ tôi thu dọn tất cả số đồ cũ đó. Sau khi phân loại, tôi bán được gần hai triệu. Tuy nhiên, những khách sộp như vậy thì hiếm gặp” – chị Luyến cho hay.
Chị Luyến chia sẻ, công việc này tưởng dễ làm, nhưng thực tế cũng không đơn giản. Nếu không tinh mắt phân loại đồ thì sẽ mua phải những thứ không bán được, hay chỉ bán được với giá rẻ, thậm chí lỗ.
Đặc biệt, để làm ra tiền trong nghề này cũng cực kỳ vất vả. Mỗi ngày chị đi dạo các ngõ ngách không dưới 20 -30 cây số. Có những hôm đi cả ngày không mua được mối hàng nào, có hôm thì mua hàng cồng kềnh, một mình chị phải lấy kìm vặn từng móc nối ra để xếp vừa lên xe, sau đó dắt bộ cả tiếng đồng hồ. Khi về nhà chị mỏi rã cánh tay vì vừa đi vừa giữ hàng…
Cũng theo chị Luyến, trước đây chị chỉ đơn thuần thu gom đồng nát từ các hộ dân nên lượng hàng không nhiều, lãi lời cũng không đáng là bao.
Khoảng 4 - 5 năm trở lại đây, khi hàng loạt các dự án được xây dựng khắp thành phố đã giúp chị Luyến có thêm khá nhiều đầu mối việc làm.
“Ban đầu tôi chỉ thu mua những chai lọ nhựa xung quanh các công trình, dần dà khi có kinh nghiệm hơn tôi mới biết trong thời gian triển khai công trình, có khá nhiều đồ phế thải, vật dụng dùng xong họ cần thanh lý, như: vỏ bao xi măng, sắt vụn,...
Về sau tôi đã chủ động hợp tác thu mua với đại diện nhà thầu. Có những lần có nhiều đồ cần thu dọn, tôi phải gọi nhờ chồng hỗ trợ và thuê xe lôi chở hàng. Vất vả là vậy, nhưng có thu nhập, lại quen rồi nên tôi vẫn thấy vui” – chị Luyến chia sẻ.
Mua đồng nát xây nhà tầng ở quê
Theo lời chị Luyến, ở quê ngoài đồng ruộng chị không biết buôn bán thứ gì. Sau 5 năm cưới nhau, lần lượt sinh hai con nhỏ, hai vợ chồng chị luôn sống trong cảnh nghèo túng. Khi con thứ hai được tròn 2 tuổi, chị Luyến và chồng quyết định nhờ ông bà nội trông nom, để cùng nhau lên Hà Nội tìm việc làm.
Ban đầu chồng làm thợ xây, còn mình vì không có nghề chuyên môn, nên theo chân những người đồng hương đi thu mua đồng nát. Về sau khi có chút vốn liếng và kinh nghiệm, mình tự đi thu mua riêng, lâu dần cũng thành quen.
“Công việc cực nhọc thì không thể kể hết, nhưng nhờ chịu khó mỗi tháng trừ tiền ăn, tiền thuê trọ và gửi tiền về cho các cháu ăn học, vợ chồng tôi cũng tiết kiệm được 10 - 15 triệu đồng/tháng.
Nếu tháng nào có nhiều mối hàng cần dọn kho, thanh lý thì kiếm được nhiều hơn gấp đôi, ba lần” - chị Luyến thật thà kể.
Được biết, sau hơn 10 năm theo cái nghề “mà cả xã hội chẳng ai muốn làm”, với số tiền kha khá dành dụm được, vợ chồng chị Luyến đã xây nhà 2 tầng khang trang ở quê năm 2019. Tết vừa rồi cả gia đình chị đã cùng đoàn tụ, đón năm mới ở ngôi nhà này.
Giờ đây, khi anh chị trở lại thành phố tiếp tục công việc mưu sinh, thì hai con của anh chị đều đã lớn và quen với cuộc sống tự lập bên ông bà nội.
“Theo được nghề đến ngày hôm nay thực sự tôi thấy mình có nhiều may mắn. Có lẽ nghề đã chọn mình, dù là công việc cực nhọc, cả xã hội chẳng ai muốn làm, nhưng tôi xác định sẽ vẫn tiếp tục gắn bó với công việc này” - chị Luyến chia sẻ.